'Tại sao phải mất đến 4 giờ mỗi ngày để đi làm và về nhà?'

Mất 4 giờ mỗi ngày để đi làm và về nhà, chị Thương mong nút thắt giao thông Tân Sơn Nhất sớm được tháo gỡ. Người dân thuộc diện giải tỏa cũng sốt ruột vì tiến độ các dự án ì ạch.

Mỗi ngày, chị Bùi Mai Thương (33 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) mất 4 giờ để di chuyển 15 km từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Quãng đường di chuyển trong nội đô, từ quận Tân Phú đến quận 1, tưởng gần mà còn xa hơn cả đi tỉnh. Bạn chị từ TP.HCM đi Bình Dương làm việc, cách hơn 30 km, cũng chỉ mất một giờ mỗi chiều di chuyển.

Đoạn đường "đau khổ" nhất mà chị phải đi qua mỗi ngày là khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất. Những ngày cao điểm, xe buýt nhích từng chút một, chị phải mất hơn 2 giờ mới tới chỗ làm.

Trong loạt công trình giao thông gỡ ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, rất nhiều dự án trễ hẹn. Nếu những dự án này hoàn thành như kế hoạch, suốt một năm qua, chị Thương đã chẳng mất nhiều thời gian mỗi ngày để vật lộn với hệ thống giao thông tắc nghẽn. 4 giờ trên đường mỗi ngày đã lấy đi của chị Thương nhiều thứ, bao gồm cả sức khỏe và thời gian chăm sóc những đứa con đang lớn của mình.

Giao thông khủng khiếp

Mỗi ngày, chị Thương rời nhà từ 6h sáng để kịp bắt xe buýt số 4 đi từ Trường Chinh (quận Tân Bình) đến trạm xe buýt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), rồi đi bộ tới chỗ làm. Tất bật di chuyển đến mức không kịp ăn sáng, chị vẫn đi làm muộn. Hiếm ngày nào chị tới được cơ quan trước 8h. Chiều, chị cũng phải đi từ 17h đến 19h mới về đến nhà.

Tôi hay tự hỏi tại sao mình phải ở trong một môi trường khủng khiếp như vậy.

Chị Mai Thương

Một năm trước, chị nhận nhiệm vụ chuyển nơi làm việc từ quận Tân Phú về quận 1 mà như nghe "sét đánh ngang tai". Những ngày đầu, chị chạy xe máy từ nhà đến cơ quan mới vì nghĩ sẽ nhanh hơn. Nhưng chị nhanh chóng nhận ra không phải vậy.

Người phụ nữ 33 tuổi mất khoảng 90 phút đi xe máy mới đến được chỗ làm. Chỉ nhanh hơn 15 phút so với xe buýt, nhưng chị phải vật vã với dòng xe cộ kín đặc giờ cao điểm và hít không biết bao nhiêu khói bụi. Đến được cơ quan, chị không còn sức làm việc.

"Lúc đầu tôi cũng nghĩ là khó khăn nhưng không ngờ khủng khiếp vậy. Rất mệt. Tôi tự hỏi tại sao mình phải ở trong một môi trường khủng khiếp như vậy. Cảm giác tuổi thọ của mình giảm đi một nửa", chị Thương than thở.

Sau vài ngày, chị Thương quyết định chuyển hẳn sang đi xe buýt. Tuy phải đứng chen chúc trên xe nhưng ít nhất, chị vẫn đủ sức khỏe để làm việc, chăm sóc gia đình.

4 giờ trên đường mỗi ngày đã tước đi của người mẹ trẻ này nhiều thứ. Chị không có thời gian tập thể dục, gặp gỡ bạn bè, chăm sóc bản thân, cũng không thể nấu ăn, đưa con đi học mỗi sáng, hay đón con mỗi chiều tan học.

 Giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên trong tình trạng đông nghẹt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên trong tình trạng đông nghẹt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi nghe về loạt dự án "giải kẹt" cho khu vực Tân Sơn Nhất, chị Thương mong ngóng những con đường, cây cầu và hầm chui trong kế hoạch sớm đi ra từ trang giấy để quãng đường đi làm mỗi ngày ngắn lại.

