Tại sao phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa HPV?

Ung thư cổ tử cung, mụn cóc... là những bệnh nguy hiểm do HPV gây ra. Loại virus này rất dễ lây lan, để lại những hậu quả nguy hiểm cho người mắc.

HPV là viết tắt của từ Human Papilloma Virus - gây u nhú ở người, một virus có thể gây viêm nhiễm ở nhiều bộ phận của cơ thể. Đặc biệt là HPV typ 16 và 18 gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung, trong khi HPV typ 6 và 11 gây ra khoảng 90% trường hợp mụn cóc sinh dục. Đây là loại virus lây lan qua đường tình dục.

Giải pháp phòng ngừa bệnh này thường là tiêm vaccine. Vaccine HPV khá an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV. Bác sĩ khuyến cáo nữ giới từ 10 đến 25 tuổi chưa quan hệ tình dục nên tiêm phòng HPV. Đây là thời điểm việc tiêm vaccine đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện có hai loại vaccine phòng ngừa lây nhiễm HPV thuộc các týp nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Loại vaccine Cervarix giúp phòng ngừa virut HPV týp 16 và 18. Đây là hai týp HPV chiếm 70% ung thư cổ tử cung. Loại vaccine thứ hai là Gardasil có khả năng phòng ngừa virut HPV týp 6, 11 (gây bệnh sùi mào gà) và týp 16, 18.

Chị em phụ nữ nên tiêm đủ 3 mũi phòng virus HPV. Với vaccine Cervarix, lịch tiêm là 0, 1 và 6 tháng; với vaccine Gardasil lịch tiêm là 0, 2, 6 tháng. Kết quả phòng ngừa sẽ kéo dài sau khi tiêm ba mũi vaccine kể trên. Hiện chưa có khuyến cáo phải tiêm nhắc lại sau khi đã hoàn thành đủ 3 mũi.

Trong trường hợp đang trong quá trình tiêm vắc xin phòng HPV mà có thai cần dừng tiêm đến khi sinh xong mới tiêm mũi tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian hoàn tất ba mũi tiêm không được quá 2 năm.

Những phụ nữ dưới 40 tuổi đã quan hệ tình dục và đã có con vẫn có thể tiêm phòng HPV nhưng hiệu quả của vaccine không đạt như mong muốn. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể tiêm phòng virus HPV để phòng tránh nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Nhiều người có thể chủng ngừa mà không gặp bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Nhưng bạn có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi chủng ngừa như: đau hoặc sưng ở vị trí tiêm; sốt nhẹ; đau đầu; mệt mỏi; đau cơ; đau khớp; ngất xỉu; buồn nôn; nôn; đau bụng; tiêu chảy.

Vaccine HPV không ngăn ngừa được tất cả các loại ung thư liên quan đến virus HPV, vì vậy phụ nữ vẫn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Vaccine HPV cũng không điều trị các bệnh hoặc nhiễm trùng liên quan đến virus HPV hiện có. Chị em phụ nữ cần xây dựng cho mình một cuộc sống tình dục lành mạnh, duy trì luyện tập thể dục thể thao, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Hải Yến/VOV.VN
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/suc-khoe/san-phu-khoa/tai-sao-phu-nu-nen-tiem-vaccine-ngua-hpv-803291.vov