Tài xế gây tai nạn doanh nghiệp vận tải có phải chịu trách nhiệm?

Gần đây, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do lái xe dương tính ma túy, nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép… khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Không những vậy, dù biết là tài xế nghiện ma túy nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn 'lơ là' bỏ qua dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm, những cái chết oan. Vậy khi tài xế gây tai nạn doanh nghiệp vận tải có phải chịu trách nhiệm.

Mới đây, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Kim Thành – Hải Dương khiến 9 người tử vong do tài xế sử dụng ma túy, phê ma túy khi điều khiển phương tiện gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng ma túy, quản lý, kiểm soát lỏng lẻo của các doanh nghiệp vận tải.

Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp nếu phát hiện tài xế nghiện ma túy

Theo NLĐ, trong bối cảnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập thì việc ngăn chặn tài xế sử dụng ma túy lại càng khó khăn hơn. Khâu kiểm tra sức khỏe của người tham gia sát hạch cũng chưa được thực hiện chặt chẽ, minh chứng là việc mua bán giấy khám sức khỏe tràn lan ở nhiều nơi.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Hải Dương

Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Hải Dương

Theo Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT Cục CSGT - thừa nhận thời gian dài vừa qua, sức khỏe của tài xế còn bị buông lỏng.

"Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế, trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của tài xế chưa được thực hiện. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng ngành giao thông chưa giải quyết được".

Cũng theo ông Sơn, doanh nghiệp lơ là việc quản lý tài xế nhưng chế tài khi xảy ra tai nạn lại đang quá nhẹ. Hiện nay, chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, doanh nghiệp đều "phủi tay" rằng họ không biết tài xế sử dụng ma túy. "Chế tài nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng" - ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Trung Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho rằng cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề đối với tài xế đường dài, đặc biệt là xe container. Chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe, lý lịch, tình trạng nhân thân… thông qua những chương trình kiểm tra cụ thể, chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý "mạnh tay" đối với các doanh nghiệp vận tải nếu phát hiện tài xế sử dụng ma túy và để tài xế nghiện ma túy gây tai nạn.

Theo ông Tuấn, nhà nước nên bổ sung quy định người thi sát hạch giấy phép lái xe phải nộp giấy xác nhận của công an về việc không sử dụng chất ma túy, kết quả xét nghiệm nước tiểu cho các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe.

"Đưa vào quy định bắt buộc doanh nghiệo vận tải phải tự túc chi phí xét nghiệm sử dụng chất ma túy trong nước tiểu, định kỳ 1 năm kiểm tra, xét nghiệm 3 lần với các tài xế" - ông Tuấn kiến nghị.

Ai là người chịu trách nhiệm khi tài xế gây tai nạn

Theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Khoản 18 Điều 13 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”. Trong trường hợp này, taxi cũng được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.

Tài xế hay doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi gây tai nạn

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Mục III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/tai-xe-gay-tai-nan-doanh-nghiep-van-tai-co-phai-chiu-trach-nhiem/797501.antd