Tài xế Gojek: 'Làm nhiều nhưng nhận lương ít hơn trong dịch'

Lợi nhuận khổng lồ của ngành công nghiệp thương mại điện tử toàn cầu xuất phát từ sự lao động cực khổ của hàng chục triệu tài xế.

Theo Nikkei Asian Review, năm 2020 là quãng thời gian bùng nổ đối với các công ty thương mại điện tử Indonesia. Thống kê của e-Conomy SEA cho thấy bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế (GDP sụt giảm 2,2%), quy mô giao dịch thương mại điện tử của Indonesia tăng trưởng 52%, đạt 32 tỷ USD trong năm 2020.

Ngành công nghiệp thương mại điện tử và giao nhận Indonesia huy động được nguồn vốn đầu tư lớn trong thời điểm các lĩnh vực khác lao đao. Một trong những "kẻ chiến thắng" là Gojek, ứng dụng gọi xe, giao nhận hàng và dịch vụ tài chính.

Gojek hiện hoạt động tại hơn 200 thành phố tại Đông Nam Á, nhưng Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất. Công ty này cho biết có khoảng 2 triệu tài xế "đối tác".

Tài xế của Gojek phải làm việc nhiều hơn trong dịch Covid-19 nhưng thu nhập giảm. Ảnh: AFP.

Tài xế của Gojek phải làm việc nhiều hơn trong dịch Covid-19 nhưng thu nhập giảm. Ảnh: AFP.

Làm nhiều, thu nhập giảm

Gojek cho biết tăng trưởng doanh thu ổn định và tổng giá trị giao dịch năm 2020 đạt 12 tỷ USD, tăng 10% so với 2019. Tháng 11 năm ngoái, hãng huy động được 150 triệu USD từ nhà mạng Telkomsel. Hồi năm 2018, Gojek nhận đầu tư 3 tỷ USD từ các tập đoàn công nghệ Mỹ như Facebook và PayPal Holdings.

Gojek - cũng như Grab - làm giàu nhờ công sức lao động của các tài xế "đối tác" (không phải nhân viên chính thức, không được hưởng các phúc lợi như bảo hiểm, lương ngoài giờ, nghỉ bệnh...). Tài xế Komaruddin - 28 tuổi, ở Jakarta - cho biết anh kiếm được khoảng 200.000 rupiah (14 USD)/ngày khi làm cho Gojek vào đầu năm 2018.

Trước dịch Covid-19, anh làm việc 12 giờ/ngày, di chuyển khắp mọi ngõ ngách Jakarta. Anh chỉ nghỉ một ngày mỗi tuần. Khi dịch bùng lên, Komaruddin phải làm việc nhiều giờ hơn. Anh lao động 16 giờ/ngày và hai tuần mới nghỉ một ngày. Tuy nhiên, thu nhập của Komaruddin giảm 50%.

Phần lớn thời gian trong ngày, Komaruddin ngồi đợi đơn đặt hàng từ ứng dụng Gojek. "Hai đứa con tôi thường nói rằng không bao giờ thấy tôi ở nhà", Komaruddin kể với Nikkei. "Tôi muốn tìm công việc khác, nhưng khó khăn quá".

Nhiều tài xế Gojek phải làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày. Ảnh: Nikkei.

Thu nhập của các tài xế giảm sút một phần vì doanh thu chở khách giảm, trong khi việc giao đồ ăn tốn nhiều thời gian nhưng thu nhập thấp. Komaruddin kể anh từng phải đợi cả giờ đồng hồ dưới sảnh một chung cư vào lúc nửa đêm để chờ giao hàng vì khách ngủ quên. "Nhưng với tình hình dịch như hiện nay, giao đồ ăn có vẻ an toàn hơn", anh nói.

Các hãng gọi xe công nghệ như Grab và Gojek không công nhận tài xế là nhân viên mà chỉ gọi họ là "đối tác". Các tài xế không được chi trả bảo hiểm và phúc lợi như nhân viên chính thức. Và bất chấp nhu cầu giao hàng tăng cao, hàng loạt tài xế các hãng xe công nghệ cho biết thu nhập của họ sụt giảm đáng kể.

"Đối tác" chịu nhiều thiệt thòi

Nikkei tiếp cận với các tài xế của Gojek, Shopee Express và 4 công ty giao hàng khác. Đa số đều cho biết họ phải làm việc nhiều giờ trong khi thu nhập mỗi lần giao hàng lại giảm đi. Ông Igun Wicaksono, Chủ tịch Hiệp hội Xe hai bánh Indonesia, ước tính tài xế ở Jakarta và các thành phố lân cận giảm thu nhập khoảng 20% xuống còn 4.000 rupiah (0,28 USD)/đơn hàng.

Ông Wicaksono cũng cho biết có nhiều trường hợp tài xế nhiễm Covid-19 hoặc bị tai nạn khi làm việc. "Các tài xế muốn nhận nhiều đơn hàng hơn nên phóng xe nhanh, kém tập trung dẫn đến tai nạn", ông giải thích.

Anh Dwi Topan, nhân viên giao hàng của SiCepat, cho biết so với cánh tài xế công nghệ, những lao động như anh may mắn hơn nhiều. SiCepat là đối tác của nhiều nền tảng thương mại điện tử tại Indonesia. Số đơn hàng Topan phải giao tăng từ 140 lên 180/ngày, nhưng nhờ vậy thu nhập của anh tăng.

Không giống các tài xế "đối tác" của Grab hay Gojek, Topan là nhân viên toàn thời gian. Do đó, anh được trả bảo hiểm y tế, lương cơ bản, được hưởng chế độ nghỉ lễ, nghỉ bệnh... "Tất nhiên là rất vất vả, nhưng tôi vẫn vui vì có thể kiếm thêm nhiều hơn và sẵn sàng làm việc", anh Topan nói. "Hơn nữa phàn nàn cũng không tác dụng gì, đặc biệt khi có rất nhiều người xung quanh tôi bị mất việc làm trong giai đoạn này", anh nhấn mạnh.

Là "đối tác", tài xế Gojek chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: Nikkei.

Ông Heru Sutadi, Giám đốc Viện ICT ở Jakarta, cho biết ở Indonesia hiện có khoảng 4 triệu tài xế làm việc cho Gojek và Grab. Họ phải cạnh tranh dữ dội trong khi thu nhập không được đảm bảo, và dịch Covid-19 càng khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

"Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngành kinh tế và kéo tụt thu nhập của các tài xế công nghệ", ông Sutadi nói. "Các nền tảng thương mại điện tử thu hút những khoản đầu tư lớn và lẽ ra họ phải quan tâm đến cuộc sống của tài xế. Sau tất cả, chính giới tài xế là đối tượng giúp các startup kỳ lân phát triển dữ dội", ông khẳng định.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-xe-gojek-lam-nhieu-nhung-nhan-luong-it-hon-trong-dich-post1178053.html