Tại sao ông lớn của các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc lại chọn nghỉ hưu sớm?

Độ tuổi 40 hoặc 50 là thời kỳ hoàng kim về kinh nghiệm, thành công, nhưng những nhà sáng lập công ty công nghệ lớn mạnh lại chọn rút lui khỏi mặt trận tiền tuyến.

 Jack Ma từ chức chủ tịch điều hành Alibaba sau 20 năm. Ảnh: Scroll.in

Jack Ma từ chức chủ tịch điều hành Alibaba sau 20 năm. Ảnh: Scroll.in

Ngày 20/5, ông Zhang Yiming đã đưa ra một lá thư nội bộ thông báo rằng ông sẽ từ chức Giám đốc điều hành của ByteDance và kế nhiệm là Giám đốc nhân sự Liang Rubo, người đồng sáng lập của ByteDance.

Trong bức thư nội bộ này, Zhang Yiming cho biết: "Chúng tôi may mắn nắm bắt cơ hội của sự phát triển của thời đại dựa trên công nghệ để đổi mới và thực hành trên di động và video, và đạt được một số kết quả tích cực. Mặc dù hoạt động kinh doanh của công ty đang phát triển tốt, tôi hy vọng công ty có thể tiếp tục có những đột phá đổi mới lớn hơn, trở nên sáng tạo hơn và có ý nghĩa hơn".

Vì vậy, Zhang Yiming quyết định gác lại công việc quản lý hàng ngày của công ty và tập trung vào các vấn đề quan trọng lâu dài như chiến lược dài hạn, văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội."

Tuyên bố này giống như ông Collin Huang, người vừa từ chức chủ tịch Pinduoduo hai tháng trước, "Nếu chúng tôi muốn đảm bảo sự phát triển chất lượng và tốc độ cao của Pinduoduo trong 10 năm, chúng tôi cần đưa ra một số khám phá ngay từ bây giờ. Với tư cách là người sáng lập, tôi là người phù hợp để bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu hành trình khám phá mới".

Đồng thời, vị tỉ phú cho biết, Pinduoduo đang bước vào thời kỳ trưởng thành, vì vậy, việc ông ra đi sẽ giúp công ty phát triển độc lập hơn.

Duan Yongping, người sáng lập BBK đã nghỉ hưu ở tuổi 40 và đến Mỹ để "hưởng thụ cuộc sống"; Jack Ma đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị của Alibaba ở tuổi 55.

Các doanh nhân đang ở độ tuổi 40 hoặc 50, thời kỳ hoàng kim về kinh nghiệm, thành công, nhưng những nhà sáng lập công ty công nghệ khổng lồ này đã chọn rút lui khỏi mặt trận tiền tuyến.

Điều này hoàn toàn trái ngược với các công ty truyền thống đã thành danh: He Xiangjian nghỉ hưu chủ tịch Midea năm 70 tuổi, Liu Chuanzhi nghỉ hưu chủ tịch Lenovo năm 75 tuổi, và Lu Guanqiu giữ chức chủ tịch tập đoàn hãng phụ tùng ôtô lớn nhất Trung Quốc - Wanxiang Group cho đến khi ông qua đời ở tuổi 72 vì bạo bệnh.

Việc dẫn dắt công ty của các thế hệ doanh nhân cũ - mới đã để lại một câu hỏi rất lớn: Tại sao những người sáng lập ra các gã khổng lồ công nghệ lại chọn rút lui khi còn trẻ và thời kỳ đỉnh cao, còn những doanh nhân truyền thống dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không lui về hậu tuyến?

30% chủ tịch trên 60 tuổi

Zhang Yiming - cha đẻ công ty mẹ ByteDance của Tik Tok.

Ông trùm Internet rút lui không phải là một mình Zhang Yiming. Từ bảng xếp hạng Top 500 Fortune Trung Quốc năm 2020 và các công ty không niêm yết do Fortune Chinese.com công bố, Sina đã thu thập số liệu của hàng trăm doanh nhân nổi tiếng và 30 doanh nhân đại diện tiêu biểu.

