'Tại sao phương Tây vượt trội?'

Năm 1900, ở vào thời điểm kết thúc thế kỷ XIX và chuẩn bị bước vào thế kỷ XX, chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh Lord Kelvin đã tuyên bố rằng: 'Giờ chẳng còn gì mới trong Vật lý để khám phá nữa'.

Tất cả những gì còn lại chỉ là phép đo chính xác hơn mà thôi.

Tuy nhiên, lời tuyên bố này không kéo dài được bao lâu bởi vì chỉ một thời gian ngắn sau đó, những thành tựu vĩ đại nhất trong Vật lý học như Thuyết tương đối của Einstein và Cơ học lượng tử đã ra đời. Sự ra đời của Thuyết tương đối và Cơ học lượng tử đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức của con người về thế giới.

Nếu như trước thế kỷ XX, con người nhận thức thế giới theo khuynh hướng tuyệt đối, tất định thì từ thế kỷ XX, với sự xuất hiện của Thuyết tương đối và Cơ học lượng tử, con người nhận thức thế giới theo khuynh hướng tương đối, bất định. Vì thế giới sự vật hiện tượng là bất định nên để nhận thức được thế giới sự vật hiện tượng các nhà khoa học đã sử dụng một công cụ nhận thức mới là lý thuyết xác suất và thống kê thuộc toán học để mô tả thế giới đó. Tư tưởng về sự bất định của thế giới sự vật hiện tượng đã lan rộng từ Vật lý học ra các ngành khoa học và nghệ thuật khác nhau.

Trong Hội họa, tư tưởng bất định được thể hiện trong các trường phái Ấn tượng (impression), Lập thể (cubism), Trừu tượng (abstractionism)... Những trường phái này hầu như phá vỡ những quy tắc truyền thống của hội họa cổ điển. Trong Văn học, tư tưởng bất định được thể hiện trong chủ nghĩa Hậu hiện đại (post-modernism), nơi cho phép độc giả đồng sáng tạo với tác giả và được tự do thưởng thức tác phẩm theo cảm nhận của riêng mình.

Đặc biệt, trong Toán học, tư tưởng bất định được thể hiện trong Định lý bất toàn (theorem of incompleteness) của Kurt Godel, một thành tựu đỉnh cao của Toán học hiện đại chứa đựng trong bản thân nó một ý nghĩa triết học sâu sắc. Định lý bất toàn chỉ ra rằng trong toán học có những mệnh đề không thể chứng minh mà cũng không thể phủ nhận được. Vì vậy, chúng là những mệnh đề mang tính bất định. Và hiện nay, tư tưởng bất định đã tiến vào lĩnh vực Sử học, với sự diễn giải xuất sắc của Ian Morris, giáo sư Lịch sử và Khảo cổ học tại Đại học Stanford.

Để trả lời cho câu hỏi: "Tại sao Phương Tây vượt trội?", Morris đã đặt câu hỏi: Thế nào là sự vượt trội? Morris đã xây dựng bốn tiêu chí để đánh giá về trình độ phát triển xã hội của các nền văn minh gồm: khả năng hấp thu năng lượng, trình độ quy hoạch đô thị, khả năng truyền đạt thông tin và khả năng gây chiến tranh. Điểm đặc biệt của Morris là ông đã áp dụng những phương pháp của thống kê toán học để lượng định chúng và thể hiện các kết quả trên các biểu đồ trong sách. Nhìn vào các biểu đồ trong sách của ông chúng ta đều thấy sự vượt trội của Phương Tây so với Phương Đông xuyên suốt chiều dài lịch sử (biểu đồ xét khoảng thời gian từ năm 14000TCN - 2000SCN, một khoảng thời gian dài đến 16000 năm).

Nhưng trong giai đoạn từ năm 550 - 1775, thời gian kéo dài khoảng 1200 năm, Phương Đông đã vượt lên trên Phương Tây về trình độ phát triển xã hội. Điều này đã được nhiều sử gia quan tâm đến lịch sử thành văn nhắc đến và chính tôi cũng đã từng đề cập đến nó trong một bài viết khác. Chỉ riêng điều này đã bác bỏ lập luận của những người cho rằng sự vượt trội của Phương Tây so với Phương Đông trong giai đoạn hiện nay là do yếu tố con người hay sự an bài ngẫu nhiên của địa lý. Nếu người Phương Tây thông minh hơn người Phương Đông chúng ta thì tại sao có một thời kỳ dài đến 1200 năm nền văn minh Phương Đông rực rỡ hơn nền văn minh Phương Tây rất nhiều? Nếu vị trí địa lý của họ luôn ưu việt hơn chúng ta thì theo lẽ tự nhiên họ phải luôn phát triển hơn chúng ta, vậy tại sao cũng ở vào vị trí địa lý đó mà có một thời kỳ dài đến 1200 năm họ lại tụt hậu so với chúng ta?

