Tại sao tôm càng đỏ bị cấm nuôi ở Việt Nam?

Tôm hùm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tôm càng đỏ mười chân (còn gọi là tôm hùm đỏ) là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai bị du nhập vào Việt Nam vài năm nay theo dạng thực phẩm tươi sống.

Tôm hùm càng đỏ là loài thủy sản có sức chống chịu cao, dễ thích nghi, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm. Khi ra ngoài môi trường, tôm càng đỏ sinh sôi nhanh chóng, ăn tạp nên phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, đồng thời có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Vì vậy, Bộ NNPTNT kêu gọi, khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại này.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.

Tôm hùm đỏ được nhập từ Trung Quốc trong các thùng xốp trọng lượng 20kg/thùng. 1kg tôm được khoảng 32 - 30 con. Thời gian gần đây, loại tôm hùm đất này gây sốt trên thị trường, được rao bán công khai qua mạng, nhiều khách hàng đặt mua vì vị ngon, giá rẻ. Tuy nhiên, người mua đều không biết những tác hại mà loại tôm ngoại lai này gây ra với môi trường và ngành chăn nuôi thủy sản trong nước.

Do những đặc điểm sinh học trên, nên cho đến nay, tôm hùm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tai-sao-tom-cang-do-bi-cam-nuoi-o-viet-nam-734282.ldo