Trong số các doanh nhân này, hiện có 19 người vẫn đang giữ chức vụ Chủ tịch, Giám đốc điều hành, trong đó có 9 người trên 60 tuổi, chiếm 30%; 11 người đã nghỉ hưu hoàn toàn và không phụ trách công việc của công ty, hoặc đã lui về tuyến 2. Tính đến thời điểm nghỉ hưu có 5 người dưới 50 tuổi.

Trong số đó, Duan Yongping, người sáng lập BBK, đã lui về hậu trường ngay từ năm 2001 và nhập cư vào Mỹ để tận hưởng cuộc sống "nghỉ hưu", nhưng Duan Yongping vẫn là chủ tịch của BBK.

Thật trùng hợp, "học trò cưng" của ông Duan - Collin Huang, cũng đã từ chức chủ tịch Pinduoduo ở tuổi 41 và rút lui hoàn toàn khỏi công ty do ông thành lập. Sau khi nghỉ hưu, Collin Huang chọn chuyên tâm vào nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực phẩm và khoa học đời sống, sử dụng các phương pháp khác để tập trung và hỗ trợ sự phát triển của Pinduoduo.

Jack Ma tuyên bố nghỉ hưu và từ chức chủ tịch hội đồng quản trị Alibaba vào đúng sinh nhật lần thứ 55 của mình. Năm ngoái, Jack Ma đã chính thức rút lui khỏi hội đồng quản trị. Chưa đầy một năm sau khi Jack Ma chính thức giải nghệ, nhân vật số 2 của ứng dụng giao hàng Meituan - Wang Huiwen, người sáng lập ứng dụng hẹn hò Momo của Trung Quốc - Tang Yan và các doanh nhân tên tuổi khác cũng chọn cách buông bỏ.

Ngày nay, trong số các công ty Internet thế hệ thứ nhất đã được thành lập khoảng 20 năm, vẫn có những người sáng lập hoạt động tích cực ở tuyến đầu như Li Yanhong (Baidu), Lei Jun (Xiaomi), Wang Wei (SF Express) và Ma Huateng (CEO Tencent).

Không giống như những người sáng lập Internet được đề cập ở trên, các doanh nhân kỳ cựu truyền thống vẫn đang vật lộn để đứng trên chiến tuyến. Khi Wang Shi rời Vanke, ông đã 66 tuổi. Ngoài ra còn có Guo Taiming, 69 tuổi khi từ chức chủ tịch Foxconn và He Xiangjian, người sáng lập Midea, nghỉ hưu ở tuổi 70. Nhà sáng lập Lenovo, Liu Chuanzhi, 75 tuổi khi từ chức chủ tịch công ty.

Doanh nhân nghỉ hưu

Ma Huateng (Pony Ma), CEO Tencent

Một thế hệ cuối cùng sẽ già đi, nhưng sẽ luôn có thế hệ trẻ trung mới tiếp bước.

Năm 2013, CEO Tencent Ma Huateng đã có một câu nói vàng trong lễ khai trương công ty bảo hiểm ZhongAn: "Ngay cả khi bạn không làm gì sai, lỗi là bạn đã quá già."

"Tôi lo lắng nhất là không hiểu thói quen của người dùng Internet sẽ như thế nào trong tương lai, bao gồm cả QQ hay WeChat. Không ai đảm bảo rằng thứ gì đó sẽ không thay đổi mãi mãi, bởi vì bản chất con người là luôn cập nhật cái mới."

Ngay cả khi những doanh nhân này còn trẻ, chẳng hạn như Ma Huateng và Li Yanhong, họ cũng khó có thể che giấu sự lo lắng của mình, chưa kể đến việc họ đã thành lập những doanh nghiệp lâu đời hơn nhiều so với người dùng luôn theo đuổi sự mới lạ, kế thừa doanh nghiệp đã trở thành vấn đề sinh tử.

