Tài xế giao đồ ăn ở Trung Quốc - công việc đầy vất vả và nguy hiểm

Các ứng dụng giao đồ ăn đang bùng nổ tại Trung Quốc, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên nhiều tài xế giao đồ ăn phải đánh cược mạng sống của họ.

Một cửa hàng mì tại Thâm Quyến mở cửa cả tuần, nhưng như thường lệ, không có ai đến đây để ăn. Hai người phục vụ phía sau quầy tính tiền duy nhất bận rộn đặt các hộp mì kéo cay được nhúng dầu nóng vào túi nhựa và ghi hóa đơn cho khách hàng.

Cả nhóm người tập trung quanh quầy tính tiền không phải khách hàng, mà là những nhân viên giao hàng làm việc cho các ứng dụng giao thức ăn khác nhau. Thời gian nghỉ ngơi duy nhất trong ca làm việc của họ là khi chờ nhà hàng chuẩn bị thức ăn.

Tiệm mì ở Thâm Quyến chủ yếu phục vụ những nhân viên giao hàng. Ảnh: Zoe Chen/Inkstonenews.

Tiệm mì ở Thâm Quyến chủ yếu phục vụ những nhân viên giao hàng. Ảnh: Zoe Chen/Inkstonenews.

Những cửa hàng như thế này không phải là thiểu số. Nó là một phần của hệ sinh thái phân phối thực phẩm trực tuyến khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc, cũng là thị trường lớn nhất thế giới.

Công việc vất vả

Một trong số các tài xế là Cao Rong, 36 tuổi, sống cùng vợ và con gái trong một căn hộ chật hẹp và tối tăm ở Thâm Quyến. Đây là thành phố được mệnh danh "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc nhờ sự phát triển ngành công nghệ thông tin.

Cứ 10 giờ mỗi ngày, Cao lái chiếc xe tay ga của mình di chuyển giữa nhà hàng và khách hàng. Anh thường lái xe lấn sang làn đường chỉ dành cho xe hơi và vượt đèn đỏ.

Người đàn ông này cũng có thể leo lên 8 tầng lầu trong nháy mắt và kiểm tra các đơn đặt hàng mới trên điện thoại trong khi lái xe. “Tôi biết như vậy là nguy hiểm”, anh nói. “Nhưng nếu không nhanh thì không có tiền”.

So với giao hàng bưu kiện, dịch vụ tạo ra cơn sốt mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, giao hàng thực phẩm đòi hỏi người chuyển phát phải nhanh hơn và bảo vệ hàng hóa tốt hơn.

Tùy thuộc vào khoảng cách, họ thường được cho 30-40 phút để giao bữa ăn đến nơi. Hoa hồng thường dưới 1 USD mỗi đơn hàng, miễn là đồ ăn đến đúng giờ và không bị đổ.

Một tài xế liều mình làm việc khi cơn bão Hato đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc tháng 8/2017. Ảnh: Xinhua.

Để kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian cao điểm, các tài xế cho biết họ thường nhận nhiều đơn hàng cùng một lúc. Kết quả của sự vội vã này là tỷ lệ tai nạn giao thông cao. Có ít nhất hai tài xế đã chết khi đang giao hàng ở Thâm Quyến vào tháng 4/2018.

Chính quyền thành phố Nam Kinh cũng ghi nhận ba trường hợp tử vong và hơn 2.400 người bị thương trong các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế giao hàng trong nửa đầu năm 2017.

Các tài xế cho biết những vụ tai nạn nhỏ còn phổ biến hơn nhiều. Cao Rong nói rằng anh thường bị ngã khi lái xe vào những ngày mưa. Đó cũng là lý do tại sao màn hình điện thoại của anh bị nứt.

Sự bùng nổ của ngành giao đồ ăn

Bắt đầu từ sự bùng nổ thương mại điện tử, giao hàng trực tuyến ở Trung Quốc đã mở rộng trên quy mô chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Trung Quốc iiMedia Research, năm 2018 số lượng người dùng ứng dụng giao đồ ăn tại Trung Quốc tăng 17,4% so với năm 2017, đạt mức 358 triệu người.

Tổng giá trị của thị trường ứng dụng giao đồ ăn năm 2018 - dựa trên số liệu của iiMedia Research - đã vượt quá 240 tỷ NDT (hơn 34,7 tỷ USD) và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định. Riêng trong quý IV, các đơn đặt hàng từ 40 NDT (5,79 USD) trở lên chiếm 32,9%.

Tuy nhiên, nghiên cứu của hãng iSearch (Nhật) cho thấy tổng số đơn hàng giao thức ăn tại Trung Quốc vào năm 2018 lên tới 70 tỷ USD. Một số nguồn tin cho biết chỉ riêng tổng số đơn hàng Meituan giao trong năm ngoái đã lên đến 42 tỷ USD.

Gọi đồ ăn trực tuyến là một thói quen của dân văn phòng. Ảnh: Ele.me.

Đối với nhiều người dân thành thị ở Trung Quốc, đặt đồ ăn trực tuyến đã trở thành một thói quen hàng ngày. Steven Zhu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu đầu tư Pacific Epoch, cho biết: “Ngành công nghiệp đang tận dụng lao động giá rẻ để mang lại sự thuận tiện cho nhân viên văn phòng.”

