Tại sao tiêm kích Su-27SM3 giữ vai trò chủ lực tại Kaliningrad?

Tạp chí Mỹ Military Watch của Mỹ đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến động thái điều động quân tới Kaliningrad, được Nga thực hiện trong thời gian gần đây.

Khu vực Kaliningrad của Nga là một trong những nơi được quân sự hóa nhiều nhất do tiềm ẩn nguy cơ bị tổn thương, nó nằm tách biệt khỏi Liên bang Nga và nằm trên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Lithuania, ấn bản của Military Watch của Mỹ viết.

Kaliningrad là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Baltic, tên lửa chống hạm ven biển, các đơn vị xe tăng và pháo binh, hệ thống tên lửa Iskander-M và S-400. Từ trên không, khu vực này được bao phủ bởi tiêm kích đa năng Su-27SM3 lợi hại. Chúng được trang bị tên lửa không đối không tầm trung R-77 (tầm bắn lên đến 110 km).

Vào tháng 12/2020, các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ Su-30SM cũng xuất hiện ở đó. Trên thực tế, Kaliningrad có một chỗ đứng vững chắc sâu trong hàng phòng ngự của Liên minh quân sự NATO.

Trong những năm qua, chính những chiếc Su-27 cải tiến là nguyên nhân gây ra nhiều rắc rối nhất cho các phi công NATO. Su-27 được Liên Xô sử dụng vào năm 1985, chúng được thiết kế chủ yếu cho tác chiến trên không, vì vậy khả năng tấn công mặt cóhạn chế.

Xét về khả năng, báo chí Nga cho rằng Su-27 vượt trội so với F-15 Eagle của Mỹ, được thiết kế để giành ưu thế trên bầu trời. Moskva hiện vẫn còn 150 chiếc trong số các phương tiện chiến đấu loại này.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu chiếc Su-27SM3 được triển khai ở Kaliningrad. Cũng không rõ tại sao Nga chưa điều động Su-35S thuộc thế hệ 4++ vốn được đánh giá cao hơn Su-27SM3 tới điểm nóng, lý do có lẽ là bởi Moskva vẫn tin tưởng vào dòng chiến đấu cơ cũ đủ sức.

Tiêm kích đa năng Su-27SM3 của Không quân Nga

Tiêm kích đa năng Su-27SM3 của Không quân Nga

Su-27SM3 sau nâng cấp đã được trang bị radar N035 Irbis giống như Su-35, có thể theo dõi đồng thời 30 mục tiêu trên không và đánh trúng 8 mục tiêu trong số đó.

Ngoài ra Su-27SM3 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 400 km, và máy bay tàng hình ở cự ly hơn 80 km. Khung thân Su-27SM3 được gia cố cho phép tăng trọng tải thêm 3 tấn, và số lượng giá treo tăng từ 8 lên 12, tức là gấp 2 lần F-16 và gấp 3 lần F-35.

Su-27SM3 nhận được động cơ hiệu suất cao AL-31F-M1 để tăng phạm vi và đặc tính bay, cũng như lắp buồng lái kính hoàn toàn với 4 màn hình hiển thị đa chức năng. Tổ hợp liên lạc mới đã được tích hợp vào chúng và yêu cầu bảo trì đã được giảm bớt.

Nhiều khả năng các máy bay chiến đấu này cũng sẽ được điều chỉnh để sử dụng vũ khí tiên tiến hơn. Ví dụ tên lửa tầm xa (trên 300 km) R-37M sẽ xuất hiện trên chúng. Do đó, tiềm năng hiện đại hóa của các máy bay này vẫn chưa cạn kiệt.

Su-27SM3 không phải là những chiếc Su-27 cũ và có thể được coi là một máy bay chiến đấu thế hệ 4+ một cách an toàn, với khả năng tương tự Su-35. Chúng có thể thực hiện cuộc tấn công hiệu quả hơn nhằm vào các mục tiêu trên bộ. Việc sử dụng Su-27SM3 ở Kaliningrad cho thấy Quân đội Nga tin tưởng phương tiện tác chiến nói trên.

Truyền thông Nga chưa cho biết Su-27SM3 sẽ tiếp tục được triển khai trong bao lâu và liệu các máy bay chiến đấu mới nhất của Nga có xuất hiện ở đó hay không, điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình quan hệ giữa Nga và NATO, tờ báo Mỹ kết luận.

Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tai-sao-tiem-kich-su-27sm3-giu-vai-tro-chu-luc-tai-kaliningrad/20210226125729605