Tại sao Thủ tướng Đức chấp nhận hứng bão chỉ trích chỉ vì không muốn làm Trung Quốc 'mếch lòng'?

Tờ Financial Times đăng tải, Thủ tướng Angela Merkel đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước vì đã không thực thi một lập trường cứng rắn trước Trung Quốc sau khi quốc gia châu Á áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

"Những gì chính phủ Đức nói với Hong Kong hoàn toàn là tối thiểu và không hề đủ", ông Norbert Rottgen, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, đồng thời là một nhân vật nổi bật trong Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel tuyên bố. Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo người dân "đặc biệt thận trọng" về việc đăng tải bình luận chỉ trích Trung Quốc trên mạng xã hội. Theo cơ quan này, họ không thể "hoàn toàn loại trừ" khả năng luật an ninh mới sẽ được sử dụng nhằm vào những công dân Đức đang sinh sống và làm việc tại Hong Kong. Ông Rottgen cũng cáo buộc khuyến nghị di chuyển mới là khuyến khích "tự kiểm duyệt".

Bà Merkel bị chỉ trích là có thái độ quá mềm mỏng trước Trung Quốc (ảnh: getty)

Bà Merkel bị chỉ trích là có thái độ quá mềm mỏng trước Trung Quốc (ảnh: getty)

Trong tháng 7, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện "những quan ngại sâu sắc" sau khi Trung Quốc triển khai luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong. Các thành viên EU cảnh báo, đạo luật mới "đe dọa phá hoại nghiêm trọng mức độ tự trị cao của Hong Kong", đồng thời có một ảnh hưởng "bất lợi tới sự độc lập trong tư pháp và nền pháp trị" của thành phố.

Thông điệp trên được Thủ tướng Merkel nhắc lại trong một buổi họp báo tuần trước. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ ra yêu cầu cần phải "tìm kiếm đối thoại" với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc "tôn trọng lẫn nhau" và một "mối quan hệ của niềm tin".

Người đứng đầu chính phủ Đức còn khẳng định, việc tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh trong vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển quan hệ với châu Phi – nơi "cả Trung Quốc và chúng ta đều tham gia tích cực", chính là lợi ích của châu Âu.

Tuy nhiên, theo một số chính trị gia có lập trường cứng rắn trước Trung Quốc, thay vì nhấn mạnh vào yêu cầu hợp tác, bà Merkel nên trực tiếp lên án Bắc Kinh về đạo luật an ninh quốc gia mới.

Các chính trị gia trên so sánh các phát biểu của bà Merkel với phản ứng cứng rắn từ phía Anh và Mỹ. London tuyên bố sẽ mở rộng cửa công nhận quốc tịch Anh cho gần 3 triệu người Hong Kong; trong khi Washington sẽ cấm các công ty xuất khẩu vũ khí và công nghệ nhạy cảm tới vùng lãnh thổ sau quyết định hủy bỏ vị thế đặc biệt mà Hong Kong từng sở hữu kể từ khi quay trở lại với Trung Quốc vào năm 1997. Ngoài ra, cả Canada cũng bày tỏ thái độ quyết liệu khi dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, đồng thời đe dọa sẽ coi các hàng hóa nhạy cảm được xuất khẩu tới Hong Kong như chúng được xuất khẩu tới đại lục Trung Quốc.

"Chính sách Trung Quốc của bà Merkel đang tụt hậu so với thời cuộc", phát ngôn viên về chính sách đối ngoại Nils Schmid của Đảng Dân chủ Xã hội – một thành viên trong chính phủ liên minh của Đức, cho hay. "Bà ấy vẫn đi theo ý tưởng hội tụ rằng, khi chúng ta tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, họ sẽ trở nên cởi mở và hướng phương tây hơn. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng nữa".

Trong phần lớn 15 năm cầm quyền của mình, bà Merkel luôn thể hiện sự tích cực trong "mối quan hệ chiến lược" với Trung Quốc cũng như thường xuyên tán thưởng quan hệ kinh tế toàn diện giữa hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với giá trị thương mại song phương đạt 200 tỷ euro trong năm 2018.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hồi tháng 1, bà Merkel hết lời biện hộ cho mối quan hệ thân thiết Đức-Trung. Từng 12 lần tới thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đức cho hay, bà phản đối "nhận định Trung Quốc là một mối đe dọa đơn giản là vì họ [Trung Quốc] rất thành công về mặt kinh tế".

Tuy nhiên, nhiều nhà vận động chính trị và nghị sỹ phe đối lập cáo buộc bà Merkel đã không lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc do lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa hai nước.

"Đối với tất cả những lợi ích mà chính sách Trung Quốc của bà Merkel đã đem lại trong quá khứ, những ngày này nó đang trở nên không còn phù hợp", nghị sỹ Đảng Xanh Reinhard Butikofer đánh giá. "Bà ấy không hiểu rằng, đối thoại với một đối thủ mang tính hệ thống sẽ khác biệt rất nhiều so với những đối thoại mà chúng ta có với Trung Quốc từ 10 năm trước".

Theo ông Butikofer, Đức nên noi gương Anh và chấp nhận người tị nạn Hong Kong, cũng như thúc đẩy kế hoạch thành lập một đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Hong Kong.

"Đây là một bài kiểm tra về độ tin cậy của Đức trong việc hình thành một chiến lược của châu Âu trước Trung Quốc", ông Butikofer nói. "Đó là một bài kiểm tra về cách chúng ta đối phó với lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên thế giới. Chúng ta muốn ra tín hiệu rằng, chính sách Hong Kong của Trung Quôc sẽ gây hại cho hình ảnh quốc tế của họ".

Ý kiến trên nhận được sự đồng tinh từ một chính trị gia có tiếng nói khác trong Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo là David McAllister. "EU nên sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để phản ứng trước Trung Quốc bằng các biện pháp kinh tế", người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu nói với từ Die Welt. "Nên có một phản ứng được điều phối với các đối tác quốc tế khác để gia tăng áp lực lên Bắc Kinh".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-sao-thu-tuong-duc-chap-nhan-hung-bao-chi-trich-chi-vi-khong-muon-lam-trung-quoc-mech-long-20200707171437958.htm