Trong tác phẩm: "Tại Sao Phương Tây Vượt Trội?", Morris đã đứng trên lập trường tư tưởng bất định để giải quyết vấn đề và đó chính là sự xuất chúng của ông. Ở chương thứ 11, trong sách, ông đã tuyên bố rằng vấn đề Phương Tây thống lĩnh thế giới trong năm 2000 đơn giản chỉ là một vấn đề xác suất chứ không phải ngẫu nhiên hay tất định. Ông cho chúng ta những bước lùi về thời gian để xem xét khả năng Phương Tây thống lĩnh thế giới trong năm 2000 là như thế nào. Nếu chúng ta ở vào thời điểm là năm 1800 và xem xét khả năng Phương Tây thống lĩnh thế giới trong năm 2000 thì khả năng đó là 95%. Nếu chúng ta ở vào năm 1650 để xem xét thì khả năng đó là 80%. Nếu chúng ta ở vào năm 1500 để xem xét thì khả năng đó là 50%. Nếu chúng ta ở vào năm 1350 để xem xét thì khả năng đó là 25%. Nghĩa là, càng lùi xa về quá khứ để xem xét khả năng thống lĩnh thế giới của Phương Tây trong năm 2000, thì tính bất định càng cao. Vì vậy, đúng như lời ông nói, vấn đề Phương Tây thống lĩnh thế giới trong năm 2000 chỉ là là vấn đề mang tính xác suất.

Vậy tại sao Phương Tây vượt trội so với Phương Đông trong giai đoạn hiện nay? Để trả lời câu hỏi này, Morris đã xây dựng một lý thuyết về phát triển xã hội. Ông cho rằng phát triển xã hội là dạng hình lịch sử chung cho tất cả các xã hội loài người. Phát triển xã hội, theo Morris, diễn ra dưới tác động của ba nhân tố chủ yếu là sinh học, xã hội học và địa lý.

Về mặt sinh học, chúng ta biết rằng con người là một loài vượn thông minh, nghĩa là chúng ta thuộc về thế giới động vật. Vì chúng ta là động vật nên tương tự như các động vật khác (hay các dạng sống khác) cần hấp thu năng lượng từ môi trường sống. Nhưng khác với các loài động vật khác, chúng ta là một giống loài thông minh. Vì vậy, chúng ta luôn tìm tòi, suy nghĩ để tìm cách gia tăng nguồn năng lượng sống cho mình bằng việc tìm kiếm các vùng đất mới hay cải tiến công cụ lao động... Nhìn chung phát triển xã hội gia tăng dưới sự tác động của các đặc điểm sinh học này. Nhưng sinh học không giải thích được toàn bộ tiến trình lịch sử. Vì xã hội loài người không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái phát triển mà có những lúc sự phát triển bị ngừng lại, dậm chân tại chỗ hay tụt hậu.

Vì sinh học không giải quyết được tất cả vấn đề nên chúng ta cần đến công cụ thứ hai là Xã hội học. Xã hội học cho chúng ta biết những gì tạo ra biến đổi xã hội và những gì do biến đổi xã hội tạo ra. Morris cho rằng:" Sự biến đổi là do con người lười biếng, tham lam, sợ hãi tìm kiếm những phương cách dễ dàng hữu ích và an toàn hơn để thực hiện công việc. Và họ hiếm khi biết mình đang làm gì". Vì những người lười biếng, tham lam, sợ hãi rất ngại khó khăn, gian khổ vì vậy họ luôn tìm kiếm những phương cách tiện nghi, an toàn, làm việc ít mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của công việc nghĩa là họ tìm cách nâng cao hiệu suất lao động và chính điều này đã tạo ra phát triển xã hội.

Tuy nhiên, phát triển xã hội cũng có mặt trái của nó đó là nó sẽ tạo nên áp lực lên các nguồn lực của nó (nguồn lực về trí tuệ, xã hội và tài nguyên thiên nhiên...!). Xã hội càng phát triển đồng thời cũng tạo ra những lực lượng làm suy yếu phát triển xã hội. Morris gọi điều này là nghịch lý của sự phát triển. Nghịch lý của sự phát triển liên tục vận hành khiến con người phải luôn đối diện với những lựa chọn khó khăn. Thông thường các xã hội thất bại khi đối diện với nghịch lý của sự phát triển và khi đó phát triển xã hội bị ngừng lại, thậm chí sụp đổ (trong sách Morris liệt kê nhóm năm nhân tố kết hợp có thể gây nên sự sụp đổ của xã hội mà ông gọi là năm kỵ sĩ Khải huyền là: Nạn đói, di dân, bệnh dịch, thất bại của nhà nước và thảm họa tự nhiên). Nhưng ở một thời điểm nào đó, xã hội có những con người lười biếng, tham lam, sợ hãi chấp nhận rủi ro, tìm cách đổi mới và nếu họ thành công thì phát triển xã hội sẽ được tiếp tục.

