Tài sử dụng tình báo của Friedrich Đại đế

Vua Friedrich II, thường được gọi là Friedrich Đại đế (1712 - 1786) là vị Hoàng đế trị vì nước Phổ trong 46 năm (1740 - 1786). Ông là người có công khôi phục quân đội và thống nhất các vùng lãnh thổ rời rạc của nước Phổ.

Là một nhà chính trị ưa hoạt động, nhiều tài năng, nên trong thời gian trị vì của mình, Friederich Đại đế đã giải quyết thành công rất nhiều vấn đề quan trọng của vương quốc, từ tổ chức chính quyền, xây dựng luật pháp, quản lý tài chính, cải tổ ngành tư pháp, chủ tọa Viện Hàn lâm, chỉ huy quân đội...

Trong bối cảnh Châu Âu thời bấy giờ, với những cuộc chiến tranh liên miên, các quốc gia liên tục kết liên minh với nhau rồi chia tách, thì hoạt động tình báo là một công tác rất quan trọng đối với từng quốc gia, từng vương triều. Friederich là một người sử dụng các công cụ ngoại giao bí mật và tình báo một cách hết sức hữu hiệu.

Vị vua xảo quyệt ưa dùng sứ thần để do thám

Những năm giữa thế kỷ XVII, các nước Châu Âu liên minh, rút lui, phản bội nhau như cơm bữa. Pháp và Phổ (Prusa, vương quốc nằm ở vùng phía Bắc nước Đức hiện nay, sau này phát triển thành nước Đức) liên minh chống lại Áo và Anh. Phổ và Anh liên minh chống lại Pháp và Áo. Nga liên minh với Anh đánh Phổ... Giữa guồng quay chóng mặt đó, Friederich II chèo chống đất nước của mình thoải mái đi giữa những mưu đồ nhờ bản tính quý giá của một nhà chính trị: Tính xảo quyệt!

Hồng y Fleury, bạn của nhà vua, đã mô tả Friederich như sau: "Thiện ý và thành thực là hai đức tính ông không ưa, ông giả dối với mọi người, dù cả khi vuốt ve". Chính Friederich cũng đã mô tả bản thân trong hồi ký của mình: "Nếu cần trở thành người đứng đắn, ta sẽ trở thành; nếu cần lừa lọc, ta sẽ xảo quyệt".

Trong cuốn "Tình báo qua các thời đại" của Jean-Pierre Alen, tác giả mô tả hoạt động tình báo của Friederich như sau: "Ông vua chuyên chế và lắm mánh khóe này trực tiếp điều khiển các điệp viên của ông. Ông tôn trọng truyền thống của nghề tình báo chứ không cải tiến nó chút nào. Ông trao cho sứ thần làm tình báo là chính”.

Friederich Đại đế đã từng viết: "Tôi đã tìm được những sứ thần để phục vụ tôi bằng mọi cách và khi cần đánh cắp bí mật, dám lục cả túi của một ông vua!".

Sứ thần năng động nhất của Friederich Đại đế là Nam tước Le Chambrier, sứ thần Phổ tại Pháp từ năm 1722 đến 1754. Trong suốt nhiệm kỳ, Nam tước đã nắm tình hình nước Pháp một cách chính xác và thông minh. Vai trò của ông đã vượt xa phạm vi một nhà ngoại giao bình thường, vì ông có một mạng lưới điệp viên mà ông là trưởng lưới. Hiệu quả công tác tình báo của vua Phổ được chứng minh qua một tài liệu lưu trữ trong văn khố của hoàng gia Áo, đó là bức thư của ông Koch, thư ký của Hoàng hậu Áo Marie Therese viết cho ông de Kaunitz, sứ thần Áo tại Paris như sau: "Vua nước Phổ đã tranh thủ được một số quan chức trong Bộ Ngoại giao Pháp".

Bức thư cho thấy khả năng của bộ máy mà Friederich Đại đế gây dựng không chỉ tác động lên chính trường nước Pháp, mà ảnh hưởng của ông cũng có thể dẫn dắt được cả hướng suy nghĩ của hoàng gia Áo.

