Tại sao Olympic 2020 nên hoãn?

Nhật Bản và Ủy ban Olympic thế giới (IOC) đang phải hứng chịu chỉ trích vì chưa đưa ra quyết định hoãn Olympic 2020, dù đây là bước đi cần thiết.

Nước chủ nhà Olympic 2020 cũng đã bắt đầu nói tới khả năng hoãn Thế vận hội mùa hè 2020. Trả lời phỏng vấn tờ USA Today, thành viên hội đồng Olympic thế giới, ông Dick Pound, thậm chí khẳng định “quyết định hoãn Olympic đã được thông qua".

Tuy nhiên, Ủy ban Olympic thế giới (IOC) vẫn đưa ra luận điểm “đừng quên còn 4 tháng nữa Olympic mới diễn ra” và cho Nhật Bản thời hạn lên tới 4 tuần để đánh giá tình hình. Tuy nhiên, sự chần chừ của IOC và Nhật Bản đều đang phải hứng chịu cơn giận dữ.

 Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang kỹ càng trong ngày ngọn đuốc Olympic cập bến xứ sở hoa anh đào. Ảnh: AP.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang kỹ càng trong ngày ngọn đuốc Olympic cập bến xứ sở hoa anh đào. Ảnh: AP.

Một kỳ Olmypic chất lượng thấp

Có những con số mà nước chủ nhà đã công khai từ lâu: Họ mất 1,35 nghìn tỷ yên để đầu tư cho Olympic, cao gấp 7 lần con số ban đầu. Bản quyền truyền hình của Olympic cũng đã được bán với mức giá lên tới 3 - 4 tỷ USD. Người Nhật vốn chu đáo nên sự chuẩn bị cho Olympic của họ kỹ lưỡng và kỳ công hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng.

Tuy nhiên, bất chấp những hệ lụy về kinh tế, bao nhiêu công sức có thể đổ sông đổ biển, Olympic Tokyo 2020 vẫn nên hoãn. Tại sao?

Thứ nhất, nếu Olympic vẫn diễn ra vào mùa hè năm nay, đó là điều cực kỳ thiếu công bằng với cả người hâm mộ lẫn các vận động viên. Các khu tập huấn cửa đóng then cài, mọi hoạt động đình trệ. Huấn luyện viên một nơi, vận động viên một nẻo. Nhiều vận động viên boxing, điền kinh phải mượn mạng xã hội than thở họ phải tập theo giáo án tại nhà, cốt chỉ để giữ thể trạng.

Các đội tuyển bóng đá Olympic không thể tập trung để tiến hành lắp ghép đội hình, tập chiến thuật. Theo các bác sĩ thể thao, với hiện trạng các giải vô địch quốc gia cũng hoãn, việc cầu thủ trở lại với thể trạng tệ, thậm chí là đối mặt với nguy cơ tăng cân, là rất lớn.

Như vậy, nếu Olympic diễn ra, một lượng lớn vận động viên không đạt được phong độ tốt nhất để thi đấu. Chất lượng các môn thi sẽ bị ảnh hưởng, thành tích sẽ tệ đi ngay cả khi so sánh với những cuộc thi ở cấp độ thấp hơn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cảm xúc của người xem mà đối với quốc gia coi trọng tinh thần thượng võ như Nhật Bản, thì việc mang tới một giải đấu kém chất lượng cũng là nước đi nhàm chán.

Olympic là ngày hội thể thao để vận động viên vươn tới đỉnh cao. Có những kỷ lục cũ bị phá vỡ và kỷ lục mới được xác lập; có những giới hạn được chinh phục trong giọt nước mắt hạnh phúc… Tất cả cảm xúc đặc quyền của Olympic sẽ không thể tới nếu các vận động viên dự giải với phong độ và thể trạng kém.

Thứ hai, trong rất nhiều phát biểu về Olympic, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đều đưa ra các tuyên bố Olympic sẽ là thời khắc để nước Nhật đưa ra tuyên ngôn của mình với toàn thế giới.

Olympic 2020 đang vấp phải làn sóng tẩy chay của nhiều đoàn thể thao. Mới đây, cả Úc và Canada đều tuyên bố sẽ không tham dự. Ảnh: Reuters.

Trong tuần qua, ông Abe cũng phát biểu Olympic 2020 tiếp tục diễn ra sẽ là “một bằng chứng cho thấy, sức mạnh của con người sẽ chiến thắng dịch”. Những phát biểu kiểu này bị thế giới đánh giá là thiếu thực tế. Dịch bệnh cần có thuốc để chữa chứ nó không thể sớm biến mất.

Tảng băng ngầm vẫn đang trôi

Thứ ba và cũng là lý do trực tiếp nhất: Diễn biến của dịch là cực kỳ khó lường và hiệu quả khống chế dịch của Nhật Bản vẫn là một dấu hỏi với thế giới. Rạng sáng 23/2 (theo giờ địa phương), Canada và Australia đã tuyên bố sẽ không gửi đoàn vận động viên tới Nhật thi đấu kể cả khi Olympic diễn ra.

Nhiều vận động viên như Johnson-Thompson (VĐV điền kinh của Anh), Tom Bosworth (đi bộ, Anh), Stefanidi (nhảy sào, Hy Lạp) đều đồng loạt lên tiếng phản đối. Họ có chung quan điểm: Tham dự Olympic là sự mạo hiểm không cần thiết.

Những thông tin này được đăng lên các mạng xã hội của Nhật và ở phần bình luận, rất nhiều người cho rằng lo lắng của các đoàn thể thao và vận động viên là hợp lý.

Trong phần bình luận, một người có tên Naoto đã để lại đường dẫn của bài viết với tiêu đề: “Tokyo có thể sẽ bị phong tỏa nếu dịch bùng phát”. Bài viết trích lời của thống đốc Tokyo về việc thủ đô của Nhật Bản có thể đứng trước nguy cơ bị phong tỏa nếu người dân chủ quan với dịch.

Thủ đô Tokyo có thể bị phong tỏa nếu dịch bùng phát. Ảnh: AP.

Có vẻ như chính quyền thành phố Tokyo cũng đã bắt đầu thừa nhận sự lan rộng của dịch. Sở dĩ ca nhiễm của Nhật chưa vượt quá 1.000 hoàn toàn là do tỷ lệ xét nghiệm còn thấp chứ nguy cơ tiềm ẩn là cao. Đây là lý do trực tiếp nhất dẫn tới việc Olympic nên hủy hoặc hoãn sang năm sau.

Ngoài ra, có một câu chuyện bên lề thế này: Trong khoảng nửa tháng gần đây, những sản phẩm đồ uống dạng lon và chai ăn theo Olympic đã biến mất khỏi các máy bán hàng tự động. Đây có thể là hệ quả của việc các nhà tài trợ bắt đầu ngừng mọi chiến dịch quảng cáo ăn theo Olympic.

Kiều Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tai-sao-olympic-2020-nen-hoan-post1063144.html