Tại sao Vua Lê Thánh Tông không chịu tẩy oan cho bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ?

Trở lại vấn đề tại sao vua Lê Thánh Tông không chịu tẩy oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, vợ Nguyễn Trãi. Mãi đến thời đại ngày nay, do biết bao công sức của các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo và nhà báo, lại thêm có sự trợ giúp tài chính của khá đông các nhà kinh doanh thành đạt, việc tẩy oan, chiêu tuyết cho bà Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ xem như đã hoàn tất. Theo đó, các công trình tưởng niệm hoành tráng thờ hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được xây dựng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (quê bà Lộ) và ở xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trị giá mấy trăm tỷ đồng, cũng đã từng bước được hoàn thiện.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Tuy nhiên, chỉ còn một chi tiết rất khó hiểu, là tại sao vua Lê Thánh Tông bấy giờ chưa chịu tẩy oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, trong khi Nguyễn Trãi, người bị kết tội đồng mưu với bà Lộ “giết vua” Lê Thái Tông, đã được tẩy oan? Chi tiết tồn nghi này nghe ra có vẻ là nhỏ, nhưng nếu suy ngẫm cho đến ngọn nguồn, thực sự nó cũng không hề nhỏ chút nào. Cái gì còn lấn cấn trong đầu khiến kẻ hậu sinh như chúng ta cũng nên tự lý giải, ngõ hầu ít nhiều góp phần làm sáng tỏ thêm bầu trời lịch sử mấy trăm năm.
Chúng tôi xin tóm tắt, đôi điều kiến giải, hy vọng một phần nào đó có thể vén lên bức màn bí mật này. Mong được các bậc cao minh và bạn đọc bổ sung, chỉ giáo thêm cho !
1.
Chúng ta đều biết, vụ án oan thảm khốc xảy ra vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh câu kết với bọn gian thần, bày mưu sâu kế độc, giết vua Thái Tông, giết cả ba họ đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi. Họ đã thành công mỹ mãn. Cũng cuối năm này (25-8-1442) hoàng tử Lê Tư Thành ra đời.
Bạn đọc cũng nên nhớ rằng, mẹ con bà Phi Ngô Thị Ngọc Dao chính là kẻ thù cần phải tiêu diệt của bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Lý do là để bảo vệ cho đứa con ngoài giá thú của bà là Thái tử Bang Cơ (Nhân Tông). Bà Thị Anh tìm cách vu cáo, đòi xử lý bà Ngọc Dao (đang có bầu hoàng tử Lê Tư Thành) bằng hình thức voi dày rất man rợ. Vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ra sức tìm cách cứu mẹ con bà Ngọc Dao. Lúc đầu thì đưa vào chùa Huy Văn ở Thăng Long ở tạm. Sau thì tiếp tục cho người thân tín bí mật đưa bà Ngọc Dao trốn về Thần Khê (Hưng Hà), Thái Bình. Hoàng tử Lê Tư Thành được mẹ sinh ra ở đó. Phải giết vua thì mới yên. Vua chết, con bà là Thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi được đưa ngay lên ngai vàng, quyền lực vào tay bà Hoàng Thái hậu ngồi sau rèm Nhiếp chính cả. Để vua sống, thì sau này cái bí mật về đứa con riêng (bà Thị Anh có mang 3 tháng mới vào cung), sớm muộn cũng phải bung bét ra. Ai biết việc dối vua (khi quân) tày trời này? Tất nhiên là các quan Thái giám biết. Vợ chồng Nguyễn Trãi biết. Ông Đinh Liệt và một số vị quan khác như Nguyễn Thiên Tích biết. Phải “giết người diệt khẩu” là câu chuyện không thể khác. “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu”…là vậy. Tóm lại, Hoàng tử Lê Tư Thành (Miếu hiệu là Lê Thánh Tông) có mặt trên đời, sau trở thành ông vua anh hùng, có công đưa đất nước đến thịnh trị, chính là do vợ chồng Nguyễn Trãi và ông Đinh Liệt cứu thoát.