Sinh học và xã hội học giải thích phần lớn dạng hình của lịch sử - lý do tại sao phát triển xã hội gia tăng, tại sao có lúc nó tăng nhanh, có lúc chậm lại, rồi có khi tụt hậu, sụp đổ. Tuy nhiên, vì các quy luật Sinh học và Xã hội học là phổ biến ở khắp mọi nơi nên chúng không chỉ ra được lý do tại sao các xã hội khác nhau có sự chênh lệch với nhau về trình độ phát triển. Vì vậy để giải thích được sự khác biệt giữa các xã hội với nhau chúng ta cần đến công cụ thứ ba: Địa lý.

Chúng ta biết rằng do các nguyên nhân sinh học và xã hội học nên cả Phương Đông và Phương Tây đã cùng trải qua những giai đoạn phát triển xã hội xuyên suốt tiến trình lịch sử theo cùng một trình tự. Morris khẳng định rằng Sinh học và Xã hội học giải thích những tương đồng mang tính toàn cầu trong khi Địa lý học giải thích những khác biệt mang tính khu vực. Theo Morris, vị trí địa lý sẽ quyết định vùng nào sẽ có được sự phát triển xã hội trước so với các vùng khác trên thế giới, đồng thời việc gia tăng phát triển xã hội cũng sẽ làm thay đổi tầm quan trọng của vị trí địa lý. Để làm rõ luận điểm của mình, ông đã khảo sát toàn diện lịch sử phát triển của xã hội loài người. Morris cho rằng vào cuối thời đại Băng hà cách đây khoảng 15000 năm, sự ấm lên toàn cầu đã tách ra một dải đất gọi là Miền Ân Sủng( khoảng 20-35 vĩ độ Bắc ở Cựu thế giới và 15 vĩ độ Nam đến 20 vĩ độ Bắc ở Tân thế giới), nơi nhiều loài thực vật và động vật có khả năng thuần hóa đang dần tiến hóa.

Trong phạm vi dải đất rộng lớn này, có một vùng đất hình vòng cung bao quanh thung lũng các con sông Tigris, Euphrates và Jordan ở Tây Nam Á, thường được biết đến với tên gọi Hilly Flanks, là may mắn nhất; do có mật độ đông, thực vật dễ thuần dưỡng dày đặc nên cư dân ở đó dễ trở thành nông dân hơn bất kỳ nơi nào khác. Do đó, mặc dù con người ở mọi nơi trên thế giới về cơ bản là giống nhau, nhưng cư dân ở Hilly Flanks chính là những nông dân đầu tiên, họ chính là những người đã định cư thành làng mạc và thuần hóa các loài động thực vật khác nhau từ khoảng năm 9500 TCN. Chính vị trí địa lý ưu việt của vùng đất Hilly Flanks đã tạo ra một xã hội phát triển đầu tiên của nhân loại như thế này. Thuật ngữ Phương Tây được dùng ở tiêu đề quyển sách là ám chỉ các xã hội kế thừa vùng đất Hilly Flanks, mà Morris gọi là vùng lõi nông nghiệp ban đầu. Do người Phương Tây là những người đã xây dựng nên một xã hội nông nghiệp phát triển đầu tiên, và bởi vì con người về cơ bản là giống nhau, nên người Phương Tây cũng là những người đầu tiên gặp phải nghịch lý của sự phát triển và cũng là những người đầu tiên học được điều mà Morris gọi là "thuận lợi của sự lạc hậu".

Thuận lợi của sự lạc hậu là một thuật ngữ dùng để ám chỉ khi một xã hội vì những rào cản về mặt địa lý nên đang ở trong tình trạng lạc hậu so với các xã hội phát triển khác, lại biết tận dụng những thành quả về công nghệ của các xã hội phát triển khác, để biến những rào cản về mặt địa lý của mình thành ưu thế phát triển xã hội so với các xã hội khác. Phát triển xã hội gia tăng cũng đồng nghĩa với việc các quần thể dân cư trở nên đông đúc hơn, lối sống phức tạp hơn. Vì vậy, phát triển xã hội có xu hướng mở rộng hay dịch chuyển các vùng lõi, có khi thông qua sự di dân, sao chép, hay phát kiến độc lập ở những vùng lân cận hoặc bành trướng, thuộc địa hóa đối với những vùng xung quanh. Từ vùng lõi nông nghiệp ban đầu nền nông nghiệp đã lan rộng ra đến vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), ở đây, nông dân buộc phải tạo ra phiên bản nông nghiệp mới để thích ứng với điều kiện tự nhiên nơi đây, và trong quá trình tạo ra nền nông nghiệp tưới tiêu họ đã phát hiện ra những lợi thế mà vùng đất lạc hậu này có được, thậm chí còn mang lại thành công vượt trội so với vùng lõi nông nghiệp ban đầu là vùng Hilly Flanks.

