Tại sao Trung Quốc bất ngờ đề nghị bắt tay Hy Lạp trong cuộc chiến tranh giành bộ sưu tập tượng Parthenon với Anh?

Hy Lạp và Trung Quốc đều có nhiều hiện vật văn hóa và lịch sử bị đưa ra khỏi đất nước một cách trái phép trong quá khứ.

Phát biểu trong chuyến công du tới Hy Lạp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho hay, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Hy Lạp lấy lại các bức tượng Parthenon tranh cãi, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở thủ đô London.

Còn có tên gọi là các bức cẩm thạch Elgin, đây là những tác phẩm điêu khắc làm từ đá cẩm thạch và từng được dùng để trang trí tại đền thờ Partheon từ thời Hy Lạp cổ đại. Hơn 200 năm trước chúng được Đại sứ Anh dưới Đế chế Ottoman là Bá tước Elgin đem về nước Anh.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hy Lạp đã nhiều lần yêu cầu được lấy lại các tác phẩm trên nhưng đều không thành công. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair từng nói, các bức tượng thuộc về Bảo tàng Anh; còn năm 2014, bảo tàng này tuyên bố, bộ sưu tập Elgin là "một phần trong di sản được chia sẻ của thế giới và đã vượt qua các biên giới chính trị".

Một phần bộ sưu tập Parthenon tại Bảo tàng Anh (ảnh: Getty)

Một phần bộ sưu tập Parthenon tại Bảo tàng Anh (ảnh: Getty)

Khi đi cùng Chủ tịch Tập thăm quan Bảo tàng Acropolis, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos giới thiệu: "Vị trí của các bức tượng cẩm thạch Parthenon là ở đây chứ không phải là Bảo tàng Anh". Ông Pavlopoulos cũng nhấn mạnh, việc Bảo tàng Anh giữ bộ sưu tập là hoàn toàn bất hợp pháp.

"Tôi hoàn toàn đồng ý với ông", Chủ tịch Trung Quốc đáp trả, đồng thời cam kết sẽ giúp đỡ Athens trong "cuộc chiến đòi lại các tác phẩm cẩm thạch Parthenon".

"Ông không chỉ có sự ủng hộ của tôi, chúng ta nên hợp tác cùng nhau", ông Tập cho hay. "Bởi vì chúng tôi có rất nhiều cổ vật ở nước ngoài và chúng tôi đang cố gắng để mang chúng về quê nhà càng sớm càng tốt".

Hồi tháng 3, Italy công bố trả lại gần 800 bình và các tác phẩm điêu khắc bằng gốm cho Trung Quốc (ảnh: Getty)

Mặc dù kiên quyết giữ lại các bức tượng Parthenon nhưng cuối năm ngoái, Bảo tàng Anh gây chú ý khi trao trả lại cho Nigeria một bộ sưu tập các cổ vật bằng đồng, sau khi chúng bị đánh cắp từ Vương quốc Benin từ hơn một thế kỷ trước. Hồi tháng 6, một phái đoàn của Bảo tàng Anh cũng đã tới Đảo Phục sinh để thảo luận về việc trả lại bức tượng nổi tiếng Hoa Hakananai'a và một số cổ vật khác.

Bắc Kinh từ lâu cũng liên tục thúc đẩy việc tìm lại các cổ vật bị đánh cắp hoặc buôn lậu. Chỉ riêng trong năm 2019, một loạt các cổ vật Trung Quốc như đồ gốm và đồ đồng đã được "hồi hương" từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Italy. Trung Quốc cũng đã ký kết hiệp định với hơn 20 nước nhằm đối phó với nạn trộm cắp, khai quật và buôn lậu trái phép các cổ vật văn hóa.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-sao-trung-quoc-bat-ngo-de-nghi-bat-tay-hy-lap-trong-cuoc-chien-tranh-gianh-bo-suu-tap-tuong-parthenon-voi-anh-20191113160224687.htm