Tại sao Premier League lại có giá trị thương hiệu cao nhất?

Mới đây, hãng định giá thương hiệu Brand Finance đã công bố Top 10 cái tên có giá trị thương hiệu lớn nhất, Không bất ngờ khi giải NHA có đến 6 cái tên góp mặt.

Vẫn như thường lệ, thời điểm cuối mùa giải là lúc mà những công ty chuyên về thống kê giá trị thương hiệu lại đưa ra một bản danh sách về giá trị thương hiệu của các CLB bóng đá. Và cũng chẳng có gì bất ngờ khi Premier League luôn luôn là giải đấu quy tụ nhiều cái tên nhất. Vậy lý do gì mà những câu lạc bộ của nước Anh lại luôn nằm trong top 10?

Ngôn ngữ

Ai cũng biết, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu. Nó được sử dụng rộng rãi trên rất nhiều quốc gia và dĩ nhiên là cũng có rất nhiều người biết đến tiếng Anh hơn là những ngôn ngữ Pháp, Đức, Ý hay TBN. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc "thu hút" khán giả truyền hình.

Đơn giản, nếu bạn hỏi 10 người ở 10 quốc gia có ngôn ngữ khác nhau thì chắc hẳn phần nhiều sẽ chọn xem một trận bóng với bình luận tiếng Anh hơn là bình luận bằng tiếng Tây Ban Nha.

Tiếng Anh luôn là ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới.

Không chỉ ở phương diện "bình luận", các thông số về trận đấu được hiển thị trên truyền hình nếu là tiếng Anh cũng sẽ giúp người xem dễ nhận biết hơn những ngôn ngữ khác.

Ví dụ, người ta quen với việc "goal" là bàn thắng, còn nếu nhà đài dùng từ này thành "gol" thì tất nhiên người xem cũng sẽ hiểu đó là bàn thắng nhưng có vẻ như không thuận mắt.

Đấy là điểm khác biệt giữa ngôn ngữ của các nước! Chính vì vậy, việc áp dụng tiếng mẹ đẻ cho toàn thế giới là một cách thu hút không thể tuyệt vời hơn với những người làm công tác quảng bá hình ảnh Premier League.

Quá nhiều trang đưa tin

Lang thang trên internet chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những trang báo nói về bóng đá, nhưng số lượng nhiều lại tập trung ở Anh như The Sun, The Guardian, Goal, Reuters... Người "Anh Điêng" có xu hướng bảo thủ và thích chỉ trích hơn phần còn lại của Châu Âu.

Không chỉ chỉ trích ở trong nước, "vòi bạch tuộc" của các trang báo này còn vươn ra cả những quốc gia khác. Bằng chứng nếu bạn chọn phần ngôn ngữ ở trên thanh hiển thị, sẽ có nhiều tùy chọn về ngôn ngữ cho bạn chứ không riêng gì tiếng Anh.

3 trong những trang báo nổi tiếng nhất của vương quốc Anh về thể thao.

Họ có thể tung hô một ai đó lên mây xanh chỉ sau một trận đấu nhưng họ cũng có thể "dìm chết" một người đã thành danh nhưng chơi một trận đấu dưới sức.

Sự bùng nổ của công nghệ

Từ khi internet và công nghệ thu sóng truyền hình được lan tỏa ra toàn thế giới, tức là khoảng 15-20 năm trở lại đây... Premier League luôn là giải đấu được biết đến nhanh nhất. Điều này hoàn toàn đúng với các nước Châu Á, nơi có số lượng dân lớn nhất thế giới.

Internet phát triển kéo theo những ứng dụng nhỏ nở rộ, vì vậy cách mà người Anh "phù phép" màn hình TV theo cảm giác cũng ấn tượng hơn. Cách quay-phát của họ cũng có phần phóng khoáng hơn nhiều so với những giải khác.

Đơn cử nếu bạn xem giải NHA và La Liga, sẽ rất dễ dàng để bạn nhìn bao quát sân đấu, các nhân viên nhà đài ở Anh cũng biết cách lựa chọn những góc quay đủ và thậm chí tuyệt vời để khán giả có thể theo dõi trận đấu dễ hơn... Hệ quả là khán giả cũng sẽ chú ý hơn đến giải NHA...

Cách chơi bóng của các CLB Anh

Người anh luôn nổi tiếng với lối chơi tốc độ, giàu thể lực... trận đấu có thể là màn "đấu sức" trong suốt 90 phút. Điều này khác với giải TBN, Ý, Pháp, Đức. Những CLB ở 4 giải này không đề cao tốc độ của các cầu thủ, họ ưu tiên tính chiến thuật và sự mềm mại trong phong cách chơi bóng.

Hiệu ứng domino Ferguson - Arsene Wenger; Mourinho-Benitez

Tìm đâu ra một HLV ngồi tại Barca, Real, Bayern, Milan... với chu kỳ 2 thập kỷ hoặc hơn thế nữa như Sir Alex và HLV Wenger? Người ta có thể chờ đợi El Classico hoặc derby Milan nhưng người ta còn trông đợi nhiều hơn từ M.U và Arsenal với hai HLV lão làng và dàn cầu thủ Premier League "huyền thoại".

Ai thách thức được Barca, Real, Bayern,... hơn Chelsea, Liverpool và bây giờ Man City với M.U và Arsenal? Với Valencia 2004 là không đủ để níu kéo hình ảnh thương hiệu La Liga. Sự cạnh tranh ở giải NHA khốc liệt đến nỗi những đại gia cũng thua như cơm bữa. Real Madrid và Barca chỉ biết thua nhau, còn Bayern thậm chí còn chẳng biết thua là gì.

"Big Four" huyền thoại của giải NHA.

Nói vậy để thấy hiệu ứng từ những HLV mang đa phong cách ở NHA là sức hút rất lớn với những người theo dõi bóng đá.

Người ta có thể cả ngày xem M.U "hành" Arsenal mà không chán, hoặc thi nhau bàn tán về hai chức vô địch NHA liên tiếp của Chelsea, và họ cũng chờ đợi một vua đấu Cup (Liverpool) bao giờ mới vô địch NHA thêm lần nữa...

Những vấn đề trên có thể là chưa đủ để nói lên tầm ảnh hưởng của bóng đá Anh trong con mắt khán giả những cũng là rất chi tiết nếu chúng ta bàn về vấn đề này. Chỉ khi nào họ bị "xóa sổ" thì các giải khác mới có cơ hội vươn tầm. Mà điều này hoàn toàn bất khả thi!

Vũ Quang Toản

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/tai-sao-premier-league-lai-co-gia-tri-thuong-hieu-cao-nhat-d444978.html