Tại sao thiếu vắng những người trẻ?

Một trong những thực tế nhãn tiền của phê bình văn học Việt Nam nhiều năm nay là sự 'hụt hơi' về lực lượng. Người tham gia viết phê bình văn học ở ta vốn chẳng được bao lăm, mà phần lớn trong số đó đều ít nhất đã chạm đến cái ngưỡng 'tri thiên mệnh'.

Những người này – gọi một cách ước định là các “nhà phê bình văn học già” – khi nhìn về thế hệ kế tiếp hẳn sẽ không tránh được những lúc phải giật mình. Vì cái gọi là các “nhà phê bình văn học trẻ” hiện nay - tạm quy ước họ ở độ tuổi từ 40 trở xuống - về số lượng, tôi có thể mạnh dạn khẳng định là không đếm hết số ngón trên hai bàn tay. Chuyện sẽ chẳng là gì cả nếu chúng ta coi phê bình văn học là thứ có cũng được mà không có cũng xong.

Nhưng nếu chúng ta chấp nhận với nhau rằng phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, là mặt thứ hai không thể tách rời của một tiến trình văn chương, thì rõ ràng sự “hụt hơi” về lực lượng của phê bình văn học Việt Nam hiện nay là điều cần phải được cắt nghĩa. Theo tôi, không khó để nhận ra vài nguyên nhân chủ yếu.

1. Sự “khô đạo” với văn chương. Điều này liên quan đến một thực tế xã hội mà lâu nay người ta vẫn chỉ định bằng cụm từ “sự xuống cấp của văn hóa đọc”.

Chẳng có dẫn chứng nào hùng hồn hơn cho sự xuống cấp của văn hóa đọc bằng cái việc ở một đất nước chín mươi triệu dân mà mỗi đầu sách văn học – cho dẫu đó là danh tác của thế giới – khi in ra thường chỉ ở mức một nghìn bản, và nếu leo lên đến con số vạn thì đã được xem như một thắng lợi lớn. Quy luật cung/ cầu của thị trường cho ta biết, đáp án của vấn đề nằm ở phía người đọc, nhất là những người trẻ tuổi.

Nhìn ở diện rộng, người trẻ tuổi ngày hôm nay đã khác người trẻ tuổi ngày hôm qua. Mặt bằng học vấn của họ có thể cao hơn thế hệ cha anh họ, nhưng tình yêu với văn chương, cái tinh thần ham đọc, sự háo hức của họ khi đi tìm sách hoặc sự vồ vập của họ trước cuốn sách đang cầm trên tay thì rõ ràng đã “tụt” thê thảm so với trước (đáng buồn là trong số đó không ít người đang hoạt động trong các ngành văn hóa).

Tôi không có tham vọng giải thích cho ra nguồn cơn chuyện này mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh sự “khô đạo” với văn chương đã ở mức báo động như vậy, thì mơ ước về một lực lượng hùng hậu của những người trẻ tuổi tham gia viết phê bình văn học sẽ chỉ là một mơ ước hão huyền. Bởi, nhà phê bình văn học trước hết phải là một người đọc, một người đọc chung thủy và đầy say mê với văn chương, như một người tình. Không thể khác thế.

2. Tính nghiệp dư của hoạt động phê bình văn học. Nếu hiểu khái niệm “chuyên nghiệp” theo nghĩa chật hẹp là “một nghề có thể giúp người ta sống được bằng việc thực hành chính cái nghề ấy”, thì tôi dám nói rằng ở Việt Nam chưa bao giờ có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp.

Từ trước đến nay, chẳng nhà phê bình văn học nào có thể sống được chỉ bằng việc viết phê bình. Họ - nhà phê bình văn học - vốn xuất thân là nhà báo, là nhà giáo, là biên tập viên ở các nhà xuất bản, là chuyên viên ở các viện nghiên cứu...

