Tại sao Trung Quốc phá vỡ đế chế khổng lồ của tỷ phú mất tích

Ba năm sau khi doanh nhân Xiao Jianhua biến mất một cách bí ẩn, chính quyền Trung Quốc thực hiện những biện pháp mạnh tay để phá vỡ hoàn toàn đế chế tài chính của tỷ phú này.

Doanh nhân Xiao Jianhua từng là một đại gia có máu mặt trong ngành tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, 3 năm trước, Xiao mất tích bí ẩn tại khách sạn Four Seasons ở Hong Kong. Theo South China Morning PostTài Kinh, Xiao bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ.

Các nguồn tin này khẳng định hiện Xiao đang bị quản thúc tại gia ở Thượng Hải và chờ ngày ra hầu tòa vì tội gian lận tài chính. Và giờ, đế chế tài chính khổng lồ của Xiao đang bị chính quyền Trung Quốc phá vỡ. Theo New York Times, thông điệp của Bắc Kinh là rất rõ ràng. Đó là thời kỳ vay nợ ồ ạt đã chấm dứt.

Cuối tuần qua, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo tiếp quản hàng loạt hãng bảo hiểm và công ty ủy thác có quy mô hàng chục tỷ USD, trực thuộc Tập đoàn Tomorrow Group của tỷ phú Xiao. Các doanh nghiệp này bị cáo buộc lừa đảo cổ đông.

 Tỷ phú Xiao Jianhua tại Hong Kong hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Tỷ phú Xiao Jianhua tại Hong Kong hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Số phận bị định đoạt từ năm 2017

Trên thực tế, số phận của tỷ phú Xiao và Tomorrow Group đã được xác định vào buổi sáng 27/1/2017. Khi đó, Xiao bị đưa ra khỏi khách sạn Four Seasons ở Hong Kong bằng xe lăn. Cuối tuần qua, lần đầu tiên Tomorrow Group xác nhận Xiao có mặt ở đại lục và đang hợp tác với cơ quan điều tra.

Trong nhiều năm, Tomorrow Group và các công ty chân rết gây rất nhiều tò mò và đồn đoán tại Trung Quốc, bởi chủ sở hữu thực sự được che giấu bởi tầng tầng lớp lớp công ty bình phong. Cuối tuần qua, Tomorrow Group lên án "những lời bôi nhọ tàn độc" và chỉ trích Bắc Kinh cản trở hoạt động của tập đoàn này.

Theo New York Times, cú đòn giáng vào Tomorrow Group cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xác định những lỗ hổng của nền kinh tế đã dựa dẫm vào thói quen vay nợ ồ ạt để phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Trong vài tuần gần đây, CBIRC ra tay trừng phạt nhiều nhà tài phiệt bị cáo buộc sử dụng các ngân hàng và công ty bảo hiểm như "máy ATM cá nhân".

Ngoài tỷ phú Xiao, chính quyền Trung Quốc còn nhắm tới Wu Xiaohui, doanh nhân sở hữu khách sạn Waldorf Astoria tại New York (Mỹ). Năm 2018, hãng bảo hiểm Anbang Group của Wu bị tiếp quản. Sau đó, Wu nhận tội lừa dối các nhà đầu tư và bị xử 18 năm tù. Wu cũng phải nộp phạt 1,7 tỷ USD.

Tỷ phú Xiao Jianhua từng sở hữu khối tài sản lên đến 6 tỷ USD. Ảnh: NYT.

Xuất thân trong một gia đình bình dân, doanh nhân Xiao học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp, Xiao lao vào ngành tài chính và thành lập Tomorrow Group. Tập đoàn này thực hiện các giao dịch cho các đại gia giàu có và quyền lực nhưng thích ẩn danh.

Doanh nhân Xiao mua cổ phần của hàng loạt công ty trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, từ ngân hàng, bảo hiểm cho đến đất hiếm, than và bất động sản.

Những quả bom hẹn giờ

Tomorrow Group huy động tiền đầu tư từ những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, bao gồm đại gia bảo hiểm Ping An và những ngân hàng như Harbin Bank, Industrial Bank và Huaxia Bank.

Huxia Life, hãng bảo hiểm của Huaxia Bank, là một trong số những công ty bị chính quyền Trung Quốc tiếp quản cuối tuần trước. Càng ngày Xiao càng trở nên giàu có. Năm 2016, tạp chí Forbes ước tính doanh nhân này sở hữu khối tài sản lên đến 5,8-6 tỷ USD.

Năm 2012, chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi". Xiao bị xem là một "con hổ". Theo giới chuyên gia quốc tế, Tomorrow Group bành trướng quá nhanh và đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Biểu hiện rõ nhất là tập đoàn này nắm cổ phần lớn tại ngân hàng Baoshang và dùng nhà băng này để rót vốn vào hàng chục công ty.

Mọi khoản tiền Baoshang cho các công ty của Tomorrow Group vay đều bị che giấu, không được đưa vào sổ sách ngân hàng. Năm ngoái, mọi việc vỡ lở, Baoshang trượt tới bờ vực phá sản. Bắc Kinh buộc phải can thiệp. Lần đầu tiên trong 20 năm, chính quyền Trung Quốc tiếp quản một ngân hàng.

Chính phủ Trung Quốc phải tiếp quản ngân hàng Baoshang hồi năm ngoái. Ảnh: WSJ.

Các chuyên gia tài chính quốc tế cho biết đằng sau hệ thống tài chính Trung Quốc là khối nợ hàng nghìn tỷ USD. Trong đó, một phần rất lớn là các giao dịch bí mật được thực hiện bởi cổ đông kiểm soát những ngân hàng như Baoshang. Năm ngoái, hai ngân hàng Trung Quốc sụp đổ và chính phủ phải giải cứu. Một số nhà băng khác đang là "bom hẹn giờ", có thể nổ bất kỳ lúc nào.

Trong tuyên bố cuối tuần trước, Tomorrow Group vẫn bày tỏ niềm tin vào tương lai, bất chấp động thái mạnh tay của chính phủ. "Sau 3 năm gập gềnh, niềm tin của chúng tôi vẫn nguyên vẹn", tập đoàn này khẳng định. "Chúng tôi tin rằng mọi nỗ lực sẽ được tưởng thưởng, và Tomorrow Group sẽ nhận được kết quả công bằng".

An Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-trung-quoc-pha-vo-de-che-khong-lo-cua-ty-phu-mat-tich-post1108642.html