2.
Khi sự thật được sáng tỏ, 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông đã lập đàn xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, khôi phục chức tước cho ông, mặc dù tước Hầu của Nguyễn Trãi trước đây, mới chỉ dừng ở tước TÁN TRÙ BÁ thôi. Thế còn bà Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, bị khép tội đồng mưu với chồng, giết vua, tại sao không thấy tẩy oan cho bà? Chẳng phải là trái pháp luật hay sao?
Chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện do sử thần Ngô Sĩ Liên viết. Ngô Sĩ Liên chép sử, dưới sự kiểm duyệt của vua Lê Thánh Tông. Thánh Tông đã biết rõ mười mươi sự thật, nhưng ngài đã vờ như không biết. Một điểm cần lưu ý là ở thời đó, Nho giáo đang chiếm địa vị cao nhất trong đời sống tôn giáo ở nước ta. Phụ nữ cũng chỉ là một thứ “gia sản”, bị coi thường. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Thân phận của họ thấp kém, bị đối xử một cách bất công. Ví như khi Lê Sát bị Thái Tông (1323-1442) giết, tài sản tư gia ngài Lê Sát bị triều đình tịch thu. Thê thiếp của tể thần Lê Sát cũng bị “tịch thu” luôn, rồi vua đem “ban tặng” cho quan Thượng tể Lê Ngân. Đến lượt Lê Ngân bị giết, triều đình cũng thi hành tương tự như thế… Việc coi thường phụ nữ có thể là một trong những lý do mà Lê Thánh Tông không muốn nhắc tới hay chăng?
3.
Không muốn nhắc tới thì đã đành một nhẽ, nhưng cái việc bịa tạc ra những chi tiết mờ ám, thông qua cái màn “rắn báo oán”, thì lại VỪA ĐƯỢC VỪA MẤT. Được, là che mắt được thiên hạ, dân trí bấy giờ đa phần còn rất thấp. Rằng Nguyễn Thị Lộ là một thứ ma quỷ, sinh ra để hại nhà vua, đồng thời để hại cả gia tộc Nguyễn Trãi, và ngay cả chính họ Nguyễn của bà Lễ nghi học sĩ nữa. Sử quan Ngô Sĩ Liên còn đơm đặt, thêu dệt ra câu chuyện bà Lễ nghi học sĩ xinh đẹp, tài giỏi văn thơ, được vua Lê Nguyên Long (Thái Tông) yêu vì, mặc dù nhà vua chỉ đáng tuổi con cái bà, còn được bà dạy dỗ khi còn nhỏ. Trong khi đó, vua trẻ Lê Thái Tông có hàng trăm phi tần trẻ tuổi xinh đẹp trong cung, thướt tha như mây ngũ sắc. Thêm nữa, bà Nguyễn Thị Lộ là vợ của đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi. Cả hai cụ đều là bậc thượng quan rất khả kính, ngang hàng với cha chú của Thái Tông. Sử quan Ngô Sĩ Liên khép tội bà vì nhan sắc, giỏi thơ văn, khiến Thái Tông say đắm là một điều rất đáng ngờ, rất khó xảy ra. Sử quan viết theo yêu cầu của vua Lê Thánh Tông (con vua Thái Tông), thì chẳng phải họ đã vô tình khép vua Lê Thái Tông, một ông vua giỏi, có xu hướng cải cách, muốn cùng Nguyễn Trãi phục hưng đất nước vào tội “cưỡng đoạt vợ đại thần” hay sao? Tội vua cưỡng đoạt vợ quan đại thần đã từng xảy ra nhiều đời ở bên Tàu. Nho giáo cho rằng vua ấy gọi là HÔN QUÂN, xứng đáng bị giết. Ở nước ta, đến đời Mạc Mậu Hợp cũng như vậy, khiến nhà Mạc bị suy yếu, Mậu Hợp bị giết, cơ đồ tan vỡ, con cháu phải chạy lên Cao bằng. Chả lẽ vua Lê Thái Tông lại vô tình bị biến chất thành HÔN QUÂN ư? Mất, là mất ở chỗ ấy, mặc dù đó không phải là sự thật.
