Tại sao từ năm 2018 không phải đổi thẻ bảo hiểm y tế?

Trước thông tin từ năm 2018 không phải đổi thẻ bảo hiểm y tế, nhiều người dân đang có thẻ bảo hiểm y tế có những băn khoăn như liệu quyền lợi của người tham gia có được bảo đảm; nếu thẻ có sai sót về thời hạn đủ 5 năm tham gia có phải đổi lại không? Ông Võ Khánh Bình, Trưởng Ban Sổ - Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giải đáp một số thắc mắc về vấn đề này.

PV: Thưa ông, vì sao từ năm 2018, người sử dụng không phải đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)? Điểm mới của quy định này là gì?

* Ước tính đến hết ngày 30-6-2018, số đối tượng tham gia BHYT là 81,59 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,9%. Trong đó, 23 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số.

Ông Võ Khánh Bình, Trưởng Ban Sổ - Thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Xin được giải thích là, từ năm 2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành quy định về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế. Theo đó, thẻ BHYT cấp cho người tham gia theo mã số BHXH. Điều này giúp tránh cấp trùng một người nhiều thẻ BHYT cũng như quản lý, xác định thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục của từng cá nhân. Ngoài ra, trên thẻ mới chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày nào, bỏ quy định ghi giá trị sử dụng đến ngày nào. Vì vậy, người tham gia sẽ sử dụng thẻ BHYT lâu dài, không phải đổi lại hằng năm.

Đây là hoạt động triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, với mục tiêu cấp thẻ điện tử cho người dân và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHXH, BHYT.

Tôi cho rằng, những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng thẻ BHYT. Trước hết, giảm bớt thủ tục nộp lại thẻ cũ còn giá trị sử dụng cho cơ quan BHXH khi ngừng đóng BHYT. Thẻ BHYT theo mã số BHXH cấp cho người tham gia được sử dụng lâu dài, không phải đổi lại hằng năm; trừ trường hợp mất, rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ. Điều này cũng tránh trường hợp in, đổi thẻ không kịp thời như các năm trước đây, làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người tham gia.

PV: Ông vui lòng cho biết, người dân có thể tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng về thẻ BHYT của mình ở đâu?

Ông Võ Khánh Bình: Người dân có thể tự tra cứu mọi thông tin về thẻ BHYT được cập nhật công khai trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (https://www.baohiemxahoi.gov.vn), rất thuận lợi.

Bên cạnh đó, cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng nhiều hình thức: kiểm tra qua danh sách cấp thẻ BHYT lưu tại đơn vị; kiểm tra trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (www.baohiemxahoi.gov.vn); gọi Trung tâm Hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam qua tổng đài 1900969668. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH, bưu điện văn hóa xã, ủy ban nhân dân xã, đơn vị, đại lý thu nơi tham gia BHXH, BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để được giải đáp thỏa đáng.

Khi tới hạn nộp tiền, cơ quan BHXH có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng theo quy định. Biên lai thu tiền cũng ghi rõ thời hạn sử dụng thẻ BHYT để người tham gia BHYT tự nguyện được biết.

PV: Vậy nếu thông tin trên thẻ BHYT có sai sót, người dân sẽ cần tới đâu để điều chỉnh, thưa ông?

Ông Võ Khánh Bình: Xin nói rõ là có rất nhiều cách đề nghị điều chỉnh thông tin nếu phát hiện có sai sót trên thẻ BHYT.

Trước hết, người tham gia cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để đề nghị điều chỉnh và đổi thẻ BHYT mới. Bên cạnh đó, cũng có thể đề nghị thông qua đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu.

Nếu nhận được đề nghị điều chỉnh sai sót, cơ quan BHXH thực hiện đổi thẻ BHYT mới ngay và phối hợp với bưu điện, đơn vị quản lý đối tượng, đại lý thu để chuyển thẻ đến tận tay người tham gia.

