Tại sao Pháp gần đây cử một số chiến hạm tới Biển Đông?

Chính phủ Trung Quốc tỏ ra tức tối về hoạt động của quân đội Pháp ở Biển Đông sau khi Paris cử một số chiến hạm tới đây trong tuần này.

 Tàu tấn công lưỡng cư Tonnerre của Pháp được triển khai tới Thái Bình Dương để huấn luyện và tuần tra (Ảnh: SCMP)

Tàu tấn công lưỡng cư Tonnerre của Pháp được triển khai tới Thái Bình Dương để huấn luyện và tuần tra (Ảnh: SCMP)

Sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng biển tranh chấp xuất hiện trong bối cảnh mà quân đội Mỹ tăng cường hoạt động trong vùng, khiến chính quyền Bắc Kinh tức tối.

Vậy chính xác thì Pháp đang làm gì?

Trong tháng 2 này, Hải quân Pháp bắt đầu kế hoạch huấn luyện và tuần tra kéo dài 3 tháng, cử tàu tấn công lưỡng cư Tonnerre và tàu khu trục Surcouf từ cảng nhà ở Toulon, miền Nam nước Pháp, tới Thái Bình Dương.

Nhóm tàu này sẽ băng qua Biển Đông 2 lần và tham gia vào cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5. Kế hoạch của Pháp không bao gồm điều tàu băng qua Eo biển Đài Loan, vốn rất nhạy cảm.

Vài ngày trước nhiệm vụ tuần tra và huấn luyện này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng một trong số các tàu ngầm nguyên tử tấn công của họ, Emeraude, đã hoàn tất một cuộc tuần tra ở Biển Đông. Tuyến đường đi của con đường này được xem là phản kháng lại quan điểm hung hăng của Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp.

Bà Parly từng nói trong một diễn đàn an ninh liên chính phủ thường niên, Đối thoại Shangrri-La, rằng Pháp sẽ tiếp tục cho tàu đi dọc Biển Đông ít nhất là 2 lần/năm. Bà hối thúc các nước có cùng chí hướng làm tương tự để đảm bảo sự tiếp cận cởi mở tới các vùng biển.

Năm 2019, Bắc Kinh đưa ra động thái hiếm hoi khi cáo buộc Pháp thâm nhập trái phép vào vùng biển của Trung Quốc, sau khi tàu khu trục Vendemiaire của Pháp băng qua Eo biển Đài Loan. Chính phủ Pháp, ngược lại, gọi đây là hoạt động bình thường mà họ đã từng thực hiện trước đây.

Pháp hiện diện ở Biển Đông: Sự việc mới hay cũ?

Các tàu hải quân Pháp đã hoạt động ở Biển Đông trong nhiều năm. Nhiệm vụ kéo dài 3 tháng hiện tại là sự kiện thường niên kể từ năm 2015, trong khi Pháp cũng từng tham gia tập trận chung với Australia, Malaysia và Việt Nam – mặc dù ít gây chú ý hơn khi mà vấn đề Biển Đông chưa nóng như bây giờ.

Vào năm 2015, Pháp đưa ra một tuyên bố chung với Philippines, nói rằng cả hai nước phản đối “mọi việc chiếm đóng hoặc tuyên bố” mà họ cho là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Tuyên bố này đương nhiên được xem là nhằm vào Bắc Kinh.

Năm sau đó, các tàu của quân đội Pháp cùng các hàng không mẫu hạm của Mỹ tuần tra Biển Đông, sau khi Washington nêu ra quan ngại về các tuyên bố chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, trong đó có cả hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và lắp đặt vũ khí.

Và trong Đối thoại Shangri-La năm đó, Pháp tuyên bố dự định hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để tuần tra chung các vùng biển tranh chấp, nhằm thúc đẩy tự do hàng hải.

Tại sao Pháp quan tâm tới Biển Đông?

Pháp có các vùng lãnh thổ, bởi vậy có nhiều vùng đặc quyền kinh tế xung quanh chúng, ở khu vực Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Những khu vực này có tầm quan trọng gắn liền với lợi ích của Pháp trong khu vực và đã giúp nước này thắt chặt quan hệ an ninh với nhiều quốc gia ở đó.

Pháp cũng tiếp bước Mỹ trong việc đưa ra phiên bản của riêng họ về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương trong năm 2018.

Cùng với các nước châu Âu khác, Pháp liên tục nói rằng tự do hàng hải cần được bảo đảm ở Biển Đông, bởi đây là tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Trung Quốc tuyên bố rằng họ có “quyền hàng hải lịch sử” đối với 90% diện tích Biển Đông, dựa trên cái gọi là “Đường Chín đoạn” phi pháp.

Năm 2016, Philippines đã đệ đơn kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài ở The Hague, cho rằng các tuyên bố này vi phạm Công ước Luật biển của LHQ. Tòa ra phán quyết rằng phần lớn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, tuy nhiên Bắc Kinh phản đối phán quyết này.

Tháng 2/2021, một quan chức Pháp nói rằng hành trình tàu ngầm nguyên tử tấn công của họ ở Biển Đông là nhằm “xác nhận rằng luật pháp quốc tế là luật duy nhất hợp lệ” và rằng Pháp sẽ tiếp tục “làm việc để tăng cường” sự kết nối của họ với nhóm đối tác chiến lược giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia – còn gọi là “Bộ tứ kim cương” hay “Bộ Tứ”.

Trong năm nay, Pháp đã đưa ra một tuyên bố chung với Đức và Anh tại LHQ, trong đó nêu rõ họ ủng hộ phán quyết mà Tòa Trọng tài đưa ra năm 2016.

Trung Quốc phản ứng ra sao với quân đội Pháp?

Bắc Kinh tỏ ra tức giận trước cái mà họ coi là sự can thiệp và khiêu khích của quân đội Mỹ trong những năm gần đây, thế nhưng lại lựa chọn kiềm chế, tránh công khai chỉ trích Pháp vì các hoạt động quân sự mới đây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay qua Biển Đông của tất cả các nước, theo luật pháp quốc tế, nhưng phản đối những quốc gia nào lợi dụng tự do hàng hải để làm ảnh hưởng tới chủ quyền của Trung Quốc hay hòa bình, sự ổn định của khu vực.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thì cáo buộc Pháp tham gia vào “những mưu đồ chống Trung Quốc” của Mỹ và nói rằng nước này không có chỗ ở Biển Đông.

Giới phân tích thì cho rằng Pháp có thể tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển này để phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-phap-gan-day-cu-mot-so-chien-ham-toi-bien-dong-post143393.html