Tại tòa phúc thẩm, cấp dưới đổ hết tội cho Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), hai bị cáo Đinh Ngọc Hệ và Trần Văn Lâm xin được giữ nguyên nội dung kháng cáo. Trong khi đó, bị cáo Phùng Danh Thắm bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo.

Sáng nay (30/10), Tòa án quân sự (TAQS) Trung ương mở phiên xét xử phúc thẩm Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út "Trọc") – nguyên Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn cùng đồng phạm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") và đồng phạm sáng 30/10.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") và đồng phạm sáng 30/10.

HĐXX phúc thẩm gồm có 3 người, do thẩm phán Nguyễn Dũng Chí làm chủ tọa, phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày. Quanh khu vực xét xử, an ninh được đảm bảo nghiêm ngặt dưới sự bảo vệ của bộ đội, công an.

Tại phần thủ tục, Chủ tọa cho biết một số người làm chứng trong vụ án dù được triệu tập nhưng vắng mặt gồm ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Đại diện VKS Quân sự Trung ương cho rằng việc này không ảnh hưởng tới xét xử vụ án khách quan, đề nghị HĐXX công bố lời khai của họ nếu thấy cần thiết. Ngược lại, bị cáo Đinh Ngọc Hệ và luật sư đề nghị tòa tiếp tục triệu tập các nhân chứng như bà Trần Thị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty Hải Hà; ông Lê Thanh Cung...

Được chủ tọa cho phép, thư ký phiên tòa công bố đơn xin vắng mặt của vợ ông Lê Thanh Cung thể hiện ông bị bệnh tim nặng, từng phải sang Mỹ mổ và hiện tại phải xuất cảnh tái khám tại Mỹ. Bà này khẳng định các nội dung chồng mình đã báo cáo cơ quan điều tra là đúng sự thật và không có gì khai báo thêm. Đơn của vợ ông Cung có kèm theo giấy xác nhận của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình Dương, đơn thuốc, hình ảnh trong chương trình khám bệnh... Sau đó, HĐXX quyết định tiếp tục phiên xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm này, hai bị cáo Đinh Ngọc Hệ và Trần Văn Lâm xin được giữ nguyên nội dung kháng cáo. Trong khi đó, bị cáo Phùng Danh Thắm bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo.

Theo đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ - cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), cựu Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P – kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm đối với cả 3 hành vi: Sử dụng xe biển số quân sự, biển số xanh không đúng quy định; hợp thức hóa nguồn xăng kém chất lượng; và hành vi sử dụng văn bằng giả.

Đinh Ngọc Hệ cho rằng bản án sơ thẩm do Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên coi như đã buộc tội bị cáo chủ mưu trong việc cho thuê xe trái quy định. Bị cáo cũng kêu oan về tội lập hợp đồng khống để hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng. Đối với hành vi giả mạo giấy tờ (sử dụng bằng đại học giả), Đinh Ngọc Hệ cho rằng đây là lỗi của tổ chức.

Về việc cấp sơ thẩm tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước, số tiền 6,05 tỷ đồng từ việc cho thuê xe trái quy định, buộc CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P phải có trách nhiệm nộp số tiền này, Đinh Ngọc Hệ cũng kháng cáo phán quyết này. Lý do là nếu tịch thu số tiền này đồng nghĩa với việc bị cáo có tội.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa sáng 30/10.

Cùng với Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Trần Văn Lâm – cựu Giám đốc điều hành CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P- xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo. Lâm cho rằng bị cáo chỉ là "giám đốc bù nhìn" chứ thực ra không có quyền hành gì, tất cả mọi việc trong công ty đều do “anh Hệ” điều hành.

Trong khi đó, bị cáo Phùng Danh Thắm Bị ban đầu giữ nguyên cáo kháng cáo nội dung bản án sơ thẩm và cho rằng mình không phạm tội. Tuy nhiên sau đó, bị cáo thay đổi lý do kháng cáo và xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng bản án sơ thẩm là quá nặng đối với bị cáo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần cho bị cáo và gia đình.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hành vi sử dụng xe biển số quân sự, biển số xanh không đúng quy định

Từ 2011 - 2016, sau khi được các cơ quan chức năng cho mua, đăng ký 23 xe biển quân sự; 15 xe biển xanh 80A và một số biển xanh 80M; Đinh Ngọc Hệ trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm ký hợp đồng thế chấp các xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A, 80M cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền; cụ thể đã thế chấp 29/38 xe biển quân sự, biển xanh 80A cho các ngân hàng.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P vẫn còn thế chấp 04 xe quân sự cho Chi nhánh BIDV Thành Đô - Hà Nội; Số xe cho thuê thu được số tiền 6.050.000.000 đồng; việc giao xe quân sự, xe biển xanh cho một số cá nhân, tổ chức không được phép sử dụng, vi phạm Quyết định 161/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe biển xanh, xe biển quân sự của Đinh Ngọc Hệ còn dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và quân đội.