Điều này, lại cũng có tiếng tăm không hay ở ngay chính thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì, có liên can đến bà Ngô Chi Lan là cháu Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Lê Thánh Tông).
Hồi nhỏ, bà Ngô Chi Lan (1434-1497) được vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ nuôi nấng (con nuôi). Khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, Nguyễn Trãi bị “tru di tam tộc”, Ngô Chi Lan bỏ trốn mất tiêu. Khi Lê Thánh Tông giành được ngôi báu, bà Ngô Chi Lan nổi tiếng xinh đẹp, thơ hay, được vua Lê Thánh Tông cho giữ chức NỮ HỌC SĨ, luôn được xướng họa cùng vua. Ngô Chi Lan có biểu tự là QUỲNH HƯƠNG, KIM HOA NỮ HỌC SĨ, hoặc PHÙ GIA NỮ HỌC SĨ, là vợ ông Phù Thúc Hoành, quê làng Phù Xá, huyện Kim Hoa (Sóc Sơn Hà Nội ngày nay). Ông Phù Thúc Hoành không thi cử, không có học vị Tiến sĩ, nhưng học vấn uyên thâm, được cử giữ chức giảng dạy môn KINH DỊCH ở Quốc Tử Giám, sau thăng lên chức HÀN LÂM HỌC SĨ. Dân Hà Thành quán cóc vỉa hè rỗi hơi bàn tán, cho rằng vua Lê Thánh Tông có quan hệ bất chính với người cháu gái của mẹ mình là Nữ học sĩ Ngô Chi Lan. Họ cũng đã có thơ châm biếm. Tuy nhiên, bà Ngô Chi Lan đã bày tỏ tâm trạng xót xa của mình trước những lời đồn đại vô lối của dân gian. Mà nếu như việc ấy là có thật, thì chẳng phải vua Lê Thánh Tông vừa là MINH QUÂN, vua anh hùng, đồng thời cũng lại là HÔN QUÂN đấy sao?
Ông Phù Thúc Hoành ở quê cũng có phong thanh chuyện nhà vua dùng quyền lực “thuổng” mất vợ mình, ông cũng ghen lắm chứ! Ghen, nhưng mà ghen “có văn hóa”. Ông làm thơ gửi vợ, thể hiện tình cảm nhớ thương vợ của mình.
Phiên âm: “Hà diệp lục như cái / Hà hoa hồng tự nhan / Tư quân vị đắc kiến / Trì thượng không bàn hoàn” (CỔ Ý)
Dịch nghĩa:
Ý XƯA
Lá sen xanh như chiếc lọng xanh,
Hoa sen đỏ như gò má đỏ.
Nhớ ai mà chưa được gặp mặt,
Cứ vơ vẩn mãi bên bờ ao.
Dịch thơ:
Lá sen nghiêng chiếc lọng xanh,
Che đôi má thắm sen thanh trong hồ.
Nhớ ai lòng những mộng mơ,
Cứ vơ vẩn mãi bên bờ tương tư.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Tôi cứ cấn cái mãi, nhưng buộc lòng phải viết ra điều này, là vì sử sách đã viết như thế từ lâu rồi, đương nhiên không có gì mới. Có lẽ người đương thời nghĩ rằng, tốt hơn hết là bung ra màn sương mù huyền ảo, đổ hết tội cho bà Nguyễn Thị Lộ là xong. Nhưng đổ tội cho bà Lộ, không tẩy oan cho người phụ nữ tài hoa khả kính, đã góp bao công sức và trí tuệ xây dựng nên cơ nghiệp nhà Hậu Lê, được thì ít, mà mất thì nhiều là vậy!
Các cụ nghĩ sao?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tai-sao-vua-le-thanh-tong-khong-chiu-tay-oan-cho-ba-le-nghi-hoc-si-nguyen-thi-lo-81356