Theo dõi người tình của vua Pháp

Tháng 7.1741, Friederich Đại đế giao cho sứ thần Phổ tại Pháp, Nam tước Le Chambrier mật thư: "Trẫm sẽ rất hài lòng nếu khanh báo cáo chính xác liệu nữ Hầu tước de Mailly, người tình của vua Pháp, có tham gia vào những công việc lớn của quốc gia. Liệu bà ta có đủ uy tín để ảnh hưởng đến tư tưởng của nhà vua?". Bức thư này xuất hiện trong bối cảnh Friederich Đại đế lo ngại vua Pháp Louis XV sẽ bỏ rơi Phổ để liên minh với Áo.

Friederich Đại đế chỉ thị tiếp: "Cũng cần biết tranh thủ bà ta bằng cách nào, con đường nào. Chắc chắn ông thừa hiểu đây là một việc cực kỳ tế nhị và nếu Hồng y (Hồng y Fleury - Tể tướng Pháp) biết thì ông ta sẽ trả thù kẻ nào tranh mất vị trí và uy tín của ông. Vì vậy, ông cần tự tay viết và mã hóa thư ông gửi cho tôi, tuyệt đối đừng lộ tí gì về ý đồ của tôi đến tai Hồng y vì lọt đến tai ông tể tướng Pháp này, chắc chắn suốt đời ông ta sẽ trả thù chúng ta".

Năm 1755, Von Kinphausen được cử làm sứ thần của vua Phổ tại Pháp thay Le Chambrier và ông đã tiếp tục chỉ huy lưới điệp viên của người tiền nhiệm. Và dù Friederich Đại đế không có nhân tình là nữ giới (người ta cho rằng ông là người đồng tính luyến ái), nhưng ông biết rõ ảnh hưởng của phụ nữ trong cung đình nên chỉ đạo các sứ thần của mình theo dõi những người tình của vua Pháp. Ngoài bà de Maille, vua Phổ còn lưu tâm đến cả bà La Pompadour.

Sau những báo cáo rất chi tiết về nàng nhân tình nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của Louis XV, Friederich Đại đế đã lập kế hoạch mua chuộc La Pompadour với số tiền lên tới nửa triệu êcu, tuy nhiên kế hoạch này đã không thành công.

Cài điệp viên quanh cung đình đối phương

Ở Châu Âu, có hai nước mà Hoàng đế Phổ Friederich Đại đế rất quan tâm, nhưng ở đó lại không có sứ quán Phổ là Áo và Saxe-Ba Lan. Do đó, hoạt động tình báo ở đây không phải là các sứ thần, mà nhà vua tuyển chọn các điệp viên khác.

Nhân viên tàng thư xứ Saxe tên là Menzel tại Dresden được nhà vua trợ cấp 500 thalers, đã cống hiến cho nhà vua nhiều tin tức, đặc biệt là bản mật ước Áo - Nga - Saxe, trong đó có điều khoản: Ba nước cam kết trong trường hợp vua Phổ tiến đánh ba nước này thì ba nước này sẽ chiếm Phổ và chia Phổ làm ba.

Trong sứ quán Áo tại Berlin, Friederich Đại đế cũng phát triển điệp viên của mình. Với 2.000 florin chi trả cho viên bí thư, nhà vua đã có được những thông tin như việc Nữ hoàng Nga Elisabeth ký hiệp ước với nước Anh, những cuộc tập trung quân Nga dọc biên giới Phổ...

Cũng vì những thông tin tình báo này mà Friederich Đại đế đã ký với Anh hiệp ước ngày 11.1.1756. Tuy nhiên, điều không may cho ông là 6 tháng sau, Nga hủy hiệp ước với Anh và quay sang liên minh với Áo khiến cho Phổ bị kéo vào cuộc chiến tranh với Nga và suýt nữa mất nước.

