Tài xế gây tai nạn nghiêm trọng: Đề xuất thu hồi bằng lái, cấm hành nghề lái xe

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái và cấm hành nghề lái xe với những tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

[VIDEO] Chàng trai bán dưa hấu chết oan vì tai nạn giữa Honda Civic và Ford Ranger

Siết chặt đào tạo, thi sát hạch giấy phép lái xe, đặc biệt sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái và cấm hành nghề lái xe với những tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là đề xuất vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch 2019 của Bộ GTVT sáng 11.1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018 chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu về tình hình an toàn giao thông là số vụ giảm 6,71%, số người bị thương giảm 13,1% nhưng số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) chỉ giảm 0,4%, không đạt mục tiêu 5%.

Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp gần đây khiến dư luận lên tiếng cần phải sửa đổi luật để tăng chế tài với các hành vi vi phạm - Ảnh: Phạm Hữu, Đức Tiến, Huy Đạt

[VIDEO] Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Chưa vụ nào khủng khiếp đến vậy”

Theo ông Thể, TNGT có nhiều lý do, nhưng rõ ràng ý thức chấp hành của lái xe chưa tốt, dù có bằng đầy đủ nhưng vi phạm quy định như không chấp hành các hiệu lệnh: không dừng đèn đỏ, uống rượu bia, dùng các chất kích thích. Các vụ tai nạn vừa qua, đa số lái xe đều có vấn đề về sức khỏe, ngoài sử dụng các chất kích thích còn do cường độ làm việc quá cao, dẫn đến mệt mỏi.

Siết chặt đào tạo, sát hạch

“Sắp tới, chúng ta sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, theo hướng xử lý nặng những lỗi tương tự; với một số tai nạn gây chết người chúng ta sẽ thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe (GPLX), cấm đối tượng không được lái xe nữa”, Bộ trưởng GTVT khẳng định. Ngoài ra, sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe GPLX.

Sắp tới, chúng ta sẽ có một số quy định mới, ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, theo hướng xử lý nặng những lỗi tương tự; với một số tai nạn gây chết người chúng ta sẽ thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe, cấm đối tượng không được lái xe nữa

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (TCĐB), cho biết tổng cục đang rà soát, sửa đổi lại các thông tư, quy định về đào tạo, sát hạch GPLX. Để bổ sung các phản xạ trong thực tế với người học lái xe, trong quý 1/2019 sẽ ban hành thông tư yêu cầu các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải trang bị cabin điện tử mô phỏng các tình huống thực tế (tương tự tính chất như cabin mô phỏng buồng lái đào tạo phi công). Cabin mô phỏng này sẽ giúp việc đào tạo được chuẩn xác, cập nhật nhiều tình huống hơn.

Về sát hạch GPLX, trong năm 2019 sẽ đưa vào bộ đề 45 câu hỏi đặc biệt, trong bài thi chỉ 1 câu điểm liệt, dù làm đúng tất cả câu còn lại cũng sẽ trượt. “Việc học lý thuyết, đặc biệt là môn đạo đức lái xe bắt buộc học viên phải đến lớp nghe giảng. Các trung tâm đào tạo sát hạch sẽ phải kiểm soát, kiểm tra vân tay ở cửa với từng học viên để kiểm tra, thanh tra. Trung tâm nào không quản lý, buông lỏng, nặng sẽ thu hồi giấy phép, nhẹ thì xử phạt”, ông Huyện cho biết.

Lãnh đạo TCĐB VN cho biết, tới đây khi sửa lại Nghị định 46 xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ (NĐ 46), sẽ nâng chế tài xử lý chủ phương tiện, vì doanh nghiệp (DN) tiếp nhận lái xe, điều hành, biết được sức khỏe lái xe, phải có trách nhiệm với người dân, xã hội. “Cách đây vài năm, Hải Phòng từng thực hiện mời các lái xe đến họp, lấy máu tại chỗ phát hiện ra lái xe nghiện ma túy ngay, đây là cách làm rất tốt. Tương tự như việc xe chở quá tải, phạt chủ DN sẽ có sức răn đe hơn”, ông Huyện nói.

