Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Palestine và lên án Israel?

Cuộc xung đột giữa Palestine và Israel tiếp tục leo thang với những diễn biến mới khi Thổ Nhĩ Kỳ công khai tham gia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan

Xung đột giữa Israel và Palestine đã leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây và đã xuất hiện một bước ngoặt đáng chú ý. Thổ Nhĩ Kỳ công khai can thiệp vào cuộc xung đột này khi Tổng thống Recep Erdogan gọi Israel là một "quốc gia khủng bố" và kêu gọi toàn thể cộng đồng thế giới ngay lập tức ngăn chặn Tel Aviv.

Chính quyền Ankara đang theo đuổi những mục tiêu nào và tại sao họ lại tham gia vào thêm một cuộc chiến ở Trung Đông?

Ngày 14/5, trong ngày lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số phát biểu gay gắt:

“Chúng tôi tức giận trước sự áp bức của nhà nước Israel “khủng bố”. Israel đã vượt qua tất cả các giới hạn... Đó là một nhiệm vụ vinh dự cho nhân loại để ngăn chặn Israel. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động. Sự tham gia của LHQ là điều kiện tiên quyết”.

Tổng thống Recep Erdogan đã cam kết hỗ trợ "Palestine và bảo vệ sự vĩ đại của Jerusalem". Lưu ý rằng Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trên Núi Đền, nơi cảnh sát Israel bắn đạn cao su vào đám đông biểu tình người Ả rập, là một trong những đền thờ chính của thế giới Hồi giáo.

Quay lại lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên công nhận sự xuất hiện của nhà nước Israel; quan hệ đối tác kinh tế khá chặt chẽ được duy trì giữa hai nước.

Chính quyền Ankara xuất khẩu kim loại thô và các sản phẩm kim loại, máy công cụ, ô tô và xe tải, đồng thời nhập khẩu công nghệ từ Tel Aviv chủ yếu cho mục đích quân sự.

Nhân tiện thông tin thêm, các UAV nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ đều mang "gen kỹ thuật của Israel". Mối quan hệ giữa họ bắt đầu xấu đi đáng kể sau khi Tổng thống Erdogan lên nắm quyền, người bắt đầu theo đuổi chính sách Hồi giáo nhất quán đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2007, Ai Cập và Israel đã thực hiện một cuộc phong tỏa chung đối với Dải Gaza, nơi liên tục có các cuộc pháo kích vào lãnh thổ của quốc gia Do Thái.

Cuộc phong tỏa này đã bị chỉ trích nặng nề bởi LHQ và lãnh đạo cao nhất của các nước Hoa Kỳ và Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tất cả các nước Ả Rập.

Theo Hội đồng Nhân quyền, phong tỏa đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế và các dịch vụ công cộng, gia tăng nghèo đói và thất nghiệp. Mặc dù có các cửa hàng tạp hóa, nhưng điều đơn giản là hầu hết người Palestine không có gì để mua.

Năm 2010 Phong trào Gaza Tự do của những người Palestine đã cố gắng vượt qua sự phong tỏa của Hải quân Israel, nhằm bảo vệ một đội viện trợ nhân đạo gồm sáu tàu tiến vào Gaza. Hải quân của Israel đã ngăn cản và xảy ra xung đột vũ trang với nhiều thương vong.

Điểm mấu chốt trong câu chuyện này là các tàu viện trợ nhân đạo được cử đi theo sáng kiến của Ủy ban Nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự cố này, quan hệ giữa Ankara và Tel Aviv xấu đi rõ rệt và Israel bắt đầu cảnh giác với Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Síp. Chính vì bối cảnh lịch sử này mà Tổng thống Erdogan lại càng trở nên tích cực trong việc chống Israel.

Dựa trên kinh nghiệm hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria, Libya và Azerbaijan, lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ thường hành động thông qua các lực lượng “ủy nhiệm” và hỗ trợ vũ khí.

Nhưng, với tình hình ở Gaza, Ankara sẽ gặp phải một vấn đề lớn vì vùng đất này vẫn trong điều kiện bị phong tỏa. Hải quân Israel đơn giản là sẽ không cho phép bất cứ chiếc tàu nước ngoài nào tiếp cận Dải Gaza. Điều tối đa mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm để giúp đỡ người Palestine là hỗ trợ tài chính cho họ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã vạch ra một kịch bản thực tế hơn nhiều, có thể là sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình nước này trong việc chia tách các bên ở Gaza như một phần của sứ mệnh quốc tế.

Nếu người Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Đông Jerusalem với lý do chính đáng như vậy, đó sẽ là một thắng lợi chính trị lớn cho Ankara, quốc gia đang tìm cách trở thành trung tâm thống nhất của toàn bộ thế giới Hồi giáo.

Kịch bản thứ hai là nghiêm trọng nhất và sẽ là không nên thực hiện đối với Ankara, nước này có thể gửi một đội tàu viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza với sự tháp tùng của lực lượng hải quân.

Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự với lực lượng Hải quân Israel và có thể sẽ có tàu của Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh chìm. Nhưng liệu đây có phải là một thất bại đối với Tổng thống Erdogan? Mặt khác, đây sẽ là một chiến thắng lớn về mặt hình ảnh.

Những người lính Thổ Nhĩ Kỳ chết trong một nỗ lực nhân đạo sẽ trở thành những anh hùng và bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan sẽ trở thành "người bảo vệ đức tin".

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành trung tâm thống nhất hùng mạnh của toàn bộ thế giới Hồi giáo, đất nước vốn không ngại chống lại Israel.

Đồng thời, Ankara sẽ nhận được sự ủng hộ để bắt đầu tạo ra kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, với sự giúp đỡ của đối tác Pakistan để kiềm chế sự xâm lược của Tel Aviv.

Vân Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-sao-tho-nhi-ky-cong-khai-ung-ho-palestine-va-len-an-israel-d507100.html