Tại sao phát xít Đức không bẻ khóa được mật mã quân sự của Hồng quân Liên Xô

Theo các thông tin được giải mật và đánh giá của tướng lĩnh quân sự Liên Xô, các sĩ quan mật mã đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong chiến tranh, phát xít Đức đã nỗ lực trong tuyệt vọng để bắt giữ hoặc mua chuộc họ, nhưng bất thành.

Những phần thưởng danh giá của quân đội phát xít Đức dành cho bất kỳ ai bắt giữ được sĩ quan mật mã Liên Xô đã thể hiện vai trò quan trọng của lực lượng này. Trong sắc lệnh ban hành tháng 8-1942, trùm phát xít Adolf Hitler tuyên bố, bất kỳ binh lính phát xít Đức bắt giữ được chỉ 1 sĩ quan mật mã Hồng quân sẽ nhận được huân chương cao quý nhất là: Chữ thập sắt; được cung cấp công việc và nhà ở an toàn tại Thủ đô Berlin. Thậm chí, để tăng thêm sức hút, quân đội phát xít Đức còn hứa hẹn sẽ cấp thêm một bất động sản nghỉ dưỡng đặc biệt tại bán đảo Crimea sau khi chiến tranh xâm lược Liên Xô kết thúc. Tuy nhiên, những phần thưởng trên không giúp phát xít Đức có được bộ giải mã của Liên Xô.

Trong Thế chiến 2, dù bắt được rất nhiều thư tín mã hóa của Hồng quân, nhưng phát xít Đức không thể giải mã. Kết cấu mã khóa của Liên Xô rất phức tạp và chỉ bị phá nếu bắt giữ được sĩ quan mật mã hoặc thiết bị giải mã đặc chủng. Đánh giá về những chiến công của ngành mật mã quân sự Liên Xô, chuyên gia mật mã Dmitry Larin cho biết, tất cả sĩ quan mật mã Liên Xô đều cung cấp các thiết bị giải mã đáng tin cậy. Mỗi cá nhân đều mang theo lựu đạn chạm nổ và xăng để khi có tình huống xảy ra họ sẽ nhanh chóng tiêu hủy tài liệu, thiết bị và thậm chí là tự sát để bảo vệ bí mật mã khóa.

 Sĩ quan mật mã Liên Xô gửi thư tín được mã hóa ngoài mặt trận.

Sĩ quan mật mã Liên Xô gửi thư tín được mã hóa ngoài mặt trận.

Chiến dịch săn lùng sĩ quan mật mã Liên Xô của phát xít Đức

Căn cứ vào những thông tin được giải mật, từ trước khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, phát xít Đức đã có nhiều nỗ lực chiếm đoạt các thiết bị giải mã quân sự của Liên Xô. Nhà sử học V. A. Anfilov cho biết, phát xít Đức đã dùng nhiều biện pháp, thậm chí là bắt giữ, sát hại các sĩ quan mật mã Liên Xô, nhưng cũng không tìm được mã khóa. Khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, ngày 22-6-1941, phát xít Đức đã đột kích Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin để săn lùng các sĩ quan mật mã và thiết bị giải mã.

“Các toán lính SS đã xông vào tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin. Nhân viên mật mã của phái đoàn thương mại Liên Xô Nikolai Logachev đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ tài liệu, thiết bị giải mã. Phát xít Đức đã không thu giữ được bất kỳ tài liệu giải mã nào dù bắt giữ được Nikolai Logachev. Ông này sau đó đã được trao đổi với các nhân viên ngoại giao phát xít Đức tại Liên Xô”, nhà sử học V. A. Anfilov nói.

Biết được âm mưu của phát xít Đức, các sĩ quan mật mã Hồng quân đều nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và không bao giờ để lộ lọt thông tin vào tay địch, thậm chí kể cả khi phải hy sinh mạng sống của bản thân. Câu chuyện anh hùng của nữ chiến sĩ điện đài Elena Stempkovskaya là minh chứng rõ ràng. Khi tiểu đoàn của Elena Stempkovskaya bị bao vây, binh lính phát xít tìm kiếm sở chỉ huy đơn vị. Nữ điện đài viên này đã nhanh chóng phá hủy thiết bị liên lạc và bắn hạ 2 tay súng phát xít. Khi bị bắt giữ, bị tra tấn dã man, nhưng cô không khai báo. Cuối cùng, phát xít Đức đã chặt tay Elena Stempkovskaya để khủng bố tinh thần dân cư địa phương.

Hệ thống mật mã đặc biệt của Hồng quân

Hồng quân đã phát triển một hệ thống mã hóa đặc biệt đối với thư tín trên chiến trường. Mỗi mã khóa chỉ được dùng một lần và không bao giờ lặp lại. Chính vì thế, phe phát xít không bao giờ giải mã được các bức điện tín mã hóa của Hồng quân trong chiến tranh.

Để đảm bảo bí mật, toàn bộ thư tín liên lạc tại mặt trận đều được mã hóa. Các đơn vị tiền phương thường nhận được khoảng 60 bức điện mã hóa mỗi ngày, trong khi đó trung tâm chỉ huy mặt trận là khoảng 400 bức điện. Để công tác mã hóa và giải mã được tiến hành thuận tiện và nhanh chóng, các sĩ quan mật mã Liên Xô sử dụng thiết bị mã hóa có tên M-101 Izumrud từ năm 1942. Đây là thiết bị mật mã tin cậy và được sử dụng để mã hóa các bức điện có tầm quan trọng chiến lược trong chiến tranh.

Nguyên soái Georgy Zhukov kiểm tra các bức điện mã hóa tại mặt trận phòng thủ Moscow.

Ngoài M-101 Izumrud, sĩ quan mật mã Liên Xô còn sử dụng một thiết bị đặc biệt khác có tên Sobol-P. Đây là thiết bị mã hóa đặc biệt có một, không hai vào thời điểm nó được giới thiệu. Theo nhà sử học Dmitry Larin, thiết bị mã hóa Sobol-P lần đầu tiên được sử dụng ở mặt trận Stalingrad. Nó sử dụng kênh liên lạc bằng sóng vô tuyến điện thay vì đường dây điện thoại truyền thống. Thiết bị liên lạc mã hóa này giúp công việc của sĩ quan mật mã trở nên đơn giản và an toàn hơn.

Công việc của các sĩ quan mật mã được giới chức lãnh đạo Liên Xô đánh giá rất cao. Nhiều tướng lĩnh Hồng quân khẳng định, Chiến tranh Vệ quốc không thể thắng lợi nếu thiếu các sĩ quan mật mã. Nguyên soái Georgy Zhukov khẳng định, ông không thể có nhiều chiến thắng trong chiến tranh nếu thiếu các sĩ quan mật mã đáng tin cậy. Trong khi đó, Nguyên soái Ivan Konev, người chỉ huy các chiến dịch giải phóng Ukraine, Moldova, Romania, Ba Lan, Tiệp Khắc, thành phố Berlin và Prague, trong hồi ký của mình đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải vinh danh chiến công của các sĩ quan mật mã. Họ không chỉ đảm bảo đường dây liên lạc thông suốt, mà còn giữ gìn cho thông tin được chuyển tới đích và không lọt vào tay kẻ thù”.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo TASS, Vpk, RBTH…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-phat-xit-duc-khong-be-khoa-duoc-mat-ma-quan-su-cua-hong-quan-lien-xo-623781