Tái thiết ngành du lịch Tiểu vùng sông Mê Công

Kinhtedothi – Lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam kêu gọi 6 nước thành viên Tiểu vùng sông Mê Công cần nhìn nhận, định hình lại ngành du lịch nhằm vực dậy sau đại dịch Covid-19.

Đứng dậy sau Covid-19

Ngày 12/10, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Văn phòng Điều phối du lịch Me Công (MTCO) cùng sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khai mạc Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 (MTF) với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” tại tỉnh Quảng Nam.

Diễn đàn thu hút nhiều nhà lãnh đạo du lịch trong khu vực cùng suy nghĩ về việc xây dựng lại ngành du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào khả năng phục hồi và tận dụng hiệu quả công nghệ nhằm tạo ra một ngành du lịch bền vững và toàn diện hơn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) nhìn nhận, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng, mang lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế.

Đối mặt trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thời gian qua du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch.

 Giới thiệu sản phẩm du lịch các nước tại diễn đàn.

Giới thiệu sản phẩm du lịch các nước tại diễn đàn.

“Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu khoảng 16,5 tỷ USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, riêng trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Việt Nam đã đón hơn 110 nghìn lượt khách từ các nước GMS. Đây là tín hiệu tốt và tin rằng lượng trao đổi khách sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, khi các nước trong tiểu vùng đang lần lượt gỡ bỏ hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến Covid-19.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Kông lần lượt mở cửa, đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế.

“Du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan”, ông Khánh cho biết thêm.

Cùng gắn kết để vực dậy ngành du lịch

Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của GMS, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề xuất, 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc.

Đồng thời cùng chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mê Công 2016-2025, các kế hoạch hành động, dự án du lịch trong khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng đảm bảo hiệu quả, khoa học và đem lại những kết quả cao nhất.

“Các nước cần mở rộng kết nối trong ngành du lịch, đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến Mê Công – 6 quốc gia, 1 điểm đến. Đồng thời, xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch”, ông Khánh nhấn mạnh.

Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”.

Trong khi đó, bà Liz Ortiguera - Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho rằng, sau đại dịch Covid-19, cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi.

“Xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 đang được thay đổi hàng ngày, du khách sẽ cân nhắc điểm đến của mình, muốn đồng tiền trong du lịch đóng góp vào địa phương. Do đó, ngành du lịch ở mỗi quốc gia cần tạo ra những sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách”, bà Liz Ortiguera kiến nghị.

Công Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tai-thiet-nganh-du-lich-tieu-vung-song-me-cong.html