Năm 2017, ba công trình giao thông gần sân bay lần lượt hoàn thành là cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn (trước cổng sân bay), cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, và mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh Công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh).

Khi đó, nhiều người dân khu vực này tưởng rằng Tân Sơn Nhất sẽ hết cảnh ùn tắc; thế nhưng, trái với không khí xây dựng khẩn trương năm 2017, từ đó đến nay, các dự án còn lại liên tục lùi thời hạn triển khai.

Ngoài ba dự án kể trên, để giải tỏa kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất còn 4 công trình khác, gồm mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa, đoạn qua vòng xoay Lăng Cha Cả; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (từ cổng doanh trại quân đội giáp sân bay đến đường Cộng Hòa); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa).

Được kỳ vọng nhất là dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa). Con đường này được xem là sẽ phá thế "độc đạo" của đường Trường Sơn, mở thêm cửa ngõ thứ 2 để tiếp cận sân bay duy nhất trong thành phố.

Cả 4 dự án kể trên đang gặp một nút thắt chung mang tên "giải phóng mặt bằng".

Dân sốt ruột

Khi biết nhà mình thuộc diện giải tỏa một phần để thực hiện dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa (đoạn qua vòng xoay Lăng Cha Cả), ông Tống Anh Dũng (64 tuổi, ngụ đường Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình) tán đồng ngay chủ trương. Ông Dũng và những người dân sống nơi đây chẳng mong sống trong cảnh tắc nghẽn sáng chiều.

Điều khiến ông Dũng băn khoăn là theo phương án giải tỏa, căn nhà 70 m2 ở mặt đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) của ông sẽ chỉ còn vỏn vẹn 18 m2. Ông quyết định chỉ di dời nếu thỏa thuận được mức bồi thường thỏa đáng.

Ngôi nhà này là nguồn sống của gia đình ông Dũng hơn 30 năm nay. Trở thành thương bệnh binh sau 8 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, sức khỏe ông Dũng yếu dần, khó làm được các công việc nặng nhọc.

Người dân muốn giải tỏa nhanh lẹ, giải quyết gọn, nhưng cũng mong được đền bù thỏa đáng.

Ông Tống Anh Dũng

1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ thương bệnh binh hàng tháng không đủ để nuôi cả gia đình 4 người. May mắn, năm 1990, ông được quân đội cấp cho một căn nhà trên đường Cộng Hòa. Thu nhập hàng tháng của cả gia đình ông chỉ trông vào việc cho thuê căn nhà mặt tiền này.

Kể từ năm 2016, khi biết tin thành phố có kế hoạch thu hồi một phần đất tại khu dân cư nơi ông ở để làm dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa, tóc ông Dũng bạc đi nhiều. Bởi lẽ, trong 16 hộ dân và một tổ chức trên đường Cộng Hòa có một phần đất thuộc dự án, nhà ông bị thu hồi nhiều nhất. Còn 18 m2, ông tính ở cũng dở mà cho thuê cũng chẳng xong.

Phần lớn căn nhà 70 m2 của gia đình ông Tống Anh Dũng thuộc diện giải tỏa để làm dự án cải tạo, mở rộng đường Cộng Hòa. Ảnh: Thư Trần.

Hai năm trước, trong cuộc họp với các hộ dân về giá thu hồi đất, chính quyền đưa ra mức bồi thường 135-151 triệu đồng/m2. Trong đó, tùy vào vị trí, tình trạng, mỗi ngôi nhà sẽ có mức giá đề nghị khác nhau. Thế nhưng, người dân ở đây mong muốn được bồi thường 270-300 triệu đồng/m2, mức được cho là giá thị trường thời điểm đó.

Phải vào vị trí này, ông Dũng mới hiểu tâm tư của người bị thu hồi đất. Không ai muốn làm rào cản cho sự phát triển của thành phố, nhưng ai cũng muốn mình và gia đình có một tương lai "sống được".