Thậm chí, Thái tử nước Nga Peter, Đại công tước Holstein-Gottorp, cháu của Nữ hoàng Elizabeth, cũng bị Friederich Đại đế lợi dụng. Thái tử vốn là một cậu bé ngớ ngẩn, suốt ngày chơi với những chú lính bằng sáp ong. Tuy nhiên, Thái tử lại rất ngưỡng mộ Friedrich Đại đế, và thường lén mặc lên mình bộ quân phục sĩ quan quân đội Phổ. Người ta ngờ rằng Friedrich Đại đế đã biết được sở thích này của thái tử Nga và đã lợi dụng tình cảm đó để yêu cầu Thái tử chuyển cho những kế hoạch tác chiến mà Chính phủ Áo gửi cho Nữ hoàng Nga.

Sau khi nữ hoàng Elizabeth băng hà năm 1762, Thái tử Peter được đưa lên ngôi với đế hiệu là Peter III, ông ngừng ngay cuộc chiến tranh chống Phổ và ký với nước này liên minh tấn công.

Không may cho nước Phổ, Peter III mới chỉ trị vì được 4 tháng thì vợ ông, bà hoàng Sophie Anhalt Zerbst đã ám sát người chồng ngốc nghếch và chiếm lấy ngôi báu, lấy đế hiệu là Catherine II, hay Catherine Đại đế - người sẽ cai trị nước Nga trong suốt 30 năm và để lại những ảnh hưởng lớn lao tại đất nước này.

Dính đòn phản tình báo

Friedrich Đại đế cũng đã từng bị dính chiêu phản tình báo của đối phương. Đó là năm 1758, khi Pháp đối đầu với Áo trên chiến trường, một viên thiếu tá trong quân đội Áo thuộc đơn vị của tướng Daun đã báo cho Friedrich Đại đế tất cả kế hoạch tác chiến của quân Áo.

Lần đó, viên thiếu tá giấu tài liệu trong vỏ trứng rồi đưa cho giao liên mang sang cho quân Phổ. Bất ngờ, tướng Daun gặp tên giao liên, thấy hắn mang trứng, ông liền cho tịch thu mang vào nhà bếp và phát hiện tài liệu. Tướng Daun liền dụ dỗ viên thiếu tá muốn sống phải viết theo ý ông, và hắn đành đồng ý. Nội dung bức thư là: “Tướng Daun đang do dự, việc đánh Phổ phải chờ quyết định của hội đồng chiến tranh. Hội đồng cũng do dự, nên cần chờ ý chỉ của nữ hoàng. Thời gian để có ý chỉ của nữ hoàng phải mất tám ngày nữa”. Báo cáo viết xong, lại được chuyển sang cho Friedrich bằng con đường như mọi khi.

Nhận được báo cáo, Friedrich vui mừng vì được nghỉ ngơi một tuần lễ, ông cho tất cả các sĩ quan chỉ huy đến trướng của mình mở tiệc liên hoan. Khi bữa tiệc sắp tàn, lính gác vào báo có một tên lính Áo đào ngũ xin được gặp nhà vua, để cấp báo tin quân của tướng Daun sắp tấn công. Tin tưởng vào thông tin của điệp viên, ông đã không nghe tên đảo ngũ và cho rằng đây là thủ đoạn của quân Áo để gây rối quân Phổ và quyết định cho binh lính đi ngủ.

May cho quân Phổ khi có một đại tá kỵ binh đã cẩn thận trước thông tin này, và thuyết phục thêm hai đại tá nữa cho các trung đoàn của mình ở tình trạng báo động.

Cuộc tiến công của tướng Daun đã diễn ra lúc 3 giờ sáng hôm sau, nhưng nhờ sự hy sinh của ba trung đoàn kỵ binh mà quân đội Phổ không bị tiêu diệt. Hoàng đế Friedrich dẫn tàn quân rút lui nhưng bị mất một vạn quân và ba tướng giỏi là Thống chế Keith, Hoàng thân Francois de Brunswich và Hoàng thân Maurince d’Anhalt cùng vô số vũ khí, xe ngựa.

lê tiên long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tai-su-dung-tinh-bao-cua-friedrich-dai-de-629745.ldo