TP.HCM áp dụng 'thẻ đi chợ' để kiểm soát số người đến chợ

Các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của dân với việc áp dụng 'thẻ đi chợ' để kiểm soát số người đến chợ theo khung giờ, khống chế lượng khách ra vào chợ, hạn chế tối đa tập trung đông người.

Nhằm tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo lưu thông, cung cấp đầy đủ hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho người dân, Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn hướng dẫn UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, các công ty quản lý chợ đầu mối và ban quản lý chợ truyền thống thực hiện phòng chống dịch bệnh trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Sơ đồ tham khảo bố trí các gian hàng kinh doanh tại các chợ truyền thống (do Sở Công Thương TP.HCM thiết kế).

Sơ đồ tham khảo bố trí các gian hàng kinh doanh tại các chợ truyền thống (do Sở Công Thương TP.HCM thiết kế).

Sở Công Thương thành phố đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế theo công văn hỏa tốc số 5858 ngày 21/7 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện các yêu cầu, quy định phòng, chống dịch bệnh đối với các chợ trên địa bàn.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của dân với việc áp dụng “thẻ đi chợ” để kiểm soát số người đến chợ theo khung giờ, khống chế lượng khách ra vào chợ, hạn chế tối đa tập trung đông người.

Người dân mua cá ở chợ Phú Thọ, Quận 11.

Các địa phương dựa trên thực tế để chia tần suất đi chợ 2 lần /tuần, 3 lần/ tuần. Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ/30 ngày. Sở Công Thương TP yêu cầu ban quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động, người bán hàng phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các chợ đầu mối, phải tổ chức các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ theo phương án đã duyệt, tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồn giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính đối với người ra vào chợ và bố trí ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động.

Hiện nay, TP.HCM có 205/ 237 chợ tạm ngưng hoạt động (trong đó có 3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống)./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tphcm-ap-dung-the-di-cho-de-kiem-soat-so-nguoi-den-cho-876727.vov