“Giá Nhà nước đề nghị chưa được một nửa so với giá thị trường nên người dân chưa chấp nhận”, ông Dũng giãi bày. “Tôi và người dân ở đây đều đồng tình giải tỏa, sẵn sàng giao đất, nhưng chỉ yêu cầu tương xứng với giá thị trường”, ông vừa nói, vừa lật cuốn sổ nhàu cũ, tìm lại ghi chép từ buổi họp thỏa thuận giá bồi thường thu hồi đất khoảng 2 năm trước.

Ông Tống Anh Dũng (phường 4, quận Tân Bình) cho biết nhà ông bị thu hồi hơn 10 m chiều dài tính từ mặt đường vào. Ảnh: Thư Trần.

Đầu tháng 1, đọc thông tin trên báo về việc dự án cải tạo, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa sẽ được UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý III/2021, ông Dũng thêm phần sốt ruột với lời hứa của thành phố. Hồi tháng 8/2020, UBND quận Tân Bình cũng từng hứa sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý III/2020. Trước đó, công trình này vốn dự kiến khởi công trong năm 2017, hoàn thành trong 6 tháng.

Hơn 2 năm kể từ buổi họp thỏa thuận giá đất, đến giờ, các hộ dân thuộc diện giải tỏa vẫn chưa nghe thêm thông tin gì về mức giá bồi thường. 16 ngôi nhà này đều đang cho thuê để kinh doanh, buôn bán. Dự án “treo” khiến người cho thuê, cả người thuê đều thấp thỏm, không dám ký hợp đồng gia hạn thuê lâu năm cũng như sửa chữa nhà cửa.

“Người dân cũng muốn nhanh lẹ, giải quyết gọn, chứ từ lúc có dự án đến giờ mấy ông ra đi rồi, có ông đã gần 2 giỗ. Đoạn đường này cũng ùn tắc nhiều năm nay, cứ giờ tan tầm là đông nghịt, rất mệt mỏi, nên dân cũng muốn sớm mở đường, nhưng mong được đền bù thỏa đáng”, ông Dũng tâm sự.

"Đến bao giờ giải tỏa?"

Năm 2018, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đón 38,5 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Đến cuối năm 2019, con số này tăng lên 40 triệu lượt khách mỗi năm, gấp 1,6 lần công suất.

Suốt nhiều năm qua, hệ thống giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất đã phải "gồng mình" gánh lượng khách này, khiến tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra trên các tuyến đường như Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng…

Sau khi Nhà ga hành khách T3 vận hành tháng 7/2023, công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng lên 50 triệu hành khách mỗi năm, gấp đôi hiện tại. Đây là tin vui với ngành hàng không và người dân TP.HCM, nhưng lại là áp lực rất lớn với mạng lưới giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Các dự án giao thông gỡ vướng cho sân bay Tân Sơn Nhất đang chờ khởi công. Đồ họa: Phương Trâm.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đơn vị này sẽ khởi công dự án xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 7/2021 và hoàn thành vào tháng 7/2023. Loạt dự án giao thông gỡ ùn tắc cho Tân Sơn Nhất cũng trong tình thế không thể trì hoãn thêm nữa và phải nhìn vào mốc hoàn thành của nhà ga T3 để thúc đẩy tiến độ.

Mới đây, ông Dũng được mời lên phường để trao đổi về nguyện vọng bồi thường, giao đất cho dự án. Trong biên bản cuộc gặp mặt, cựu quân nhân này cho biết ông chỉ mong Nhà nước thu xếp để gia đình ông tái định cư ở một căn nhà tương tự vì sau giải tỏa, nhà ông chỉ còn khoảng 1/4 diện tích ban đầu. Ông biết rằng dự án này không thể chậm hơn được nữa, và cũng không muốn làm rào cản cho sự phát triển của thành phố.

"Giải tỏa bất cứ lúc nào dân cũng chấp nhận hết, chỉ cần cho người dân một mức giá đền bù xứng đáng. Những lúc thấy đường sá ùn tắc, tôi lại tự hỏi đến bao giờ mới giải tỏa để người dân không còn phải ngóng đợi nữa", ông Dũng suy tư.

Thu Hằng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-phai-mat-den-4-gio-moi-ngay-de-di-lam-va-ve-nha-post1204744.html