Hành vi hợp thức nguồn xăng dầu kém chất lượng

Cuối năm 2012, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu; Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập Chi nhánh công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương. Chi nhánh này chỉ là danh nghĩa đứng tên công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, thực chất là xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà mà không liên quan gì đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.

Ngày 23/6/2014, đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, lập biên bản về việc thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Ngày 02/7/2014, đội kiểm tra liên ngành thông báo số xăng 20.348 lít xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình; Sau khi được Trần Xuân Sơn báo cáo vụ việc, theo sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm đã làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng để xin không bị xử phạt; đồng thời Hệ liên lạc và đặt vấn đề với Bùi Văn Tiệp để được giúp đỡ, sau đó Hệ chỉ đạo Lâm gặp Bùi Văn Tiệp, trao đổi để Tiệp ký nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt; Căn cứ chứng từ tài liệu do Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn cung cấp, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu quân đội nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.

Kết quả điều tra đã xác định mức phạt đối với sai phạm của Chi nhánh Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương trong việc kinh doanh xăng kém chất lượng nêu trên là 1.448.741.600 đồng.

Hành vi sử dụng văn bằng và giấy tờ giả để kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm

Vào năm 2000, Đinh Ngọc Hệ đã mua Bằng tốt nghiệp đại học Đại học Kinh tế Quốc dân giả với giá 2.500.000 đồng. Từ năm 2003 đến tháng 4/2016, trong quá trình công tác tại các đơn vị, Đinh Ngọc Hệ đã nhiều lần sử dụng bản sao bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân và bảng điểm giả nói trên để làm thủ tục nâng lương, phiên quân hàm QNCN, kết nạp đảng viên, bổ nhiệm cán bộ. Hồ sơ lý lịch của Đinh Ngọc Hệ lưu tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Cục quân lực, Cục cán bộ có lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng Bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân giả.

Sau khi Tổng công ty Thái Sơn được Bộ Quốc phòng phê duyệt mô hình hoạt động công ty mẹ- con, trên cơ sở đề nghị của Đinh Ngọc Hệ và các cơ quan chức năng của Tổng công ty, Đại tá Phùng Danh Thắm đã ký quyết định góp vốn thành lập Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; ký văn bản đề nghị Cơ quan chức năng cho Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P mua xe bằng vốn tự có; đề nghị, tiếp nhận, điều động 12 quân nhân làm việc tại Công ty cổ phần trái quy định; Mặc dù từ năm 2009 đến năm 2016, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P và cá nhân Đinh Ngọc Hệ không đóng góp gì cho Tổng công ty Thái Sơn nhưng vẫn đồng ý đề nghị bổ nhiệm Đinh Ngọc Hệ giữ chức Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.

Sau khi Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thoái 31% (tháng 8/2013) vốn cổ phần, chỉ còn 20% (vốn ghi nợ). Với chức vụ là Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, có trách nhiệm trong quản lý đối với công ty con là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; quản lý quân nhân thuộc quyền nhưng Phùng Danh Thắm không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, đã buông lỏng quản lý dẫn đến không kiểm soát được hoạt động của Công ty cổ phần và hoạt động của quân nhân Đinh Ngọc Hệ; để Đinh Ngọc Hệ sử dụng 29/38 xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A thế chấp cho các ngân hàng để vay và bảo lãnh vay tiền; cho thuê 05 xe ô tô biển quân sự, biển xanh; giao xe biển quân sự, biển xanh 80A, cho cá nhân, tổ chức sử dụng, vi phạm quy định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; không có biện pháp kiểm tra giám sát, quản lý số quân nhân làm việc tại Công ty cổ phần, để Đinh Ngọc Hệ cấu kết với các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội Đây là hậu quả do hành vi thiếu trách nhiệm của Phùng Danh Thắm gây ra.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HS-ST ngày 31/7/2018 của Tòa án quân sự Quân khu 7 đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”; chấp hành hình phạt của hai tội 12 năm tù. Bị cáo Trần Văn Lâm 05 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Xử phạt bị cáo Phùng Danh Thắm 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tịch thu, sung quỹ nhà nước, số tiền sáu tỷ không trăm năm mươi triệu đồng. Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P có trách nhiệm phải nộp số tiền này.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-toa-phuc-tham-cap-duoi-do-het-toi-cho-ut-troc-dinh-ngoc-he-post280237.info