Tại sao Triều Tiên đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Diễn biến xung quanh tuyên bố mới đây của Triều Tiên đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến số phận cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ngày 12/6.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Theo đó, ngày 16/5, Triều Tiên thông báo đơn phương hủy các cuộc đàm phán liên Triều nhằm phản đối cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul.

Sau đó, cũng trong ngày 16/5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan trong một thông cáo báo chí nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ xem xét lại việc tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu như Mỹ ép Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhưng trong một cuộc họp báo với phóng viên tại Nhà Trắng, Thư ký báo chí Sarah Sanders đã giảm mức độ trầm trọng trong các tuyên bố của Triều Tiên và bày tỏ sự lạc quan rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn sẽ tiếp tục diễn ra như kế hoạch.

Sau đó, Tổng thống Trump cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ xem xét chuyện gì xảy ra”. Những diễn biến trên đã làm dấy lên một loạt câu hỏi quan trọng: Tại sao Triều Tiên đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim?

Đây là một phần trong chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” điển hình của Triều Tiên vốn thường xuyên được sử dụng trong các cuộc đàm phán, bằng cách đe dọa không tham dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới hoặc cố gắng tạo đòn bẩy để có thêm sự nhượng bộ từ Mỹ hay đang nỗ lực để chuyển đổi những điều khoản cơ bản của các cuộc đàm phán.

Đây là việc mà các quan chức Triều Tiên lặp đi lặp lại trong suốt các cuộc đàm phán 6 bên và đàm phán hiệp định khung năm 1994 dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Sau khi ấn định được thời gian và địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh, theo lẽ tự nhiên các bên đàm phán sẽ chuyển sang các vấn đề quan trọng khác.

Triều Tiên có thể đã quyết định rằng đây là một cơ hội then chốt để đẩy lùi vấn đề phi hạt nhân hóa và loại bỏ bất kỳ sự thảo luận nào (hoặc sức ép nào từ Mỹ) về các thủ tục thẩm tra cần thiết trong quá trình phi hạt nhân hóa. Triều Tiên cũng có thể sử dụng cơ hội này để thể hiện sự không hài lòng của họ với một loạt vấn đề.

Bình Nhưỡng cũng có thể cảnh báo Mỹ không được nhắc đến vấn đề nhân quyền trong các cuộc đàm phán. Tuyên bố của Triều Tiên cho biết họ quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán liên Triều vì Hàn Quốc đã cho phép “một kẻ cặn bã” (cựu Phó Đại sứ Triều Tiên đào tẩu Thae Yong Ho) phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc.

Ông Thae Yong-ho đã lên án công khai về các vi phạm nhân quyền của Triều Tiên trong quá khứ và liên tục lập luận rằng Kim Jong-un sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Đây có thể là lời cảnh báo đồng thời tới cả Seoul (nhằm không cho ông Thae được phát biểu công khai) và tới Washington (nhằm không cho các nhà đàm phán đưa ra vấn đề nhân quyền tại hội nghị thượng đỉnh.

Liệu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ vẫn diễn ra? Câu trả lời là có thể diễn ra vì có vẻ như cả Donald Trump và Kim Jong-un đều được giao nhiệm vụ tham gia hội nghị và việc hủy bỏ vào thời điểm này sẽ khiến cả hai mất mặt.

Ông Trump đang "đặt cược" sự nghiệp chính trị vào thương vụ giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, còn Kim Jong-un cũng đã thông báo về hội nghị thượng đỉnh cho người dân của mình. Ở giai đoạn này, mỗi bên sẽ phải đưa ra một lý do thỏa đáng để hủy bỏ hội nghị và cũng sẽ có nguy cơ quay trở lại xung đột tiềm ẩn trên bán đảo Triều Tiên nếu các cuộc đàm phán hội nghị thất bại.

Hiện tại, nếu Tổng thống Trump và đội an ninh quốc gia của ông tiếp tục giữ những cái "đầu lạnh" và không phản ứng quá mức với "vở kịch" mới nhất này của Triều Tiên, các cuộc đàm phán có thể sẽ được tiến hành mà không có những trở ngại đáng kể nào.

Vậy nguyên nhân gì sẽ khiến hội nghị bị hủy bỏ? Các cuộc đàm phán có thể sụp đổ nếu Mỹ và Triều Tiên không thể thu hẹp sự khác biệt về cái gọi là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán của hội nghị thượng đỉnh cũng có thể bị trệch hướng nếu các bên không thống nhất được những gì sẽ được thảo luận cụ thể trong hội nghị và những nhượng bộ mà mỗi bên sẵn sàng thực hiện.

Bất chấp sự khó đoán định của cả hai nhà lãnh đạo, Donald Trump hay Kim Jong-un đều có thể quyết định vào phút cuối rằng hội nghị thượng đỉnh không nằm trong lợi ích quốc gia lẫn lợi ích cá nhân của họ, do đó, họ có thể hủy bỏ cuộc gặp lịch sử này.

Có vẻ chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi xem hội nghị có diễn ra hay không và riêng với Triều Tiên, không có điều gì là chắc chắn cho tới ngày họ ngồi vào bàn đàm phán./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tai-sao-trieu-tien-de-doa-huy-bo-hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu-/85483.html