Tại sao Vũ Hán quan trọng đối với Trung Quốc, khắc tinh nCoV đang chờ

'Một cơn lốc' về kinh tế sẽ đổ vào Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cũng là nơi đặt trụ sở của các nhà sản xuất ô tô và thép hàng đầu Trung Quốc, dường như không thể tránh khỏi.

Vũ Hán là trung tâm vận tải và công nghiệp của miền Trung Trung Quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Lo ngại đang ngày một gia tăng về những thiệt hại kinh tế từ sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (nCoV) gây chết người ở thành phố Vũ Hán miền Trung Trung Quốc - trung tâm vận tải, nơi sinh sống của hơn 11 triệu người và cũng là động lực tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

GDP giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm

Từ sáng 23/1, giao thông công cộng trong và ngoài thành phố Vũ Hán, từ tàu hỏa, máy bay, phà… dừng mọi hoạt động, chính quyền địa phương đặt thành phố trong tình trạng đóng cửa, nhằm cố gắng ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới giống SARS, đã khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh và hàng trăm trường hợp tử vong vào năm 2002-2003.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh phong tỏa một thành phố để chống lại một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, đặt ra nhiều lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Cùng với những động thái này là câu hỏi được đặt ra về ảnh hưởng của bệnh dịch đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, hiện đang ở mức thấp kỷ lục.

Báo cáo mới công bố của The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định, “một tác động kinh tế không nhỏ “đang chờ” Trung Quốc, cũng không loại trừ những thiệt hại đáng kể tới các nền kinh tế khác nếu virus không sớm bị khống chế và tiếp tục lây lan”.

Virus này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm ngay trong năm nay so với dự báo cơ bản là 5,9%. EIU cho rằng, nếu dịch bệnh hoành hành kéo dài, chi tiêu vào việc chăm sóc sức khỏe gia tăng sẽ hạn chế chi tiêu vào các lĩnh vực khác, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng và cả các biện pháp kích thích nhằm bảo vệ nền kinh tế vốn đang tiềm ẩn nhiều vấn đề.

“Một cơn lốc” về kinh tế sẽ đổ vào Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi đặt trụ sở của các nhà sản xuất ô tô và thép lớn của Trung Quốc, dường như không thể tránh khỏi.

“Đại lộ” phát triển

Được biết đến như một “Đại lộ” phát triển kinh tế của Trung Quốc, thành phố Vũ Hán đóng vai trò là trung tâm giao thông và công nghiệp của Trung Quốc, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế và thương mại của khu vực.

Năm 2018, khi nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp hàng đầu thế giới KPMG mở văn phòng tại Vũ Hán, Benny Liu, đồng Chủ tịch Văn phòng của hãng này tại Trung Quốc từng đánh giá nơi đây như là một thành phố cốt lõi ở miền Trung Trung Quốc. “Vũ Hán đóng vai trò như một cơ sở giáo dục, nghiên cứu và phát triển công nghiệp quan trọng, đồng thời là trung tâm vận tải tích hợp cho quốc gia”.

Theo dữ liệu của chính quyền địa phương, tăng trưởng của Vũ Hán trong năm 2019 là 7,8%, cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng trung bình quốc gia. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 244 tỷ NDT (khoảng 35,3 tỷ USD), là mức tăng trưởng cao kỷ lục, vượt 13,7% so với năm trước và chiếm 61,9% tổng giá trị ngoại thương của tỉnh Hồ Bắc.

Hơn 300 công ty trong số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới có sự hiện diện tại thành phố này, bao gồm nhiều tên tuổi lớn từ Microsoft, công ty phần mềm SAP (có trụ sở tại Đức) đến nhà sản xuất xe hơi Pháp Groupe PSA.

Những năm gần đây, Vũ Hán lên kế hoạch trở thành một trung tâm công nghệ cao, đặc biệt tập trung phát triển ngành quang học. Tuy nhiên, hiện Vũ Hán nổi tiếng hơn với danh tiếng “Thành phố Mô tô” bởi sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp xe hơi, cũng như tầm quan trọng trong vai trò là trung tâm logistics lớn - nơi có ảnh hưởng hàng đầu đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Theo phân tích của EIU, do sự liên kết chặt chẽ trong mạng lưới giao thông - bao gồm đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường sông tốc độ cao - khiến bất kỳ hạn chế nào của thành phố cũng sẽ có tác động ra bên ngoài.

Ước tính, có tới 15 triệu lượt người đã đi qua Vũ Hán trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay. Những hạn chế đột ngột đối với việc đi lại đã ảnh hưởng tới kế hoạch nghỉ lễ của hàng triệu người ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong thời điểm mà người tiêu dùng Trung Quốc đáng ra sẽ chi tiêu rất nhiều ở các nhà hàng và khu mua sắm.

Nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia W. Ian Lipkin cho rằng, sự lây lan của virus corona có ý nghĩa kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Đây là một vấn đề rất phức tạp đối với sức khỏe cộng đồng, cũng như kinh tế, chính trị, văn hóa.

Tuy nhiên, với một quan điểm khác, Ngân hàng đầu tư Barclays cho biết trong một báo cáo rằng, tác động kinh tế của virus có thể chỉ là tạm thời, với những ảnh hưởng rõ rệt nhất trong vận tải, du lịch và bán lẻ. Bằng chứng là, trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã chạm đáy ở mức 4,3% trong tháng 5, nhưng ngay lập tức đã tăng trở lại mức 8,3% trong tháng 6 và tăng trưởng quý 3 được ghi nhận ở mức 9,7%. Tương tự, vận tải hành khách đã giảm lần lượt 42% và 22% trong tháng 5 và tháng 6 năm 2003, trước khi hồi phục mạnh mẽ vào tháng 9.

(theo SCMP)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-vu-han-quan-trong-doi-voi-trung-quoc-khac-tinh-ncov-dang-cho-108627.html