Tài xế 16 tuổi tông CSGT trọng thương có phạm tội cố ý giết người?

Đoạn clip ghi hình cho thấy Th. điều khiển xe máy di chuyển với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm và tông trực diện vào thượng úy Quý. Vụ va chạm khiến thượng úy Quý bị hất tung, gãy tay, đa chấn thương.

Như đã thông tin, vào lúc hơn 11h ngày 9/7, tại tỉnh lộ 354 (đoạn qua thôn Tân Nam, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, TP.Hải Phòng), Đỗ Văn Th. (SN 2003, trú tại xã Thái Sơn, huyện An Lão) điều khiển xe máy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm trên tỉnh lộ 354 thì gặp chốt kiểm soát giao thông của Công an huyện An Lão.

Thượng úy Nguyễn Trọng Quý (SN 1978) đã ra tín hiệu để Thắng dừng xe nhưng đối tượng này không chấp hành và cho xe lao thẳng vào người Thượng úy Quý.

Vụ va chạm khiến thượng úy Quý bị hất tung, gãy tay, đa chấn thương và đang được cấp cứu tại bệnh viện. Đỗ Văn Th. cũng bị thương tích nhẹ và đã bị tạm giữ ngay sau đó để điều tra.

Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm là hành vi của Th. có dấu hiệu của tội phạm hình sự nào?

Thượng úy Quý bị thương nặng sau khi xảy ra vụ việc.

Thượng úy Quý bị thương nặng sau khi xảy ra vụ việc.

Đoạn clip cho thấy, Th. điều khiển xe máy đi tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm đã vi phạm luật Giao thông, khi tổ công tác CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nhưng tài xế lại không chấp hành, còn tông xe vào CSGT đang thi hành nhiệm vụ.

Hành động này vừa vi phạm pháp luật, vừa hết sức táo tợn, coi thường mạng sống của người khác, cần phải được pháp luật xử lý nghiêm minh.

Đối với trường hợp này, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xác minh, thu thập những chứng cứ, tài liệu để khởi tố vụ án Chống người thi hành công vụ hoặc tội cố ý giết người.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải làm rõ yếu tố về mặt chủ quan và ý chí của tài xế. Tài xế điều khiển xe máy tức là đang sử dụng phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu cố tình và có chủ đích đâm thẳng vào CSGT thì đã thể hiện dấu hiệu của hành vi giết người.

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, được xác định theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự.

Theo đó, chỉ xem xét TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội chỉ xem xét khi thuộc một trong hai tội danh đó là: Giết người và cướp tài sản.

Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm.

Ngoài ra, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được tuân theo nguyên tắc đó là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Về căn cứ xác định tuổi, tuổi của một người được xác định từ thời điểm người đó được sinh ra. Căn cứ vào các loại giấy tờ có giá trị pháp lý gắn với nhân thân của người đó (như giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, các loại văn bằng,…) mà các cơ quan tư pháp xác định độ tuổi của một người.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp không thu thập được, hoặc không xác nhận được cơ sở pháp lý của các loại giấy tờ, thì các cơ quan tư pháp sẽ phải xác định theo quy định của khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dựa trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Như vậy, nếu bị xử lý về tội giết người, Th. là người chưa thành niên, đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tới 18 năm tù theo quy định BLHS về chính sách với người chưa thành niên phạm tội.

Nếu xác định đó là hành vi chống người thi hành công vụ, do Th. được xác thời điểm thực hiện hành vi mới 16 tuổi. Lúc này, cơ quan điều tra cần phải xác minh thêm ngày tháng sinh của Th. để xem xét có đủ độ tuổi xử lý hình sự Th. hay không.

An Bình

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tai-xe-16-tuoi-tong-csgt-trong-thuong-co-pham-toi-co-y-giet-nguoi-a441220.html