Tại sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Nam Mỹ cao hơn Ấn Độ?

Trong khi truyền thông quốc tế tập trung vào bi kịch mà đại dịch Covid-19 gây ra cho Ấn Độ, Nam Mỹ mới là khu vực có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu thế giới.

Không cần đến bảng số liệu hay biểu đồ, tình hình dịch bệnh ở Paraguay có thể cho thấy sự mệt mỏi và tuyệt vọng của người thân bệnh nhân Covid-19.

Bên ngoài bệnh viện Barrio Obrero ở thủ đô Asuncion của Paraguay, gia đình các bệnh nhân chờ đợi tin tức từ người thân. Paraguay đang là quốc gia có tỷ lệ người tử vong hàng ngày do Covid-19 cao nhất thế giới.

Thi thoảng, bệnh viện yêu cầu người nhà mang thuốc men và vật dụng y tế đến. Hệ thống y tế của Paraguay, vốn không được đầu tư đúng mức, không thể lo đủ những nhu yếu phẩm cơ bản cho bệnh nhân.

Nơi từng là hình mẫu chống dịch

“Chính phủ giúp đỡ rất ít. Thật thảm họa”, Jessica Ortigosa, con gái một bệnh nhân Covid-19, nói với Guardian. Cha cô đang phải nằm trên ghế vì thiếu giường. “Đáng ra chính phủ phải chuẩn bị ngay từ khi đại dịch bùng phát”, cô nhận xét.

Trong khi Ortigosa nói, hai người phụ nữ bật khóc nức nở trên chiếc ghế trước cổng bệnh viện. Paraguay lại ghi nhận thêm một ca tử vong do đại dịch.

Trong ngày 16/6, tỉ lệ tử vong của Paraguay là 18,09 ca trên một triệu dân. Tỉ lệ này của Ấn Độ, Nam Phi, Mỹ và Anh lần lượt là 2,71 - 2,2 - 1,01 và 0,14.

 Bệnh nhân Covid-19 được đưa đi xét nghiệm tại một bệnh viện ở thành phố San Lorenzo, Paraguay. Ảnh: Guardian.

Bệnh nhân Covid-19 được đưa đi xét nghiệm tại một bệnh viện ở thành phố San Lorenzo, Paraguay. Ảnh: Guardian.

Khi Mỹ và châu Âu bắt đầu phục hồi sau đại dịch, thảm kịch đang diễn ra ở Paraguay có thể thấy trên khắp Nam Mỹ.

Những tuần vừa qua, mọi con mắt trên thế giới hướng về Ấn Độ. Tuy vậy, Nam Mỹ mới là nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới.

Trung bình tỷ lệ tử vong mỗi ngày của Peru là 9,12 trên một triệu dân, chỉ đứng thứ 7/12 trong các nước Nam Mỹ, sau Paraguay, Suriname, Argentina, Uruguay, Colombia và Brazil. Tuy vậy, con số này vẫn cao gấp hơn ba lần Ấn Độ.

Điều trớ trêu là trong những tháng đầu của đại dịch, Paraguay và Uruguay từng được coi là hình mẫu thành công trong ứng phó với Covid-19.

Tuy vậy, kể từ tháng 3, chủng virus nguy hiểm lần đầu được tìm thấy ở Brazil đã càn quét hai quốc gia này, cũng như cả khu vực.

Ngoài độc tính và khả năng lây lan mạnh cua virus, nguyên nhân còn đến từ sự không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Dù Uruguay có chương trình tiêm vaccine nhanh nhất Nam Mỹ, đại dịch vẫn bùng phát trở lại. Trong khi đó, Paraguay đang phải gánh chịu hậu quả từ đói nghèo, hệ thống y tế không được đầu tư đầy đủ và tham nhũng.

Sự tức giận với chính quyền đã khiến người dân đổ ra đường biểu tình hồi tháng 3, trong khi chính phủ Paraguay bị kiện lên Tòa án Tối cao do ứng phó kém cỏi với đại dịch.

Nơi cái chết “gần như vô hình”

Argentina cũng từng được xem là hình mẫu chống dịch Covid-19 khi số ca mắc được giữ ở mức thấp trong giai đoạn đầu đại dịch. Thành công ban đầu đến từ các biện pháp hạn chế mạnh tay của chính phủ và sự tuân thủ của người dân.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi chóng mặt. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày do đại dịch lên đến 528 người. Covid-19 vượt qua bệnh tim và ung thư để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Argentina.

Theo ông Claudio Belocoppitt, lãnh đạo Liên minh Y tế Argentina, tỷ lệ tử vong cao ở quốc gia Nam Mỹ này đến từ các vấn đề kinh tế - xã hội kinh niên.

Người dân Argentina xếp hàng tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô Buenos Aires. Ảnh: Guardian.

“Chỉ số đói nghèo ở Argentina đã gia tăng chóng mặt trong 10 năm qua. Lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới. Với tình cảnh này, làm sao chúng tôi có thể kỳ vọng đất nước đột nhiên xử lý tốt trong các tai họa kiểu này?”, ông nhận xét.