Năm 2018, Toutiao công bố danh sách CEO giỏi nhất của các công ty niêm yết tại Trung Quốc năm 2018. Thống kê cho thấy độ tuổi trung bình của các CEO hiện tại của 50 công ty niêm yết này là 51 tuổi, nghĩa là trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã đang mở ra làn sóng kế thừa. Không khó để nhận ra năm 2019, thế hệ những người sáng lập Internet đầu tiên đã nghỉ hưu nhiều.

Một số người quay trở lại cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Ví dụ, Jack Ma quan tâm đến giáo dục, Collin Huang cống hiến hết mình cho lĩnh vực cuộc sống khoa học.

Nghỉ hưu có gì khó?

Ông chủ sàn giao dịch thương mại điện tử Pinduoduo - Colin Huang

Dù là công ty Internet hay công ty truyền thống, vấn đề nghỉ hưu của người sáng lập luôn là vấn đề đau đầu nhất.

Nhưng đối mặt với vấn đề này, thế hệ mới của những người sáng lập công ty công nghệ và các doanh nhân truyền thống có thái độ khác nhau, họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường cạnh tranh, đặc điểm ngành của công ty và những người sáng lập.

Từ quan điểm thuộc tính của ngành, ông chủ Xiaomi - Lei Jun từng nói rằng đối với các công ty Internet, họ cần phải liên tục đổi mới tư duy để nắm bắt xu hướng và thậm chí tạo ra xu hướng, vì vậy, họ cần phải "thay máu".

Năm 2019, CEO Baidu Li Yanhong đã đề cập trong một bài phát biểu: "Xu hướng lớn hiện nay là đổi mới công nghệ nhanh chóng vì thị trường thay đổi rất nhanh. Chúng ta phải có cơ chế để phát hiện và đào tạo ra những cán bộ trẻ ưu tú."

Đồng thời, Baidu cũng đưa ra kế hoạch nghỉ hưu cho các giám đốc điều hành cấp cao, chủ tịch Baidu - Zhang Yaqin và Phó chủ tịch cấp cao về nguồn nhân lực - Liu Hui liên tiếp tham gia kế hoạch nghỉ hưu.

Các sản phẩm Internet di động, từ sản phẩm ban đầu có thể chơi được, có thể xem và sử dụng được, đến nhãn hiệu được cá nhân hóa, phân phối thông minh, và công nghệ tiên tiến được cập nhật liên tục tham gia vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Khứu giác và độ nhạy của giới trẻ ngày càng trở thành những yếu tố then chốt quan trọng hơn trong cuộc cạnh tranh Internet di động này.

Ngược lại, những người sáng lập các công ty truyền thống sẽ chú ý nhiều hơn đến việc liệu những người kế nhiệm có thể khiến công ty hoạt động tốt hơn hay không.

Chủ tịch tập đoàn điện lạnh hàng đầu Trung Quốc Gree -Dong Mingzhu, 67 tuổi, đã nhiều lần nói rằng bà quan tâm nhất đến vấn đề người kế vị. Sau cuộc khủng hoảng cải cách vào năm 2020, bà nói với phóng viên của Caixin, "Mọi người đều thấy rằng không ai ở Gree có thể thay thế tôi. Tôi tự dặn lòng mình rằng tôi muốn nghỉ hưu trước vài năm, nhưng tôi luôn lo lắng về điều này. Tôi không thể rút lui và sau đó để doanh nghiệp sụp đổ".

Đây không chỉ là vấn đề của tập đoàn Gree. Các công ty như Lenovo, Huawei, Wahaha, Fuyao Glass, Haier, Evergrande,... về cơ bản đều đối mặt với vấn đề tương tự.

