Tại sao sách 'Những loài chim nước Mỹ' có giá tới chục triệu USD?

Dù có nhiều phiên bản, mỗi bản 'Những loài chim nước Mỹ' đều được bán hàng triệu, thậm chí lên tới chục triệu USD, lọt vào top sách đắt giá nhất thế giới.

Lâu nay, những cuốn sách đắt giá thường là độc bản, như những trang bản thảo viết tay của một tác gia, hay phiên bản siêu đặc biệt. Nhưng Những loài chim nước Mỹ - cuốn sách có tới gần 200 bản sao - luôn có giá cao cho mỗi lần giao dịch.

Trong đó, phiên bản đắt giá nhất từng bán lên tới 11,5 triệu USD. Một số phiên bản khác từng được bán với giá 9,65 triệu USD, 8,8 triệu USD và 7,9 triệu USD.

 Sách Những loài chim nước Mỹ chia làm 4 cuốn. Ảnh: Christie's.

Sách Những loài chim nước Mỹ chia làm 4 cuốn. Ảnh: Christie's.

Cuốn sách lớn nhất

Những loài chim nước Mỹ (The Birds of America) của tác giả John James Audubon được làm từ năm 1827 tới 1838. Cuốn sách gồm 435 tranh in vẽ 497 loài chim với kích thước thật của chúng.

Với kích thước 99 x 66 cm, chia làm 4 tập, Những loài chim nước Mỹ được coi là cuốn sách lớn nhất từng được làm. Ấn bản đầu tiên gồm những bức vẽ có sự kết hợp giữa phấn màu, màu nước, được in từ những bản khắc tay.

Mỗi loài chim được mô tả chi tiết với độ chính xác cao. Trang bìa sách được làm bằng da, chữ khắc bởi William Home Lizars và Robert Havell Jr.

Bức vẽ thể hiện sự duyên dáng và oai vệ của loài thiên nga kèn.

Vào thời điểm Những loài chim nước Mỹ được làm, sách về đời sống hoang dã thường để trống phông nền. Nhưng cuốn sách của John James Audubon luôn miêu tả chi tiết phong cảnh, phông nền, giúp bạn đọc nắm bắt được môi trường sống của loài chim mô tả.

Ngoài giá trị thẩm mỹ, nội dung của sách đóng góp lớn cho ngành điểu học. Sách xác định nhiều loài chim cư trú ở nước Mỹ chưa được biết đến trước đó.

Nó cũng là tài liệu quan trọng khi ngày nay có 6 loài chim trong sách đã tuyệt chủng. Trong hơn 10 năm biên soạn cuốn sách này, tác giả đã khám phá ra 25 loài và 12 phân loài chim mới.

Những loài chim nước Mỹ được đánh giá là kiệt tác vượt thời gian của Audubon. Tác giả đã tiết lộ sự lộng lẫy của thế giới tự nhiên Mỹ. Tác phẩm được giới phê bình ví như “một phép thuật đặc biệt đưa chúng ta tới thế giới tự nhiên”.

Để thể hiện chú hồng hạc với kích thước thật, tác giả phải vẽ chân của chim khuỵu xuống.

Bên cạnh giá trị nội dung, hình thức, điều khiến Những loài chim nước Mỹ luôn có giá cao còn bởi độ quý hiếm của nó.

Người ta ước tính có khoảng 175-200 bản sao hoàn chỉnh của tác phẩm được làm ra.

Năm 1973, kết quả một cuộc điều tra cho thấy tới nay còn 120 bản sách hoàn chỉnh còn tồn tại.

Tuy vậy, trong số 120 bản đó có tới 107 bản thuộc các tổ chức như trường học, thư viện, viện bảo tàng, tổ chức xã hội.

13 phiên bản nằm trong tay các nhà sưu tập cá nhân được phép giao dịch. Sự quý hiếm khiến cho cuốn sách quý trở nên đắt giá.

12 năm thực hiện

Những loài chim nước Mỹ là công trình cuộc đời của John James Audubon (1785-1851). Sinh ra tại Haiti, Audubon tới Pháp rồi di cư tới Mỹ.

Năm 1820, ông bắt đầu thực hiện dự án đầy tham vọng: Vẽ mọi loài chim ở Bắc Mỹ. Ông thực hiện những chuyến đi theo dòng Missisippi, mỗi chuyến kéo dài hàng tháng trời, mang theo súng và họa cụ để tìm mẫu vật.

Mỗi lần tìm được mẫu vật, ông bắn hạ rồi sắp đặt tư thế của chim làm mẫu vẽ. Audubon thường xem xét cấu trúc lông, đo kích thước cơ thể, sải cảnh của mẫu vật.

Trước khi vẽ, ông dùng dây thép cố định chúng vào khung gỗ để tạo dáng. Điều này giúp ông có thể quan sát con vật trong tư thế cố định và vẽ lại trong vài ngày.

Một số loài chim có kích thước lớn. Để mô tả đúng kích thước của chúng, Audubon khéo léo sắp đặt tư thế của chim.

Ví dụ, khi vẽ loài hồng hạc Mỹ (có chiều cao 1,5 m), Audubon phải vẽ chim với cái cổ uốn cong và chân khuỵu xuống cho vừa khuôn khổ của trang giấy. Ông cũng chú trọng vẽ các chi tiết hậu cảnh mô tả đời sống của các loài chim trong tự nhiên.

Tác giả John James Audubon.

Những năm 1880-1890, máy ảnh chưa ra đời. Vì vậy, các bức tranh màu với hậu cảnh chi tiết của Audubon giúp người đọc có cái nhìn sâu về những loài chim quý, chim lạ trong môi trường tự nhiên.

Ví dụ, trong bức tranh vẽ đại bàng mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy, hình dung ra, ông miêu tả cảnh chú đại bàng đầu trắng đang quắp xác một con cá.

Để tạo ra những hậu cảnh đẹp và chính xác, Audubon phải thuê 150 họa sĩ vẽ cùng. Joseph Mason là họa sĩ phụ tá vẽ 50 bức hậu cảnh trong sách.

Với quy mô lớn, sự tỉ mỉ, chính xác của các tác phẩm, Audubon gặp khó khăn về kinh phí trong quá trình thực hiện dự án. Ông đã tới Anh để tìm tài trợ cho cuốn sách mới thực hiện được một nửa của mình.

Sau cùng, một số người giàu có ở Mỹ, Anh, Pháp đã tài trợ tiền cho Audubon hoàn thành cuốn sách. Vua George IV và Tổng thống Andrew Jackson có tên trong số những nhà tài trợ.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-sach-nhung-loai-chim-nuoc-my-co-gia-toi-chuc-trieu-usd-post1077815.html