Căng thẳng giữa các phe phái chính trị chỉ làm tồi tệ thêm tình hình. Đầu tuần qua, chính phủ Argentina thông báo cải tổ hệ thống y tế, bao gồm việc hợp nhất các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Ông Belocoppitt gọi quyết định này là “tái tổ chức quân đội ngay giữa trận đánh”.

Dù sao người dân Argentina vân lạc quan. Họ không chú ý tới tỷ lệ tử vong cao ở ngay đất nước mình, khi các tranh chấp chính trị đã lấy đi hầu hết giấy mực của báo chí.

Chương trình tiêm chủng vaccine của Argentina cũng đang được đẩy mạnh. Nước này sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau, từ AstraZeneca đến Sputnik hay Sinofarm. Gần 40% người dân Argentina đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 8% đã tiêm đủ hai liều.

Nơi tổng thống không đeo khẩu trang

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, như biến chủng mới hay các nguyên nhân chủ quan như thiếu đầu tư vào hệ thống y tế và sự chậm trễ trong tiêm chủng vaccine, các chính trị gia cũng góp phần gây nên tình cảnh hiện nay ở Nam Mỹ.

Trên phương diện này, không ai nổi bật hơn Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Brazil sẽ chạm mốc nửa triệu ca tử vong do Covid-19 trong vài ngày tới. Đất nước này đang được lãnh đạo bởi một tổng thống từng gọi đại dịch là “dịch cúm nhỏ” và từ chối các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Ông Bolsonaro thậm chí từng bị phạt do không đeo khẩu trang khi tuần hành tại thành phố Sao Paulo.

Quốc hội Brazil đang mở cuộc điều tra đối với phản ứng của Tổng thống Bolsonaro trong đại dịch Covid-19. Theo các nhân chứng, chính phủ Brazil từ chối lời đề nghị cung cấp vaccine trong năm 2020.

Bên cạnh đó, thái độ coi thường khoa học của ông Bolsonaro cũng góp phần khiến người dân nước này có thái độ nghi ngờ với vaccine.

Thân nhân các nạn nhân đến thăm mộ tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida, bang Manaus, Brazil. Ảnh: Guardian.

“Vấn đề lớn nhất của Brazil là sự phủ nhận đại dịch trong chính trị”, Chrystina Barros, chuyên gia chống dịch Covid-19 tại Đại học Rio de Janeiro, nói với Guardian. “Chúng tôi có một tổng thống phủ nhận đại dịch. Các phát biểu và hành vi của ông đi ngược lại khuyến cáo y tế, khiến người dân ngần ngại tiêm vaccine”.

Với số ca tử vong trung bình mỗi ngày lên tới 2.000 ca, Brazil đang bị cô lập. Nhiều quốc gia, trong đó có cả người hàng xóm Argentina, cấm người Brazil nhập cảnh.

“Nếu Brazil xem thường đại dịch, đại dịch sẽ ảnh hướng đến cả khu vực”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói. “Điều này không chỉ đúng với Brazil.

Nơi hệ thống y tế không hiệu quả

Ông Hector Araujo, một nhà dinh dưỡng 51 tuổi ở thủ đô Lima, tử vong hai tuần sau khi mắc Covid-19. Ông để lại ba người con 18, 16 và 10 tuổi.

Dù đóng bảo hiểm đầy đủ, ông Araujo phải điều trị trong một bệnh viện không có nhân viên y tế có khả năng xử lý những ca bệnh phức tạp. “Anh tôi cần được chăm sóc đặc biệt 24/24 giờ với các chuyên gia. Bệnh viện không thể đáp ứng được yêu cầu này”, bà Patty Araujo - em gái nạn nhân - nói.

Giống như hàng trăm nghìn người dân Peru mất người thân do đại dịch, bà Patty nổi giận khi các chính phủ nối tiếp nhau ở Peru chỉ đầu tư ít ỏi cho hệ thống y tế, dù nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua.

Nhân viên dịch vụ tang lễ khiêng quan tài nạn nhân tử vong do Covid-19 tại thành phố Pucallpa, Peru. Ảnh: Guardian.

Chỉ vài ngày trước khi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 diễn ra, chính phủ Peru xác nhận số ca tử vong thực tế do đại dịch là 180.764 người, gần gấp 3 lần con số 69.342 trước đó.

Thống kê này biến Peru thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.

Peru đã áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn ngay từ tháng 3/2020. Tuy vậy, với tỷ lệ dân số làm việc trong khu vực phi chính thức và sự đông đúc của các khu dân cư khá cao, các biện pháp này không thể ngăn đợt bùng phát mới của đại dịch.

Chính phủ Peru đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho khoảng 2 triệu người, tương đương 7% dân số. Tỉ lệ tử vong đã sụt giảm.

Ở Paraguay, Jessica Ortigosa không nghĩ cơn ác mộng có thể nhanh chóng qua đi. Cô vẫn đang chờ đợi tin tức về người cha.

“Đây là cách mọi thứ diễn ra. Mọi ngày đều như vậy”, cô nói trong cái lạnh bên ngoài bệnh viện, trong tiếng khóc của thân nhân người bệnh.

Việt Hà (Theo Guardian)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-ty-le-tu-vong-do-covid-19-o-nam-my-cao-hon-an-do-post1228800.html