Tại sao Pakistan quyết định bắt giữ nghi phạm vụ tấn công Mumbai?

Pakistan hôm 17-7 đã bắt giữ Hafiz Saeed, giáo sĩ cực đoan và là nghi phạm khủng bố đang bị Mỹ truy nã liên quan đến vụ tấn công khủng bố Mumbai ở Ấn Độ năm 2008. Tại sao cho đến bây giờ Islamabad mới quyết định bắt Hafiz Saeed?

Pakistan hôm 17-7 đã bắt giữ Hafiz Saeed, giáo sĩ cực đoan và là nghi phạm khủng bố đang bị Mỹ truy nã liên quan đến vụ tấn công khủng bố Mumbai ở Ấn Độ năm 2008. Tại sao cho đến bây giờ Islamabad mới quyết định bắt Hafiz Saeed?

Hafiz Saeed bên ngoài một tòa án ở Lahore, Pakistan hồi tháng 11-2017. Ảnh: Diplomat

Hafiz Saeed bên ngoài một tòa án ở Lahore, Pakistan hồi tháng 11-2017. Ảnh: Diplomat

Theo quan chức chống khủng bố Mohammad Shafiq, Hafiz Saeed bị bắt ở tỉnh Punjab khi đi từ thành phố Gujranwala. Saeed thành lập nhóm Lashkar-e-Taiba, nhóm bị quy trách nhiệm thực hiện vụ tấn công Mumbai khiến 166 người thiệt mạng. Các tổ chức từ thiện của y, Jamaat-ud-Dawa và Falah-e-Insaniat, được cho là mặt trận của Lashkar-e-Taiba. Mỹ đã trao phần thưởng trị giá 10 triệu USD cho việc bắt giữ Saeed, và Washington gần đây đã gia tăng áp lực buộc Islamabad mạnh tay trấn áp các nhóm khủng bố. "Sau cuộc tìm kiếm kéo dài 10 năm, kẻ chủ mưu của cuộc tấn công khủng bố Mumbai đã bị bắt giữ ở Pakistan. Áp lực lớn đã được áp dụng trong 2 năm qua để tìm y", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 17-7.

Trên thực tế, Saeed không cần phải được tìm thấy, vì nơi ở của y không phải là một bí ẩn. Saeed đã có nhiều tháng sống tự do ở Pakistan, thường tham gia các cuộc biểu tình chống Ấn Độ và y trở nên nổi tiếng trong cuộc đối đầu kịch tính giữa hai đối thủ có vũ khí hạt nhân hồi đầu năm nay. Pakistan phải nhanh chóng hành động, quyết định bắt giữ Saeed bởi sắp xảy ra hai diễn biến quan trọng: Thủ tướng Pakistan Imran Khan sẽ tới Mỹ vào cuối tháng này, nơi ông hy vọng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump và đạt được thỏa thuận kinh tế thuận lợi cho đất nước mình, và Trung Quốc đảm nhận chức Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) từ ngày 1-7.

"Thanh kiếm" FATF đang treo lủng lẳng

Lần đầu tiên Pakistan bị đưa vào danh sách xám của FATF là vào năm 2012 và ở đó suốt 3 năm. Islamabad lần thứ hai nằm trong danh sách này là vào tháng 6-2018, khi FATF yêu cầu chính phủ Pakistan tăng cường các chiến dịch chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Pakistan đã bỏ lỡ thời hạn vào tháng 1 và 5-2019 mà tổ chức này đặt ra về việc hoàn tất kế hoạch hành động. Do đó, FATF kêu gọi Pakistan nhanh chóng hoàn thành kế hoạch hành động của nước này vào tháng 10 tới. Nếu không có tiến triển, FATF sẽ đưa ra biện pháp tiếp theo. Nếu Pakistan không hành động kịp thời với sự hài lòng của FATF, nước này sẽ đối mặt với khả năng bị liệt vào danh sách đen của cơ quan giám sát tài trợ khủng bố.

