Tại sao thời đại 'hậu sự thật' đe dọa văn minh con người?

Nếu tham gia đời sống mạng, chìm vào một biển cả cảm xúc, một biển cả thông tin mạng, chắc chắn đã có lúc bạn phân vân: rốt cuộc đâu là thực, đâu là ảo?

Nhưng bản thân câu hỏi ấy đã ít nhiều lạc hậu, bởi có vẻ như trong thời đại "hậu sự thật" (post-truth era) hiện nay, thật - ảo không còn quá quan trọng nữa. Điều quan trọng là mức độ lan tỏa cảm xúc, lan tỏa thái độ, lan tỏa quan điểm mà cái mớ hỗn độn thật - ảo có thể tạo ra.

Vấn đề "hậu sự thật" (post - truth) nghiêm trọng đến mức năm 2016 cuốn từ điển danh tiếng Oxford English Dictionary đã chọn nó làm từ ngữ của năm, ám chỉ đến những tình huống mà sự thật khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân.

Năm 2016, đông đảo người dân nước Anh sôi lên với một thông tin: mỗi tuần nước này mất tới 350 triệu bảng cho EU.

Và thế là hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải mất tới 350 triệu bảng cho EU mà không thể dùng 350 triệu bảng để hỗ trợ cho người nghèo trong nước? Tại sao lại phải đổ một khoản tiền không nhỏ ấy ra ngoài thay vì đầu tư nó cho những công trình y tế nội địa? Cả một phong trào mạnh mẽ kêu gọi người dân bỏ phiếu để nước Anh sớm rời khỏi EU (brexit) xuất hiện.

Brexit khi đó không chỉ xuất hiện trên mạng ảo, không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, mà còn được tiền hô hậu ủng bởi những phát ngôn của những chính trị gia dân túy. Kết quả: Brexit đã được thông qua.

Và ngay sau khi nó được thông qua, một sự thật trần trụi được chứng minh: con số 350 triệu bảng/tuần là con số dối trá. Thế đấy! Sự dối trá đã đánh lừa số đông, đã dẫn dắt số đông và đã tạo ra những phán quyết số đông, không thể nào kháng cự lại.

Nhưng Brexit ở Anh chỉ là một điển hình cho rất nhiều những trường hợp tương tự khác của thời đại "hậu sự thật" đang bùng nổ toàn cầu, chứ không chỉ là vấn đề riêng của một quốc gia, một vùng dân cư cá biệt nào.

Thật ra thì chẳng phải đến thế kỷ 21 này, ngay ở thời Xuân Thu - Chiến Quốc xa xưa tại Trung Quốc, những mầm mống sâu xa của "post - truth" cũng đã xuất hiện, và khiến người ta phải suy ngẫm. Chuyện Tăng Sâm giết người chẳng hạn.

Khi người đầu tiên chạy đến báo tin cho bà mẹ Tăng Sâm rằng con trai bà đã giết người thì bà vẫn điềm nhiên ngồi dệt cửi, vì bà quá hiểu và quá tin vào bản chất hiền lành của con mình.

Khi người thứ hai cũng đến bảo "Tăng Sâm giết người" thì niềm tin ấy không vì thế mà thay đổi. Nhưng khi người thứ 3 tiến đến và vẫn lặp lại cái mệnh đề "Tăng Sâm giết người" thì bà đã cuống cuồng quăng thoi, trèo tường chạy trốn. Có nghĩa, cái tính chất "hậu sự thật" đã tác động, làm thay đổi thái độ và hành động của bà mẹ Tăng Sâm.

Nhưng ở cái thời xa xưa ấy, "hậu sự thật" chỉ có thể đánh lừa được một bà mẹ/ một gia đình/ một bản làng cho đến trước khi nó được xác minh bởi quan lại và chính quyền địa phương.

Thời ấy, bà mẹ Tăng Sâm không chơi facebook, nên không phải chứng kiến cái cảnh chỉ sau vài giây đã phải đối diện với cả chục, cả trăm cái status mang nội dung "Tăng Sâm giết người" như nó hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại hôm nay.

Giả như phải đối diện với cảnh này, đừng nói đến việc quăng thoi, trèo tường chạy trốn, bà mẹ Tăng Sâm có thể khủng hoảng tới phát điên, phát dại cũng chưa biết chừng.

Có hai yếu tố quan trọng tạo nên cả một thời đại "hậu sự thật" khôn lường hôm nay. Thứ nhất là mạng xã hội với tốc độ truyền tin có thể sánh ngang với tốc độ ánh sáng. Thứ hai là những tin tức thật - giả hỗn độn, trong đó tin giả, tin đồn, tin được tạo dựng với mục đích tiêu cực trở thành trọng điểm.

Ở xã hội Việt Nam trước đây, nếu tin đồn - tin vịt được gọi nôm na là "tin vỉa hè", vì được nảy sinh và lan truyền chủ yếu từ những quán nước vỉa hè thì bây giờ đặc điểm "vỉa hè" được thay thế bằng đặc điểm mới toanh: "không gian mạng".

Nếu ở những quán nước vỉa hè, cơ chế truyền tin đơn giản là đi từ cái miệng này sang cái miệng khác thì ở trong "không gian mạng" cơ chế truyền tin lại đi từ cái tay gõ phím này đến cái tay gõ phím khác.

Từ vỉa hè - truyền miệng đến facebook - gõ phím là sự khác biệt của cả một ngàn năm và hai thế giới. Và hẳn nhiên, cái thế giới thứ 2 này nhanh hơn, tác động số đông lớn hơn, tạo ra những quyền lực đám đông khủng khiếp và khôn lường hơn rất nhiều.