Đến khoảng thời gian sau năm 4000 TCN, trong khi cư dân vùng Hilly Flanks còn đang sống trong các ngôi làng thuần nông thì người Mesopotamia đã kiến tạo nên thành phố và quốc gia. Đây là một ví dụ điển hình về mối quan hệ giữa phát triển xã hội và vị trí địa lý: vị trí địa lý tạo điều kiện cho phát triển xã hội nhưng phát triển xã hội cũng sẽ làm thay đổi ý nghĩa của vị trí địa lý. Vì mối quan hệ giữa phát triển xã hội, nghịch lý của sự phát triển, vị trí địa lý, thuận lợi của sự lạc hậu là bất định nên kết quả của phát triển xã hội cũng là bất định. Tiến trình này cũng diễn ra tương tự ở Phương Đông, chỉ khác là nền nông nghiệp Phương Đông khởi đầu ở vùng lõi của nó là khu vực nằm giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử chậm hơn Phương Tây khoảng 2000 năm. Nhưng điều này không phải là lý do tạo ra sự khác biệt giữa Phương Đông và Phương Tây vì các xã hội phát triển luôn phải đối mặt với nghịch lý của sự phát triển vì vậy chuyện phát triển sớm hay muộn không đủ để tạo nên sự khác biệt.

Chúng ta đã thấy được mối quan hệ đặc biệt giữa phát triển xã hội và vị trí địa lý, vậy chúng ta sẽ vận dụng điều này để trả lời cho câu hỏi " tại sao Phương Tây vượt trội?" trong giai đoạn hiện nay như thế nào đây? Morris cho rằng đó là do người châu Âu đã biết tận dụng ưu thế thuận lợi của sự lạc hậu. Ông cho rằng trước thế trước thế kỷ XV, châu Âu bị cô lập khỏi các xã hội phát triển khác bởi sự chia tách và bởi rào cản của Đại Tây Dương rộng lớn. Nhưng đến nửa sau thế kỷ XV, khi người châu Âu học được công nghệ đóng tàu và chế tạo đại pháo của Phương Đông thì họ đã biết cách khai phá Đại Tây Dương và biến Đại Tây Dương thành một tuyến đường thương mại, điều này đã làm thay đổi ý nghĩa của vị trí địa lý. Năm 1492, Columbus đã tìm ra châu Mỹ một cách tình cờ. Do ngẫu nhiên người Tây Âu đã xây dựng các đế chế đại dương mới, và chính do yêu cầu của nền kinh tế Đại Tây Dương mới lạ thúc đẩy phát triển xã hội, nên nó cũng đã đặt ra những thách thức hoàn toàn mới. Nghịch lý của sự phát triển bắt đầu vận hành. Người châu Âu đã giải quyết thành công những thách thức mới này bằng cách tìm ra các nguồn năng lượng mới như hơi nước, than đá... và các công nghệ mới. Chính những điều này đã đưa đến vị trí thống lĩnh thế giới của Phương Tây trong giai đoạn hiện nay.

Ở chương 12, chương cuối của sách, Morris đã đưa ra những nhận định của mình về tương lai. Ông cho rằng lịch sử không kết thúc với sự thống lĩnh của Phương Tây. Các quy luật lịch sử vẫn luôn hiện diện. Nghịch lý của sự phát triển và những thuận lợi của sự lạc hậu vẫn đang vận hành; cuộc đua giữa những đổi mới thúc đẩy phát triển xã hội tiến lên phía trước và những đổ vỡ vẫn tồn tại. Ông tuyên bố: "Câu hỏi lớn cho thời đại chúng ta không phải là liệu Phương Tây có tiếp tục dẫn đầu hay không, mà là liệu toàn thể nhân loại có phát kiến được một dạng thức sống hoàn toàn mới trước khi thiên tai đánh gục chúng ta - mãi mãi". Một câu hỏi mang tính bất định.

Morris đứng trên lập trường tư tưởng bất định để giải quyết một vấn đề khoa học lớn thể hiện một cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn mới và một thái độ thận trọng đối với khoa học. Tác phẩm "Tại Sao Phương Tây Vượt Trội?" là một tác phẩm có tính đột phá của ông. Tôi trân trọng giới thiệu đến các bạn tác phẩm tuyệt vời này."

Tạ Hoàng Tấn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tai-sao-phuong-tay-vuot-troi-162130.html