FATF là một nhóm gồm 39 thành viên bao gồm hai tổ chức khu vực và hoạt động như một cơ quan giám sát, kiểm tra việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Nếu một quốc gia bị phát hiện thiếu biện pháp hoặc thiếu kiểm soát hoạt động tài trợ khủng bố trực tiếp hoặc thông qua hoạt động rửa tiền, thì trước tiên quốc gia đó sẽ bị đưa vào danh sách xám. Nếu tiếp tục không tuân thủ yêu cầu mà FATF đưa ra, quốc gia này sẽ bị đưa vào danh sách đen các quốc gia cho phép tài trợ khủng bố và rửa tiền. Động thái này sẽ dẫn đến những tổn thất tài chính lớn, chủ yếu liên quan đến hoạt động của các ngân hàng.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, các ngân hàng có chức năng phối hợp với các đối tác nước ngoài để giao dịch tiền. Nếu một quốc gia bị đưa vào danh sách đen của FATF, thì việc chuyển tiền liên quan đến một ngân hàng của quốc gia đó sẽ vô cùng rắc rối và kéo dài. Ngân hàng của quốc gia khác sẽ kiểm tra kỹ giao dịch liên quan đến ngân hàng của quốc gia nằm trong danh sách đen để đảm bảo rằng tiền không bị chuyển đến tài khoản có thể liên quan đến các hoạt động khủng bố. Điều này xảy ra với mọi giao dịch. Đồng thời, các quốc gia thành viên của FATF không gia hạn các khoản vay đối với quốc gia nằm trong danh sách đen.

Thành viên của FATF gồm các cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, Ủy ban Châu Âu và cả các nền kinh tế mới nổi hùng mạnh như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Nga. Việc bất hợp tác về kinh tế và tài chính từ nhóm quyền lực này với bất kỳ quốc gia nào chắc chắn sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho thương mại của quốc gia đó. Chính phủ của Thủ tướng Pakistan Imran Khan đang chật vật để giữ nền kinh tế phát triển. Islamabad cần các khoản vay và hoạt động thương mại mạnh hơn để đưa nền kinh tế của đất nước trở lại đúng hướng.

Lần này, Pakistan có thể tuyên bố trước FATF rằng họ đã tuân thủ đúng quy trình trong hành động chống lại Saeed. Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu Pakistan vào tháng 6 vừa qua khi FATF xem xét đề xuất của Mỹ và Anh đưa Islamabad vào danh sách đen. Theo điều lệ của FATF, một quốc gia cần sự hỗ trợ của ít nhất 3 thành viên để tránh bị đưa vào danh sách đen. Với việc Trung Quốc là chủ tịch của FATF, Pakistan hy vọng việc bắt giữ Saeed sẽ giúp nước này tránh bị đưa vào danh sách đen trong bản đánh giá sau tháng 10 tới. Tuy nhiên, để được đưa ra khỏi danh sách xám, Pakistan cần sự ủng hộ của ít nhất 15 thành viên.

Đến Mỹ giảng hòa

Mặc dù hành động chống lại những kẻ khủng bố như Saeed là bắt buộc đối với Pakistan trước cảnh báo của FATF, thời điểm bắt giữ y cũng diễn ra khi Thủ tướng Imran Khan sẽ đến Mỹ vào cuối tháng này.

Mỹ đã tăng áp lực lên Pakistan kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017. Ông đã nhiều lần chỉ trích Pakistan vì không mạnh tay chống khủng bố tại nước này. Mỹ đã đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD cho Pakistan, khi ông Trump tuyên bố Pakistan "không làm được gì ngoài sự dối trá, nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc". Về phần mình, ông Khan đã ví cuộc gặp với ông Trump là một viên thuốc đắng mà ông phải nuốt. Ông hy vọng sẽ ký một thỏa thuận hòa bình với Washington để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán Mỹ-Taliban.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_209624_tai-sao-pakistan-quyet-dinh-bat-giu-nghi-pham-vu-tan-cong-mumbai-.aspx