PV: Ông có thể cho biết thêm, các trường hợp thẻ BHYT của người sử dụng bị in sai thời hạn đủ 5 năm tham gia, có cần phải đổi lại hay đính chính thông tin không?

Ông Võ Khánh Bình: Hiện nay, cơ quan BHXH cập nhật hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số trường hợp có sai sót về thông tin này. Trong trường hợp có sai sót về thông tin này, ảnh hưởng đến quyền lợi, người tham gia, đơn vị quản lý đối tượng cần liên hệ với cơ quan BHXH để đổi lại thẻ. Cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm đổi thẻ BHYT ngay trong ngày làm việc, khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục cấp đổi thẻ BHYT do sai thông tin về thời gian tham gia BHYT.

PV: Với đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, mức đóng trong năm nay và thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào? Liệu có thủ tục nào thuận tiện hơn cho nhóm tham gia tự nguyện tại các địa phương?

Ông Võ Khánh Bình: Tôi xin nhấn mạnh là, Điều 2, Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định khá cụ thể mức đóng BHYT của tất cả các thành viên hộ gia đình. Theo đó, người thứ nhất đóng bằng 4,5% lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi, đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Cùng với đó, từ ngày 1-7-2018, Chính phủ đã điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Do vậy, mức đóng BHYT của thành viên hộ gia đình tham gia BHYT cũng thay đổi theo. Cụ thể, mức đóng BHYT của người thứ nhất sẽ bằng 750.600 đồng, tăng 48.600 đồng so với mức đóng trước 1-7-2018. Mức đóng của người thứ hai bằng 525.420 đồng. Mức đóng của người thứ ba bằng 450.360 đồng. Người thứ tư là 375.300 đồng. Và từ người thứ năm trở đi, mức đóng sẽ là 300.240 đồng.

Thời gian gần đây, BHXH Việt Nam cũng rất tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, giảm phiền hà trong thủ tục, giấy tờ kèm theo.

Cụ thể, theo Quyết định số 595 của BHXH Việt Nam ban hành ngày 14-4-2017, người tham gia BHYT theo hộ gia đình lập Tờ khai theo mẫu do cơ quan BHXH hoặc đại lý thu cung cấp. Trong trường hợp đã có mã số BHXH, họ chỉ cần cung cấp mã số để lập danh sách tham gia BHYT, không phải lập tờ khai, rồi đóng tiền cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH.

PV: Thông tin từ thời điểm 1-1-2019, thời gian cấp thẻ BHYT chỉ trong 24 giờ có chính xác không, thưa ông? Người dân có thể cấp đổi thẻ BHYT ngay trong ngày ở cơ quan BHXH cấp nào?

Ông Võ Khánh Bình: Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH đã và đang thực hiện cấp lại, đổi thẻ BHYT trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Đây là điểm nổi bật trong Quy trình quản lý ban hành kèm theo Quyết định số 595của BHXH Việt Nam đã nêu trên.

Từ ngày 1-1-2019, trường hợp đổi thẻ không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Còn việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện tại cơ quan BHXH quản lý thu và cấp thẻ BHYT trước đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

* Những điểm mới trong quy định về cấp thẻ BHYT

Kết cấu mã thẻ thay đổi từ sáu ô, nay chỉ còn bốn ô. Trong đó, ba ô đầu tiên được giữ nguyên, còn ba ô cuối thay bằng một ô ghi mã số BHXH. Thí dụ, thẻ trước đây in “Số: DT_2_01_01_180_ 00001”, nay được in là “Mã số: DT_ 2_ 01_ 0118000001”.

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../…/….”. Với cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên Cổng thông tin giám định BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng, người sử dụng liên hệ với phòng/bộ phận giám định BHYT của cơ quan BHXH, nơi ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT để xác minh.

* Ước tính đến hết ngày 30-6-2018, số đối tượng tham gia BHYT là 81,59 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,9%. Trong đó, 23 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số.

NGÂN ANH thực hiện, Ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37153302-tai-sao-tu-nam-2018-khong-phai-doi-the-bao-hiem-y-te.html