Tái thu phí cao tốc Trung Lương 1.000 đồng/km

Thủ tướng giao cho Bộ GTVT khẩn trương triển khai thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương lập và triển khai phương án thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để khắc phục tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.

Đề xuất thu phí 1.000 đồng/km

Liên quan đến thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo đề án thu phí tuyến đường này.

Theo đó, Bộ GTVT đề xuất mức thu phí cơ bản áp dụng trên tuyến cao tốc này là 1.000 đồng/km (bằng với mức thu trước ngày 31-12-2018). Nếu trừ chi phí thu, bảo dưỡng, dự kiến năm đầu tiên mức thu trên cao tốc này đạt khoảng 600 tỉ đồng. Toàn bộ số thu này sẽ được nộp ngân sách nhà nước để hoàn vốn đầu tư và phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa các tuyến cao tốc.

Nói về mức phí thu dự kiến, Bộ GTVT cho rằng không vượt quá lợi ích người sử dụng đường bộ cao tốc như tiết kiệm được chi phí xe, thời gian. “Các mức phí đề xuất đều được Bộ GTVT tính toán kỹ. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng theo thẩm quyền” - tin từ Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ GTVT, khó khăn hiện nay là Nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu xe. Do đó, việc tổ chức thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc trên có thể dẫn đến phản ứng của một số người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vấn đề trên có thể giải quyết bằng biện pháp tuyên truyền, đặc biệt người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên tuyến quốc lộ 1 (không phải trả thêm phí) hoặc trả phí để sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đồng thời hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí mới, ngoài phí sử dụng đường bộ hiện hành (phí thu qua đầu xe) vào danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện có nhiều loại xe đi vào gây xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: THU TRINH

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện có nhiều loại xe đi vào gây xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: THU TRINH

Cao tốc xuống cấp

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết tháng 8-2019 hiệp hội nhận thấy cao tốc TP.HCM - Trung Lương xuống cấp nên đã đề xuất thu phí trở lại vì một năm trời không có người quản lý, không có người kiểm soát tình hình vận hành.

Theo PGS-TS Trần Chủng, việc thu phí trở lại là cần thiết vì thông qua trạm thu phí sẽ kiểm soát được việc điều tiết lưu lượng xe trên tuyến, kiểm tra được loại xe, tải trọng xe một cách chuẩn xác. Việc thu phí sẽ khống chế được loại xe, đảm bảo tuổi thọ bền lâu của công trình vì xe quá trọng lượng, quá tải ảnh hưởng rất lớn đến thiết kế của cao tốc.

“Ví dụ như tuyến đường chỉ cho đi tốc độ 70 km/giờ mà mình đi 80 km/giờ thì sẽ nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, nguồn thu từ việc thu phí sẽ có đơn vị quản lý chịu trách nhiệm bảo trì, bảo hành. Nếu có hư hỏng thì đơn vị sẽ xử lý ngay. Nếu hư hỏng nhỏ không sửa sẽ thành hư hỏng lớn” - PGS-TS Trần Chủng nói.

Ngoài ra, ông Chủng cũng cho rằng việc thu phí lại trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương còn làm tăng nguồn thu thực hiện bảo trì và ngân sách nhà nước.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương bắt đầu được Bộ GTVT thu phí từ tháng 2-2012. Tổng số tiền phí thu được từ tuyến đường cao tốc này trong hai năm (2012 và 2013) là 720 tỉ đồng. Kể từ ngày 1-1-2014, Tổng Công ty Cửu Long bán quyền thu phí với số tiền trên 2.000 tỉ đồng. Nếu trừ chi phí tổ chức thu, số phí thu được của tuyến cao tốc này tính đến khi dừng thu phí đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. Như vậy, tuyến cao tốc này vẫn còn khoảng 6.000 tỉ đồng chưa thể hoàn vốn, trong khi Nhà nước hằng năm phải chi một khoản ngân sách lớn để trả gốc, lãi phát hành trái phiếu xây dựng công trình.

Cao tốc xuống cấp, xảy ra nhiều tai nạn

• Ngày 20-1, xe tải lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương khi đến xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang) bất ngờ tông vào đuôi xe tải khác đang lưu thông cùng chiều. Vụ tai nạn khiến tài xế xe tải bị gãy chân, kẹt trong cabin.

• Cũng trong ngày 20-1, một xe khách chở nhiều hành khách lưu thông trên đường cao tốc, khi xe đến địa bàn xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang) thì xảy ra va chạm với xe đang dừng trên làn dừng khẩn cấp. Cú va chạm mạnh khiến bốn người trên xe khách bị thương, ba ô tô hư hỏng nặng.

• Ngày 19-1, xe tải chạy trên cao tốc đã tông thẳng vào xe khách chở hàng chục em nhỏ. Cách hiện trường trên không xa cũng xảy ra va chạm giữa hai xe khách. Cả hai vụ va chạm đều không có thương vong về người nhưng khiến giao thông theo hướng về miền Tây kẹt cứng, hàng ngàn xe ùn ứ kéo dài.

• Ngày 9-12, xe khách chở hàng chục công nhân lưu thông trên đường cao tốc. Khi đến Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, xe này bất ngờ leo lên dải bê tông phía trước cabin thu phí. Cú tông mạnh khiến hai bánh trước xe khách gãy rời, hư hỏng nặng, sáu công nhân bị thương.

LX

VIẾT LONG - THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/tai-thu-phi-cao-toc-trung-luong-1000-dong-km-897658.html