Họ sống bằng những nghề ấy và đến với phê bình văn học chỉ bởi tình yêu văn chương, bởi nhu cầu được chia sẻ sự quan tâm tới văn học của mình với những người khác. Nhưng, nếu những nhà phê bình văn học thế hệ trước có nhiều thời gian (ngoài công việc chính) dành cho việc viết phê bình hơn, thì những người trẻ tuổi có tiềm năng trở thành nhà phê bình văn học hôm nay lại rất eo hẹp về thời gian. Đúng hơn là đã có một sự khác đi về giá trị thực tế của thời gian trong đời sống.

Thế hệ trước (khi họ còn trẻ) hầu hết đều yên tâm sống với đồng lương công chức chẳng lấy gì làm dư dả của mình, thời gian (ngoài công việc chính) của họ về cơ bản là thời gian chết, nếu xét từ quan điểm sinh lợi. Còn với thế hệ trẻ hôm nay, gần như toàn bộ thời gian đã được huy động vào những công việc phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu đời sống - vốn đã trở nên phong phú gấp bội so với trước.

Vì thế, theo tôi, việc những người trẻ hôm nay viết phê bình văn học có thể phải được xem như một sự hy sinh thời gian. Đã là hy sinh thì chẳng mấy ai sẵn sàng, mà ngay cả những người có thể hy sinh thì không phải lúc nào cũng dám hy sinh. Một ví dụ: hơn chục năm trước, chắc nhiều người còn nhớ, một cây bút phê bình trẻ xuất hiện trên văn đàn. Sắc sảo, tài hoa, cây bút phê bình trẻ ấy khiến cho văn giới hy vọng ở anh một sự nghiệp phê bình văn học bề thế trong tương lai. Nhưng chỉ hai ba năm sau đó anh biến mất, và biến mất đến tận bây giờ.

Hỏi ra mới biết, nhà phê bình trẻ vốn là một nhà kinh doanh có thu nhập vài nghìn USD/ tháng, tức là khoảng 100, trên 100 USD/ ngày. Sẽ không có gì khó hiểu nếu anh từ chối bỏ ra dăm ba ngày, một tuần (hoặc hơn nữa) để viết một bài phê bình với mức nhuận bút 5 hoặc 6 trăm ngàn đồng (nếu được đăng).

Tôi tin rằng anh vẫn là một người đọc văn học lý tưởng, nhưng để một người đọc văn học trở thành một nhà phê bình văn học, điều kiện tiên quyết là anh phải đầu tư thời gian để viết ra cái đọc của mình. Đó mới thực sự là điều đáng nói.

3. In ở đâu? Ai đọc? Tôi cứ giả định rằng những người trẻ tuổi có tiềm năng trở thành nhà phê bình văn học hiện nay ai nấy đều sẵn sàng hy sinh thời gian cho việc viết phê bình. Nhưng lập tức có ngay một câu hỏi to đùng: in ở đâu?

Theo sự phân loại về phê bình văn học của Albert Thibeaudet, chúng ta có phê bình của các giáo sư, phê bình của các nghệ sỹ và phê bình của các nhà báo. Nhưng dù là phê bình của ai chăng nữa thì phương thức tồn tại và lưu truyền chủ yếu nhất của sản phẩm phê bình (bài viết) vẫn là ở trên mặt báo. Có điều, với báo chí đang vận hành trong cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay, phê bình văn học không phải “món” có thể giúp báo bán chạy nên cũng chẳng được hoan nghênh cho lắm.

Nếu báo có cần, là cần những bài điểm sách thật hấp dẫn chứ không phải cần những bài phê bình văn học giàu hàm lượng học thuật. Kể ra thì vẫn có một vài địa chỉ báo chí cho phê bình văn học, như tuần báo “Văn nghệ” hoặc tạp chí “Văn nghệ quân đội”.

Tuy nhiên, với một số trang hạn chế và một quan điểm (không công khai) về sự “tua vòng”, nhà phê bình văn học nào đó dù có viết khỏe đến mấy thì một năm cũng chỉ xuất hiện trên hai tờ báo này khoảng ba, bốn lần là cùng. Nghĩa là, về “đầu ra” của phê bình văn học, chẳng có mấy sự kích thích để những người trẻ tuổi muốn viết phê bình chịu lao vào công việc này.