“Nếu bạn nhìn vào các nước phát triển, nơi khoảng cách giàu nghèo nhỏ hơn, rất khó để duy trì mô hình kinh doanh này”, ông nhấn mạnh.

Nhiều gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã nhìn thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giao hàng. Vào tháng 4/2018, Alibaba mua lại doanh nghiệp giao hàng trực tuyến Ele.me với giá 9,5 tỷ USD.

Khối lượng giao dịch bán lẻ mới của Ele.me trong quý hai tăng 45% so với quý đầu tiên. Tháng 7/2018, Ele.me thông báo doanh thu của dịch vụ “Nhà hàng Tương lai” đã vượt quá 1,45 tỷ USD.

Tháng 9/2018, đối thủ của Ele.me là Meituan huy động được 4,2 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) trên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và được tập đoàn Tencent hậu thuẫn.

Đấu tranh vì quyền lợi người lao động

Nhà phân tích Steven Zhu cho biết tổng số tài xế giao đồ ăn mỗi ngày ở Trung Quốc vượt quá một triệu người. Nhiều người là tài xế tự do làm việc theo hợp đồng không chính thức, không có lương cơ bản và không được bảo hiểm y tế và không có lương hưu.

Luật lao động của Trung Quốc yêu cầu chủ lao động cung cấp đầy đủ phúc lợi và bảo vệ an toàn cho người lao động, nhưng các quy tắc đó được thực thi một cách lỏng lẻo.

Nhân viên Meituan họp giao ban vào buổi sáng trên một con phố ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Để đối phó với sự gia tăng của các vụ tai nạn, chính quyền địa phương đã phát động các chiến dịch chống lại việc lái xe quá tốc độ và mất tập trung, nhưng các tài xế nói rằng những phương pháp đó chỉ khiến họ phải cố gắng nhiều hơn để trốn tránh cảnh sát.

Các điều kiện khắc nghiệt đã khiến một số nhân viên giao hàng đấu tranh để được đãi ngộ tốt hơn. Lao động Trung Quốc đã ghi nhận 14 cuộc biểu tình hoặc đình công của các nhân viên giao thực phẩm trên khắp Trung Quốc vào năm 2017, trong đó công nhân yêu cầu trả lương cao hơn và bồi thường cho các tai nạn giao thông.

Nhưng giới chuyên gia nhận định rất khó để thúc đẩy sự thay đổi trong ngành công nghiệp giao đồ ăn tại Trung Quốc.

Chuyên gia Geoffrey Crothall của Lao động Trung Quốc cho biết so với công nhân sản xuất, những người làm việc trong ngành giao hàng online còn phải trải qua khoảng thời gian thương lượng khó khăn hơn.

Tài xế giao hàng làm việc bất chấp thời tiết nắng mưa. Ảnh: AFP.

“Có khoảng cách quá xa giữa các ông chủ và những nhân viên đang lăn lộn ngoài đường”, ông Crothall nói. “Những người lao động thường không biết cách thương lượng như thế nào để được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn”.

Phát ngôn viên của Meituan cho biết công ty đã cung cấp cho nhân viên chương trình huấn luyện an toàn đường bộ. Họ cũng tung ra phần mềm điều khiển bằng giọng nói cho phép tài xế nhận đơn đặt hàng mà không cần nhìn vào màn hình điện thoại.

“Người giao hàng là tài sản quý giá với chúng tôi”, người phát ngôn này nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề họ gặp phải.”

Trong khi đó, Ele.me cho biết đã cung cấp các gói bảo hiểm cho nhân viên và kết hợp với cảnh sát giao thông để cung cấp chương trình huấn luyện an toàn. Người phát ngôn của hãng nói Ele.me có một hệ thống toàn diện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Công việc tạm bợ

Bất chấp những khó khăn và nguy hiểm, nhiều người lao động đến từ nông thôn vẫn bám trụ với công việc giao thức ăn nhanh tại các thành phố lớn. Nguyên nhân rất đơn giản: yêu cầu đầu vào thấp, giờ giấc linh hoạt và họ được trả lương theo ngày.

Nhưng phần lớn các tài xế giao đồ ăn khẳng định họ sẽ không làm công việc này lâu dài.

Anh Shun, một người lao động nhập cư 19 tuổi, vừa chuyển đến Thâm Quyến năm 2018, nói rằng anh trở thành tài xế giao đồ ăn vì công việc này không yêu cầu bất kỳ kỹ năng nào.

Hầu hết tài xế đều xác định đây không phải là công việc lâu dài. Ảnh: Reuters.

Anh sẽ nghỉ việc ngay khi tìm thấy một công việc phù hợp hơn. Đối với anh, công việc lý tưởng nhất là làm môi giới bất động sản. “Nếu tôi tiếp tục làm việc này, một ngày nào đó tôi sẽ chết trên đường mất”, anh than thở.

Cao, một cựu công nhân nhà máy đồng hồ, cho biết anh làm công việc giao thức ăn vì nó giúp anh có thời gian chăm sóc con gái khi vợ làm việc vào buổi chiều. Sau khi tiết kiệm được một số tiền mặt, hai vợ chồng dự định mở một cửa hàng tạp hóa ở quê nhà, tỉnh Hồ Nam.

Khi đó, Cao sẽ có thể ăn tối cùng gia đình.

Minh Tú

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tai-xe-giao-do-an-o-trung-quoc-cong-viec-day-vat-va-va-nguy-hiem-post962843.html