Tại Việt Nam, Tổng thống Trump có cơ hội tạo thỏa thuận lịch sử với Triều Tiên

Các chuyên gia đánh giá dù tiềm ẩn rủi ro tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra ngày 27 và 28/2 tại Việt Nam nhưng thành công có thể sẽ mang lại nền hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Harry J. Kazianis, Giám đốc nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể thực sự làm nên lịch sử trong cuộc đàm phán ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển đổi một mối quan hệ từ đối đầu sang bằng hữu không phải dễ dàng, nhất là khi hai bên đã có nhiều lời lẽ khó nghe, đe dọa hạt nhân lẫn nhau. Điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ sự chân thành, lối suy nghĩ cởi mở và một nhân tố X bí ẩn mà chỉ Tổng thống Trump mới có thể mang tới bàn đàm phán.

Lịch sử cho chúng ta thấy đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa bao giờ dễ dàng. Thành công chỉ có thể được đảm bảo nếu cả hai bên có những nhượng bộ thực tế, có thể xác minh và không gây thiệt thòi cho bên đưa ra.

Trong bài viết trên trang theamericanconservative.com, ông Kazianis cho rằng cơ hội làm nên lịch sử tại Việt Nam là có thể vì Tổng thống Trump không quan tâm tới căng thẳng quá khứ hay chính sách Triều Tiên dưới các chính quyền Mỹ trước đây. Đó chính là một lợi thế lớn. Chính những chính sách đối ngoại mang quan điểm thực tế và tâm lý muốn chiếm lĩnh thông tin đã tạo ra cơ hội tốt nhất cho hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên trong một thế hệ.

Trong cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018, Tổng thống Trump đã không đi theo kịch bản chính sách đối ngoại cũ kỹ. Cuộc gặp tại Singapore dù không ngay lập tức phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng đã tạo điều kiện để xây dựng lòng tin, giảm những căng thẳng mà có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang chưa từng xảy ra từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tổng thống Trump đã bỏ qua nguyên tắc đối ngoại cũ kỹ với Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Kazianis đánh giá đây là một tiến bộ rõ ràng. Trong khi mọi thứ chưa diễn ra thật suôn sẻ như kỳ vọng từ hội nghị ở Singapore thì cuộc gặp thứ hai ở Việt Nam là một cơ hội vàng để đưa giải pháp ngoại giao trở lại, tạo ra một nền tảng vững chắc cho tương lai.

Kết quả có khả năng nhất của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon – một điều mà ông Kim Jong-un đã đồng ý đàm phán để đổi lại giảm nhẹ trừng phạt.

Mặc dù Mỹ có thể không muốn giảm chiến dịch gây áp lực tối đa trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng cách tiếp cận “một đổi một” dường như là con đường khả thi nhất. Trong kịch bản đó, mỗi bên đều thắng và đều có thể tuyên bố đã khiến đối phương nhượng bộ. Kịch bản đó cũng cho phép cả Mỹ và Triều Tiên thử mức độ sẵn sàng thực hiện những lời hứa quan trọng, từ đó tiến tới những thỏa thuận khó khăn hơn phía trước.

Tuy nhiên, để lịch sử nhìn lại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam với niềm tự hào thì cần một điều gì đó đặc biệt xảy ra: khoảnh khắc tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên mãi mãi, đó sẽ thực sự là lịch sử.

Video khoảnh khắc lịch sử hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên bắt tay nhau tại Singapore (nguồn: Strait Times):

Tuyên bố hòa bình sẽ thừa nhận rằng không còn tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và đây sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi. Tuyên bố như vậy sẽ cho thấy một ý định rõ ràng trong cải thiện quan hệ và tạo nền tảng cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Theo ông Kazianis, vẫn có những người sẽ mong Tổng thống Trump thất bại, những người không muốn công nhận công trạng của Tổng thống Trump khi mọi việc với Triều Tiên suôn sẻ vì họ không muốn nhìn thấy ông tái đắc cử năm 2020. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đàm phán thất bại và hai bên trở lại đe dọa hủy diệt nhau bằng hạt nhân, thử tên lửa hay tập trận? Thế giới từng tưởng như bên bờ vực chiến tranh năm 2017 và đầu 2018.

Do đó, sẽ không có chỗ cho thất bại. Cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên và hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên là lựa chọn duy nhất. Cả Mỹ và Triều Tiên cần đặt mọi lựa chọn lên bàn đàm phán, hướng tới một thỏa thuận mà cả hai bên cùng chấp nhận được. Theo các chuyên gia, cơ hội đạt được một thỏa thuận lịch sử chưa bao giờ "gần tầm tay với" đến thế khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-viet-nam-tong-thong-trump-co-co-hoi-tao-thoa-thuan-lich-su-voi-trieu-tien-20190213152639054.htm