Thế giới thứ 2 này còn có những "trung tâm truyền tin" mà thế giới thứ nhất chưa từng có, và không bao giờ có, đó là những người tạo được cảm tình với số đông.

Họ có thể là nghệ sĩ, là nhà báo, là công chức, là dân kinh doanh..., tóm lại là bất cứ ai có khả năng "ngửi mùi" số đông và biết cách "chọc" vào những vấn đề mà số đông quan tâm, chú ý. Chính số đông đã tạo ra giá trị của họ, và đến lượt mình họ lại dẫn dắt, định hướng ngược trở lại số đông.

Nhà tâm lý học Christopher Nass của Trường Đại học Stanford đã có những nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này và rút ra kết luận, càng hung hăng chỉ trích và càng thường xuyên đề cập đến những vấn đề tiêu cực của xã hội thì càng dễ có cơ hội trở thành những người như vậy.

Vì, tâm lý chung nằm trong bản chất con người - một động vật bậc cao, là luôn tò mò với những thứ tiêu cực, luôn bị lôi cuốn với những phản ứng quyết liệt, hung hăng. Ngược lại, những giá trị tích cực và những giọng điệu ôn tồn, điềm đạm, cho dù có lý luôn bị số đông xem nhẹ.

Ảnh: L.G.

Còn một điều nữa mà mặc dù Christopher Nass không kết luận nhưng những nhà nghiên cứu truyền thông phương Tây đều đã nhất trí, đó là độc giả của mạng xã hội luôn có xu hướng tin vào những người mà mình có cảm tình (bất kể nội dung của nó) hơn là tin vào những người bình thường khác (cho dù nội dung chí lý, rạch ròi).

Câu hỏi đặt ra, vậy thì vai trò của các nguồn tin chính thống nằm ở đâu? Sau vụ Brexit ở Anh, Tổng biên tập Katharine Viner của tờ Guardian đã gọi đấy là một thất bại điển hình của báo chí chính thống, những tờ báo mà suốt những năm trước đó đã tạo dựng tiếng tăm bằng chất lượng thông tin và giá trị của sự thực.

Vì báo chí chính thống, cả báo in, truyền hình lẫn phát thanh đều luôn đi sau mạng xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, nhiệm vụ của báo chí chính thống chỉ là đi cải chính những thông tin hư hư - thực thực mà mạng xã hội đã lan truyền. Và cũng trong rất nhiều trường hợp, việc chờ đợi báo chí chính thống điều tra - xác minh - cải chính cũng chẳng khác gì cảnh "chờ được vạ thì má đã sưng".

Mà ở thời đại "hậu sự thật", có ti tỉ những kỹ năng khiến cho không chỉ "má sưng", mà thậm chí "má bị phá hủy", đến nỗi khi sự thật được xác minh thì má ấy, mặt mũi ấy, thân hình ấy không có bất cứ cơ hội nào khôi phục lại.

Hậu sự thật có thể diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa - giải trí, giáo dục - y tế cho đến chính trị, và tạo ra những khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Khi quá nhiều người đồng loạt "đánh" một ông bộ trưởng vì một vấn đề vốn xuất hiện từ đời bộ trưởng cũ mà bản thân bộ trưởng đương nhiệm đang cố gắng giải quyết thì rõ ràng bộ trưởng đương nhiệm phải chịu đựng những tổn hại không đáng có.

Thậm chí không loại trừ khả năng vì bị "đánh" quá mà ông mất chức trước khi kịp khắc phục những tồn đọng do người tiền nhiệm tạo ra. Khi quá nhiều người "đánh" một giáo sư khả kính về những sáng tạo giáo dục mà thực sự là trước khi "đánh" rất nhiều người cũng không có nhu cầu tìm hiểu xem nó đúng hay sai (đơn giản chỉ thấy nó lạ) thì còn ai dám tiếp tục trưng ra những sáng tạo mới lạ của mình?

Và khi tất cả cùng "lên đồng" trước một phát ngôn gây sốc mà không chịu tìm hiểu nó là phát ngôn thật hay chỉ là sản phẩm dàn dựng thì rất có thể ngồi ở một góc tối nào đó, những kẻ xấu xa nào đó đang rung đùi, cười đắc ý vì đã hoàn thành mục tiêu.

Mạng xã hội gắn liền với sự bùng phát của "post-truth" rõ ràng đã làm lung lay nhiều nền tảng đạo đức và công lý. Vậy thì con người phải ứng xử như thế nào để không trở thành chú cừu trong cạm bẫy "post-truth" đáng sợ này?

Về mặt lý thuyết có 2 phương án tất yếu phải thực hiện: một là năng lực kiến tạo, giám sát của những nhà quản lý xã hội và những nhà công nghệ; hai là bản thân mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tạo dựng cho mình những kỹ năng phân tích thông tin, ứng xử với thông tin một cách duy lý và biện chứng.

Nhưng đấy có vẻ vẫn chỉ là những giải pháp mang tính lý thuyết trước một vấn đề rất mới, và rất hóc búa, chưa từng diễn ra trong lịch sử phát triển trước đó của con người.

Nghịch lý ở chỗ lịch sử phát triển loài người xét ở nhiều khía cạnh đều là lịch sử chiến đấu với sự giả dối, để bảo vệ và tôn vinh lẽ phải, thế mà lại có một ngày loài người phải đối diện với tình cảnh mà bản thân lẽ phải cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Phan Mỹ Chí

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tai-sao-thoi-dai-hau-su-that-de-doa-van-minh-con-nguoi-522396/