Tại sao thanh long Việt Nam lại chọn thị trường Trung Quốc để tiêu thụ?

Công ty xuất khẩu thanh long lớn ở Bình Thuận cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhu cầu lớn, lại gần Việt Nam nên rất dễ tiêu thụ, trong khi đó các thị trường khác đều gắt gao, đòi hỏi cao buộc phải nâng giá bán, khó cạnh tranh.

Liên quan đến tình trạng thanh long đang rớt giá nghiêm trọng, PV VTC News đã có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp trồng và kinh doanh xuất khẩu thanh long với quy mô lớn ở Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc dễ tiêu thụ

Nhận xét về thị trường xuất khẩu thanh long, ông Hiệp cho rằng Trung Quốc là nước ở gần Việt Nam, dân số đông nhất thế giới nên nhu cầu của thị trường này rất cao. Đó là lý do các mặt hàng của Việt Nam thường được tập trung vào thị trường Trung Quốc.

“Sản phẩm của mình rất dễ đi vào Trung Quốc vì thị trường gần, có thể đi qua đường biên giới, chi phí lại thấp nên giá thành sẽ không bị đội cao lên, dễ tiêu thụ.

Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường dễ tính vì không yêu cầu quá cao hay khắt khe về kiểm dịch thực phẩm cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, tư tưởng của người dân cũng như các nhà buôn, nhà kinh doanh thường tập trung vào thị trường Trung Quốc để tiêu thụ”, ông Hiệp chia sẻ.

Đóng gói thanh long để xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh: Người lao động)

Đóng gói thanh long để xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh: Người lao động)

Trong khi đó, thị trường khác dù tiềm năng nhưng lại ở xa nên việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Các thị trường này cũng được nhận xét là khó tính nên nhiều sản phẩm của Việt Nam không đủ chuẩn để tiếp cận.

“Việc khó tiếp cận các thị trường Âu – Mỹ tất cả đều do giá thành sản phẩm quyết định.

Ví dụ, như muốn nhập khẩu vào Mỹ phải chiếu xạ, Úc, Nhật, Hàn thì gia nhiệt nên giá thành đội lên rất cao. Khi giá thành cao thì sản phẩm khó bán vì không cạnh tranh được, dẫn đến việc nhập hàng vào các thị trường này giảm hẳn đi vì tiêu thụ không như mình mong muốn.

Doanh nghiệp cũng muốn tìm kiếm sang thị trường khác, nhưng nhu cầu của họ không nhiều, người ta không mua thì lấy gì anh bán?”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, nếu đi đến các thị trường xa sẽ rất mất thời gian. Trái thanh long từ khi thu hoạch, đến xử lý, đóng gói… cộng thêm thời gian vận chuyển bằng tàu biển từ Việt Nam sang các nước quá lâu. Nếu vận chuyển bằng máy bay thì số lượng không đáng kể, chi phí đội lên buộc giá thành cũng tăng cao.

Tuy nhiên thời gian qua thanh long tại những thủ phủ trồng loại quả này ở Việt Nam đang bị ứ hàng, không thể tiêu thụ.

Trong khi đó, với phương pháp bảo quản hiện nay của phần lớn các chủ vườn cũng như doanh nghiệp ở nước ta chưa thật tốt, nên khi bán tới thị trường xa thì hàng dễ bị hỏng.

“Doanh nghiệp lớn hoặc có nhiều nghiên cứu bảo quản tốt người ta mới dám đi vào thị trường xa. Tiếp theo là các chủ vườn, doanh nghiệp phải tuân thủ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do họ quy định thì mới vào được các thị trường đó”, ông Hiệp cho biết.

Ưu tiên phát triển thị trường nội địa

Trước tình trạng thanh long xuống giá và Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng loại cây này, ông Hiệp cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát vấn đề sản xuất và hạn chế gia tăng diện tích trồng thanh long. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng như Nhà nước cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm thị trường mới.

“Hầu như tỉnh thành nào ở Việt Nam cũng có trồng thanh long. Theo tôi chúng ta không nên tiếp tục trồng thêm nữa, diện tích thanh long quá lớn sẽ dẫn đến cung vượt cầu. Như vậy người dân sẽ thua lỗ, thậm chí là không thể thu được tiền”, ông Hiệp nói.

Diện tích trồng thanh long hiện nay đang được mở rộng.

Nhận xét về tình trạng thanh long Bình Thuận đang mất giá nhưng các tỉnh thành phía Bắc vẫn bán giá cao, ông Hiệp nhận định, có thể do công tác dịch vụ đưa hàng đến người tiêu dùng. Cùng với đó, thanh long cũng có nhiều dạng hàng khác nhau từ cao cấp đến phổ biến, vì vậy giá thành sẽ có mức chênh lệch khác nhau.

Đồng thời, nhận thấy nhu cầu nội địa cũng là một một thị trường tiềm năng, ông Hiệp nhận định nên tăng cường công tác chiến lược truyền thông nội địa, để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

“Hiện nay nhu cầu rau quả của thị trường nội địa rất lớn, nhưng do tính cách, bản chất của nhiều người là chuộng hàng ngoại, dù cho giá thành có thể rất cao và chất lượng có khi không bằng hàng nội, nhưng họ vẫn chọn mua.

Video: Thanh long rớt giá 1.000 đồng/kg, nông dân Bình Thuận đổ cho bò ăn

Trong khi đó, hàng nội địa cũng có nhiều loại chất lượng cao. Ví dụ thanh long có nhiều loại giá trị rất cao, rất an toàn, ngon – bổ - rẻ so với nhiều loại trái cây nhập ngoại khác.

Vì thế mình cần phải có công tác truyền thông mạnh mẽ dành cho hàng Việt Nam, để người dân ưu tiên dùng hàng nội địa. Ví dụ chỉ cần toàn dân mua thanh long thì sẽ không có tình trạng như vừa qua”, ông Hiệp nhận định.

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha và dự kiến còn tăng trong vài năm tới. Trong đó, Quảng Tây là tỉnh có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha.

Trung Quốc bắt đầu thu hoạch thanh long từ tháng 5 - 11 hàng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam. Chính vì vậy, thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra, khi thị trường tiêu thụ lớn nhất của nước ta là Trung Quốc.

Nhật Linh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-sao-thanh-long-viet-nam-lai-chon-thi-truong-trung-quoc-de-tieu-thu-d431145.html