Tại Việt Nam, có bao nhiêu suất ăn được mua bảo hiểm?

Mặc dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng dòng bảo hiểm trách nhiệm được các công ty bảo hiểm phát triển nhiều khi chỉ… cho vui! Bảo hiểm suất ăn là một ví dụ.

Là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, với số lượng quán xá, nhà hàng “mọc lên như nấm”, chưa kể các suất ăn tại trường học, khu công nghiệp, thế nhưng sản phẩm bảo hiểm cho suất ăn gần như bị bỏ ngỏ.

Thậm chí, một chuyên gia bảo hiểm còn phải đặt câu hỏi: “Liệu có sản phẩm này hay chưa? Tại thị trường nhiều suất ăn mỗi ngày như Việt Nam, có bao nhiêu suất ăn được mua bảo hiểm?”

Hiện tại, chưa có thống kê chính xác số lượng suất ăn công nghiệp được phục vụ mỗi ngày tại Việt Nam, nhưng chắc chắn con số này không hề nhỏ. Đối tượng được phục vụ là học sinh, sinh viên tại các trường học, cán bộ công nhân viên tại các công ty, nhà máy, doanh nghiệp… trên cả nước.

Bên cạnh đó, số lượng các hàng quán cũng rất đông đúc, phần nào thể hiện ở việc Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia đứng thứ ba tại châu Á, theo Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Với thị trường quy mô lớn, nhiều tiềm năng như vậy, việc bán các sản phẩm bảo hiểm suất ăn đang diễn ra như thế nào?

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm suất ăn thuộc dòng bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, đã được các công ty bảo hiểm triển khai từ lâu như Bảo Minh, Bảo Việt, PTI, Hàng Không (VNI)…

Một số đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống, suất ăn công nghiệp đã mua nhưng số lượng không nhiều.

Theo đó, nhà bảo hiểm đã tìm nhiều cách tiếp cận với các đơn vị kể trên nhưng họ không thực sự mặn mà, từ chối mua, dẫn tới tình trạng “ế ẩm” tương tự nhiều loại bảo hiểm trách nhiệm khác như bảo hiểm trách nhiệm nghề lái xe/dịch vụ lưu trú…, bởi đây không phải bảo hiểm bắt buộc.

Đồng quan điểm, ông Đoàn Tất Chiều, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ quốc tế Hà Thành (Haseca) - đơn vị chuyên cung cấp suất ăn cho biết, trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp suất ăn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động tìm mua bảo hiểm cho suất ăn như Haseca, một phần do đây không phải là sản phẩm bắt buộc.

Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác là với các nhà hàng hay đơn vị cung cấp suất ăn đạt doanh số vài trăm tỷ đồng/năm, số tiền phí đóng bảo hiểm vào khoảng chục triệu đồng/năm không phải quá lớn. Nhưng đa phần các đơn vị kinh doanh thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam có quy mô nhỏ, nên việc cắt giảm chi phí dù ít ỏi vẫn rất quan trọng.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, 3 chủ nhà hàng lớn tại Hà Nội cho biết, dù đã hoạt động được trên 10 năm nhưng đến nay, các nhà hàng này vẫn chưa mua sản phẩm bảo hiểm suất ăn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu bởi đây là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, trong khi doanh nghiệp chưa ý thức được hết tầm quan trọng, cũng như đặc tính của sản phẩm.

Trong khi đó, ông Chiều cho biết, 8 năm về trước, sau khi từ Nhật về, ông đã thay đổi nhận thức về việc hạn chế rủi ro trong kinh doanh, chủ động tìm hiểu và mua bảo hiểm suất ăn của PVI, sau đó chuyển sang mua bảo hiểm của VNI vì một số nguyên nhân.

Cần nói thêm rằng, những giá trị mà sản phẩm bảo hiểm suất ăn mang lại cho doanh nghiệp là khá rõ. Theo đó, nếu nhà cung cấp thực phẩm - thức ăn hoặc đồ uống bị nhiễm bẩn, hay chế biến không phù hợp gây ngộ độc cho thực khách thì sẽ được bên bảo hiểm đứng ra bồi thường thay.

Cụ thể, với mức phí bảo hiểm vài chục triệu đồng/năm, nhà bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với thương tật thân thể, tử vong và thiệt hại tài sản của bên thứ 3 (người trực tiếp sử dụng thực phẩm, đồ uống, suất ăn đó - PV) phát sinh từ sản phẩm của các đơn vị cung cấp. Mức bồi thường như sau: Bồi thường tối đa lên tới 50 triệu đồng - 100 triệu đồng/người/vụ hoặc hơn thế và tổng mức trách nhiệm là vài tỷ đồng/vụ (mức trách nhiệm gộp cho các vụ bồi thường).

Đơn cử, tại hợp đồng đã ký giữa Haseca với VNI, với mức phí bảo hiểm gần 40 triệu đồng/năm, nhà bảo hiểm sẽ bảo hiểm cho các suất ăn công nghiệp của Công ty với tổng mức trách nhiệm tối đa được hưởng là 5 tỷ đồng/vụ.

Tính đến nay, chưa có vụ bồi thường bảo hiểm suất ăn nào được công bố rộng rãi. Haseca cho biết, trong suốt 10 năm hoạt động cũng chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thức ăn nào dẫn đến bồi thường. Do đó, những tranh chấp liên quan giữa nhà bảo hiểm với công ty cung cấp suất ăn nói riêng, thực phẩm đồ uống nói chung vẫn chưa hề xảy ra.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm lưu ý người mua bảo hiểm là các đơn vị cung cấp nên quan tâm đến mức miễn thường trong một hợp đồng bảo hiểm (mức mà khách hàng phải tự chịu nếu xảy ra rủi ro) và các thủ tục bồi thường liên quan, tránh những tranh chấp không đáng có nếu rủi ro không may xảy ra.

Tại hợp đồng giữa Haseca với VNI, mức miễn thường là 5 triệu đồng/vụ liên quan đến thiệt hại về người của bên thứ 3 và giới hạn chỉ bồi thường tử 3 người trở lên.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem/tai-viet-nam-co-bao-nhieu-suat-an-duoc-mua-bao-hiem-244771.html