Vẫn còn một câu hỏi nữa: nếu viết ra, được in, thì rồi ai sẽ đọc? Tôi đã đề cập sự “khô đạo” với văn chương ở phần trên của bài viết. Trong một không khí tiếp nhận nhạt nhẽo đến như vậy đối với sáng tác văn chương, người lạc quan nhất cũng chẳng thể hy vọng rằng phê bình sẽ được tiếp nhận theo một cách ít nhạt nhẽo hơn.

Có một điều tôi muốn nói thêm ở đây, rằng không chỉ là bạn đọc thông thường mới có thái độ nhạt nhẽo với phê bình, mà một bộ phận khá đông những người sáng tác ở ta cũng vậy.

Câu đầu miệng của họ mỗi khi nói đến phê bình là “chẳng có gì, chẳng liên quan, chẳng giúp được chút nào cho những người sáng tác chúng tôi”, nhưng tôi biết, không ít người trong số họ chẳng bao giờ chịu đọc cho trọn vẹn và cẩn thận một bài phê bình, trừ khi đó là bài viết ca ngợi tác phẩm của họ. (Xin được mở một ngoặc đơn để nói thêm về chuyện này: Những người sáng tác ấy, không hiểu sao, đa phần trong số họ rất thích thú với một giai thoại về cụ Nguyễn Tuân, và họ luôn nhai đi nhai lại câu cụ nói: Khi tôi chết hãy chôn theo cạnh tôi một nhà phê bình để tôi có bạn đặng còn cãi nhau dưới suối vàng cho đỡ buồn. Đấy là câu nói tầm phào, nhưng của một bậc thầy đích thực. Mà trên đời này thì có mấy bậc thầy đích thực đâu, nên cũng dễ thể tất).

Nói chung, câu hỏi “ai đọc?” vẫn luôn là một nan đề đối với những ai định viết phê bình văn học hiện nay. Tôi từng có dịp hỏi một nhà phê bình “già”, người đã có ba bốn mươi năm đeo bám, “ăn chịu” với nghề, rằng tại sao lâu nay không thấy ông viết. Trả lời: “Có ai thèm quan tâm đâu, viết để làm gì?”. Có lẽ, câu trả lời của nhà phê bình văn học “già” này cũng nên được xem như một trong những đáp án cho câu hỏi “Vì sao hiện nay lại thiếu vắng những người trẻ viết phê bình văn học?”.

Vĩ thanh

Mặc dù vậy, vẫn nên thống nhất với nhau rằng bao giờ và ở đâu cũng thế thôi, người viết phê bình (cả trẻ lẫn già) luôn gần như là một thứ của hiếm trong văn chương. Người ta không thể hình dung về những người viết phê bình như một trùng điệp đội ngũ được, và có lẽ đấy cũng chính là một trong những yếu tố làm nên cái “giá” nhất định của phê bình.

Cắt nghĩa, nhìn nhận những nguyên nhân của sự thiếu vắng những người trẻ viết phê bình là một chuyện, nhưng với cá nhân tôi, tôi tin tưởng vào những người và những gì mà phê bình trẻ Việt Nam hiện đang có.

Ở Viện Văn học là Đỗ Hải Ninh, Đoàn Ánh Dương, Trần Thiện Khanh. Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội là Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm. Ở Đại học Sư phạm Hà Nội là Trần Ngọc Hiếu. Ở Đại học Văn hóa là Mai Anh Tuấn. Ở Huế là Thái Phan Vàng Anh, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng. Rồi ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, Quảng Bình… Sơ sơ kể ra mấy bút danh phê bình trẻ như thế, lại thấy là đã quá số ngón trên hai bàn tay.

Hoài Nam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tai-sao-thieu-vang-nhung-nguoi-tre-609345/