Các cơ quan liên đới cũng phải chịu trách nhiệm

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng: “Việc xem xét thu hồi bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế để xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng là điều vô cùng cần thiết. Cần phải truy trách nhiệm quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải. Khi sử dụng người lao động, bên cạnh việc điều hành, quản lý tốt thì các đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo tài xế chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu để xảy ra những vụ TNGT do ý thức, do sự quản lý lỏng lẻo thì các cơ quan liên đới cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nguyễn Tiến

Hiện tại, theo NĐ 46, DN vận tải chỉ bị xử phạt VPHC với mức cao nhất 6 triệu đồng nếu sử dụng lái xe không có hợp đồng lao động, không được tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ... Theo ông Huyện, chế tài xử lý với DN cần phải nâng lên, có thể lên đến mức hình sự. Các mức xử phạt cụ thể, TCĐB VN sẽ nghiên cứu, tính toán, lấy ý kiến các bộ, ngành. Bộ GTVT cũng sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các sở GTVT trong toàn quốc; xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn.

Cần sửa lại luật

Theo NĐ 46, khi lái xe gây tai nạn chết người, mức xử phạt cao nhất là 18 triệu đồng và phạt tù 3 - 10 năm, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị tịch thu bằng lái xe có thời hạn. Hiện chưa có quy định nào trong luật hay nghị định về việc tịch thu bằng lái vĩnh viễn hoặc tịch thu phương tiện của người gây tai nạn nghiêm trọng, việc cấm lái xe có thời hạn sau khi mãn hạn tù cũng chưa có. Vì vậy, theo ông Huyện, để có thể áp dụng được quy định này, cần phải nghiên cứu sửa đổi cả luật Giao thông đường bộ, NĐ 46 về xử lý VPHC về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt...

Thực tế, việc tịch thu bằng lái, phương tiện của lái xe gây tai nạn nghiêm trọng đã từng được đặt ra cách đây nhiều năm, nhưng sau nhiều bàn cãi vẫn chưa thể áp dụng. Đại tá Trần Sơn, cựu Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), đánh giá việc xử lý VPHC về giao thông đường bộ hiện nay phải tuân thủ luật Xử lý VPHC và NĐ 46. Tuy nhiên theo ông Sơn, qua thực tế về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho thấy việc tạm giữ phương tiện, tước GPLX đối với hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT liên hoàn thời gian qua, mọi người đều thấy chưa đủ sức răn đe.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo NĐ 46, các trường hợp tước quyền sử dụng GPLX đều là có thời hạn từ 1 - 6 tháng. Luật sư Chánh cho rằng, nếu áp dụng việc tước GPLX vĩnh viễn thì phải sửa nghị định và sửa luật.

Tăng kiểm tra sức khỏe tài xế

“Từ trước đến nay, sức khỏe của người lái xe còn bị buông lỏng từ khâu kiểm tra sức khỏe để làm hồ sơ thi lấy GPLX, thi, đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế hành nghề lái xe container, xe tải nặng; trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của lái xe; quy định về lập các trạm dừng nghỉ để tạo điều kiện cho lái xe dọc đường”, đại tá Trần Sơn phân tích.

Theo đại tá Trần Sơn, cần siết chặt việc quản lý đội ngũ lái xe. Các vụ TNGT đã xảy ra cho thấy kỹ năng điều khiển xe, xử lý tình huống khi đi trên đường của nhiều lái xe còn kém. Đại tá Sơn kiến nghị việc đào tạo sát hạch và cấp GPLX phải được coi trọng.

Tai nạn giao thông giảm, nhưng vẫn có hơn 8.000 người chết

Ngày 11.1, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Cục CSGT - Bộ Công an tổ chức hội nghị CSGT toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai chương trình công tác năm 2019. Theo báo cáo, năm 2018 TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2017. Tuy nhiên, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 18.700 vụ, làm chết hơn 8.000 người, bị thương gần 15.000 người.

Bùi Ngọc Long

Mai Hà

Ngọc Lê

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tai-xe-gay-tai-nan-nghiem-trong-de-xuat-thu-hoi-bang-lai-cam-hanh-nghe-lai-xe-1042704.html