Tại sao Việt Nam nên mua tên lửa phòng không RIM-116 Mỹ?

Độ linh hoạt cao, khả năng đánh chặn hiệu quả, tên lửa phòng không RIM-116 sẽ là sự bổ trợ đáng kể cho sức mạnh tàu chiến Việt Nam.

RIM-116 được coi là một trong những hệ thống phòng không chống tên lửa hành trình hiệu quả nhất hiện nay. Nó được trang bị trên hầu hết các tàu chiến của Mỹ, ngoài ra nó cũng được các quốc gia khác tin dùng. Với mối quan hệ đang nồng thắm trở lại, liệu Việt Nam có nên đề nghị Mỹ cung cấp cho ta loại vũ khí phòng không tầm gần hiệu quả này để trang bị cho tàu chiến.

Với đường bờ biển trải dài, Hải quân Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Hải quân Việt Nam với những bước đi gần đây được cho là đang lột xác để trở thành một lực lượng mạnh nhằm sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong tương lai.

Đa số những chiến hạm của Hải quân Việt Nam đến từ Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Không thể phủ nhận vai trò của những vũ khí này, tuy nhiên việc đa dạng nguồn cung cấp vũ khí là một trong những hướng đi mới để gia tăng sức mạnh của Hải quân.

Các vũ khí của Mỹ luôn được đánh giá cao trong môi trường tác chiến phức tạp, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương mở ra cơ hội mới cho việc Việt Nam sẽ sở hữu các vũ khí công nghệ cao của Mỹ.

Mặt khác công nghiệp đóng tàu trong nước cũng ngày một phát triển, chúng ta đã đóng được những tàu chiến được đánh giá là có hiệu năng rất tốt. Nếu mua được hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 của Mỹ để mang lên tàu chiến trong nước đóng thì đó sẽ là một bước sang trang lịch sử đối với Hải quân Việt Nam.

RIM-116 là hệ thống phòng không tầm gần, chúng có mặt trong hầu hết các loại tàu chiến của Mỹ và đồng minh, từ tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, đến tàu tác chiến ven bờ. Đây là hệ thống tin cậy đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

RIM-116 được phát triển bởi Đan Mạch và Tây Đức, sau đó được hãng General Dynamics của Mỹ mua lại và hoàn thiện chúng vào năm 1980. Hệ thống đã đi vào phục vụ rộng tãi từ năm 1992 cho tới ngày nay.

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch mua thêm tổng cộng khoảng 1.600 tên lửa cùng với 115 bệ phóng để trang bị cho 74 tàu chiến bao gồm trang bị cho cả siêu tàu sân bay hiện đại lớp Ford của mình.

Mỗi bệ phóng chứa 21 quả tên lửa, mỗi hệ thống có trọng lượng 5,7 tấn. Mỗi quả tên lửa có trọng lượng 73,5kg, đường kính 172mm, chiều dài 2,79m, sải cánh 434mm và trọng lượng đầu nổ 11,3kg.

Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có vận tốc Mach 2, tầm bay khoảng 9km, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường phức tạp bao gồm cả hồng ngoại và chế độ dẫn đường thụ động bằng sóng vô tuyến.

Mặt khác hệ thống RIM-116 cũng được điều khiển bởi các radar điều khiển hỏa lực. Trên các tàu chiến Mỹ hệ thống radar AN/SWY-2 thường đóng vai trò phát hiện và ra lệnh cho RIM-116 tiêu diệt mục tiêu.

RIM-116 được phát triển với nhiều biến thể khác nhau, hệ thống SeaRAM là phiên bản mới nhất khi kết hợp giữa radar tương tự như hệ thống Phalanx CIWS Mk-15 cùng với hệ thống phóng có thể chứa 11 tên lửa. Với việc trang bi này hệ thống có thể tự động tiêu diệt mục tiêu mà không cần phải phụ thuộc vào radar chính trên tàu.

Hình ảnh các thủy thủ của Mỹ đang nạp tên lửa cho hệ thống phòng không RIM-116.

Với hệ thống hỗ trợ nạp đạn chuyên dụng, chỉ cần một số lượng nhỏ kỹ thuật viên cũng có thể nạp đạn cho hệ thống phòng không nguy hiểm này.

Với ưu điểm cơ động, hiệu quả cao trong hiệu năng chiến đấu, RIM-116 xứng đáng là một trong những hệ thống phòng không tầm gần hiệu quả nhất hiện nay, với việc được trang bị hệ thống này, các tàu chiến sẽ gia tăng đáng kể hệ thống phòng thủ của mình.

Việt Hùng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-viet-nam-nen-mua-ten-lua-phong-khong-rim-116-my-766640.html