Tại sao thầy giáo sờ mông nữ sinh thì không bị tội?

Đối tượng quan tâm không phải là ông thầy giáo và trách nhiệm hình sự của ông, vấn đề cần chú ý chính là các em học sinh ít nhiều đã bị xâm hại...

Nếu có một ngành luật nào bị nguyền bởi chính nguyên tắc của mình thì đó là luật hình sự. Bởi vì trái với yêu cầu được chứng minh một cách rõ ràng và phân minh, những biến cố trong đời sống thường mập mờ và không rõ ràng. Như vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang liên quan đến hành vi của thầy M đối với một số học sinh lớp 5A.

Nếu có một ngành luật nào bị nguyền bởi chính nguyên tắc của mình thì đó là luật hình sự. Bởi vì trái với yêu cầu được chứng minh một cách rõ ràng và phân minh, những biến cố trong đời sống thường mập mờ và không rõ ràng. Như vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang liên quan đến hành vi của thầy M đối với một số học sinh lớp 5A.

Cơ quan chức năng cho rằng qua xác minh thấy rằng thầy M. chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi đối với 14 học sinh nữ và một học sinh nam, ngoài ra thầy M. không có hành động nào khác. Các hành vi của thầy M qua xác minh như trên là chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).

Như nhiều sự việc tương tự gần đây, câu chuyện xảy ra với 15 em học sinh trong độ tuổi tiểu học này cũng là sự việc không có người chứng kiến, và người bị tác động là những đứa trẻ không thể tự ý thức rõ mình có đang bị xâm hại hay không.

Luật hình sự có định nghĩa về hành vi dâm ô là xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu với người bị xúc phạm. Nếu người nào trên 18 tuổi mà thực hiện hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị coi là tội phạm (Điều 146 BLHS hiện hành).

Như vậy, hành vi dâm ô khác với cưỡng dâm và hiếp dâm ở chỗ người phạm tội và người bị hại không có hành vi giao cấu. Nó có thể là bất kì hành vi nào, miễn là được thực hiện nhằm thỏa mãn một nhu cầu tình dục. Đây là một điều khó chứng minh một cách xác đáng, và pháp luật cũng không thể ban hành một "danh sách các hành vi" gọi là dâm ô.

Mọi chuyện còn có thể "lấp lửng" hơn nữa khi những hành động "nựng yêu" con nít ở xã hội ta vẫn được coi là bình thường, và vẫn có những cái "nựng" được xem là "chấp nhận được".

Trong vụ án này, công an huyện đã dựa vào biên bản làm việc với thầy DTM và các em học sinh, cũng như kết quả kiểm tra y tế. Kết quả cho thấy trên người của các học sinh không có "dấu vết nghi vấn", nhưng đã kết luận rằng thầy M. có hành vi "véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi,..." những học sinh này. Cơ quan điều tra đã dựa trên kết quả này để kết luận rằng không có cơ sở khởi tố ông DTM về tội dâm ô.

Theo cách hiểu của tôi, cơ quan điều tra đã loại trừ khả năng ông M. phạm tội dâm ô do ông M. đã không sờ vào vùng kín của các em học sinh, ngoài ra cũng không có các dấu vết hay tổn hại nào khác trên người của các em.

Tuy nhiên, nếu ông M. đã có những hành vi như trong kết luận thì vẫn có thể thấy dấu hiệu phạm tội dâm ô do chúng không loại trừ khả năng ông M. thực hiện chúng để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân. Tính nước đôi chính là điểm khó khăn trong những vụ việc như thế này.

Cơ quan điều tra tuy đã điều tra theo hướng thu hẹp hơn, nhưng trên thực tế, họ có quyền kết luận như trên, theo đúng pháp luật.

Dẫu vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng đối tượng cần được quan tâm không phải là ông DTM và trách nhiệm hình sự của ông, mà là các em học sinh ít nhiều đã bị xâm hại.

Các em đã bị ảnh hưởng như thế nào? Và làm sao để giúp các em không bao giờ phải gặp lại những tình huống này... là những vấn đề cần đặt ra bên cạnh việc giải quyết, xử lý hành vi của ông DTM.

ThS LÊ NGUYỄN NHẬT MINH (ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/tai-sao-thay-giao-so-mong-nu-sinh-thi-khong-bi-toi-820295.html