Một khó khăn nữa khi nghỉ hưu là ở những công ty này, người sáng lập rất nổi bật, họ không chỉ có quyền hành tuyệt đối trong công ty mà hình ảnh cá nhân của họ đã hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp.

Ông Nhậm Chính Phi chính là linh hồn của Huawei

Ví dụ, trong mắt của hầu hết mọi người, Huawei là Nhậm Chính Phi, và Nhậm Chính Phi là Huawei, hoặc, khi nói đến Fuyao Glass (công ty sản xuất đồ thủy tinh hàng đầu Trung Quốc), chắc chắn người ta sẽ nghĩ đến Cao Dewang. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, mọi động thái của nhà sáng lập đều liên quan đến sự thăng trầm của công ty.

Ngoài ra, thái độ của người sáng lập đối với việc nghỉ hưu cũng rất quan trọng. Bởi vì nghỉ hưu về cơ bản là một điều trái với bản chất con người: người sáng lập bỏ tâm huyết gây dựng công ty, làm cho nó lớn hơn và mạnh hơn, nhưng điều khó khăn nhất mà họ phải đối mặt trong sự nghiệp sau này của mình là loại bỏ chính mình khỏi "đứa con tinh thần".

Khi bắt đầu kinh doanh, Jack Ma đề xuất đưa Alibaba trở thành công ty 102 năm tuổi. Để đạt được mục tiêu của mình, Alibaba đã tạo ra một cơ chế đối tác duy nhất để thiết lập một hệ thống nhân tài và người kế thừa. Đây cũng thuộc chiến lược trẻ hóa bộ máy lãnh đạo Alibaba mà Jack Ma đề ra. Do đó, Jack Ma có thể rút lui dễ dàng sau hậu trường ở tuổi 55.

Đối mặt với vấn đề nghỉ hưu, ông Cao Dewang hơi truyền thống hơn. "Cái giá mà đất nước phải trả để ươm mầm một doanh nhân là quá lớn, nên tôi nghĩ việc rút lui không dễ dàng gì, hãy kiên định ở tiền tuyến như ngọn nến, sau khi cháy hết nến mới gọi là cống hiến".

Khi được hỏi có kế hoạch nghỉ hưu hay không, ông Cao thẳng thắn nói rằng ông cần có trách nhiệm với công ty, "75 tuổi đã là gì? Tôi tin rằng tôi sẽ làm việc đến 100 tuổi".

Ở góc độ thực tế, việc Cao Dewang "không yên tâm" là điều dễ hiểu. Một mặt, các doanh nhân hy vọng rằng sự phát triển trong tương lai của công ty có thể tiếp tục kế thừa các gien của tổ chức ban đầu, và tốt nhất là kế thừa kinh nghiệm thành công trước đó.

Mặt khác, toàn bộ ngành hiện đang đối mặt với một tình huống bất ổn phức tạp trong tình hình dịch bệnh. Đối với những người kế nhiệm, họ phải có khả năng nhận thức các xu hướng trong tương lai và thúc đẩy sự đổi mới liên tục của công ty và sản phẩm.

Về lý do nghỉ hưu của Zhang Yiming, Niu Wenwen, người sáng lập và chủ tịch của Dark Horse Ventures, nói rằng ông đồng ý từ tận đáy lòng: "Thế hệ doanh nhân này thực sự khác với các thế hệ doanh nhân Trung Quốc trước đây. Họ thực sự tin rằng công nghệ sớm muộn đều thay đổi. Bất kể là nghỉ hưu nhanh chóng, tiếp tục ở tuyến đầu hay ấp ủ các hoài bão mới, những vấn đề đổi mới trong quá trình kế thừa doanh nghiệp, kế thừa văn hóa và phát triển bền vững đều không dễ dàng."

Theo Sina

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tai-sao-ong-lon-cua-cac-cong-ty-cong-nghe-khong-lo-trung-quoc-lai-chon-nghi-huu-som-post146065.html