Tại sao những vụ xả súng ở Mỹ ngày càng trở nên nguy hiểm?

Ba trong số sáu vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ xảy ra chỉ trong 16 tháng qua.

Vụ xả súng đầu tiên tại Mỹ diễn ra năm 1949 tại Camden, New Jersey với 13 người chết khi cựu chiến binh Howard Unruh đã ra tay giết hại những người hàng xóm của mình. Các vụ xả súng đẫm máu khác được ghi nhận trong thời gian sau đó là vào năm 1966, khi 16 người bị giết hại trong khuôn viên trường đại học tại Austin, Texas và vào năm 1984, khi 21 người thiệt mạng trong vụ xả súng trong cửa hàng McDonald's tại San Ysidro, California năm 1984.

Tuy nhiên, đó chưa là gì so với những vụ xả súng trong thời gian gần đây tại Mỹ. Chỉ trong vài tháng cuối năm 2017, những kẻ thủ ác đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong các cuộc tấn công Las Vegas, Nevada và Sutherland Springs, Texas, khiến tổng cộng gần 100 người thiệt mạng. Trước đó, tháng 6/2016, vụ việc tương tự cũng đã diễn ra tại một hộp đêm ở Orlando, Florida, khiến 49 người thiệt mạng.

Cuộc tấn công ở Las Vegas đã sát hại nhiều người nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. (Nguồn: Getty)

Sự gia tăng đột ngột về cả tần suất lẫn thương vong trong các vụ tấn công đã khiến cho nhiều người lo ngại. Vậy đâu là nguyên nhân của làn sóng bạo lực nguy hiểm này?

Vũ khí mạnh và nhanh hơn

Đầu tiên, một số chuyên gia cho rằng việc vũ khí ngày càng trở nên hiện đại đã “tiếp tay” cho giấc mộng kinh hoàng của người Mỹ. Nhiều kẻ tấn công đã sử dụng vũ khí bán tự động với băng đạn lớn, cho phép bắn hàng chục viên đạn mà không cần phải nạp lại. David Hemenway, giáo sư Trường Y tế Công thuộc Đại học Harvard giải thích: "Với số lượng đạn lớn, sẽ có nhiều nạn nhân trong một khoảng thời gian rất ngắn”.

Thật vậy, số người chết rõ ràng tăng lên khi kẻ thủ ác sử dụng súng tiểu liên. Adam Lanza, kẻ đã giết hại 26 người tại trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut năm 2012, James Holmes, kẻ đã giết chết 12 người tại rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado trong cùng năm, đều đã sử dụng loại vũ khí này.

Bàn về luật pháp, một nhóm các nhà nghiên cứu cho biết, năm 1994 lệnh cấm vũ khí bán tự động và băng đạn với công suất cao đã được thông qua, nhưng lại bị thu hồi vào năm 2004. Họ cho rằng điều này đã đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên mới, với những cuộc tấn công hàng loạt.

Sau vụ thảm sát ở Sandy Hook, một đạo luật cấm súng bán tự động hay vũ khí tấn công nói chung đã được thông qua tại Connecticut. Tuy nhiên, các bang khác lại xem nhẹ việc này, ví như ở Georgia, nơi cho phép mọi người mang vũ khí đến lớp học, câu lạc bộ đêm và những nơi khác.

Việc sử dụng vũ khí bán tự động đã làm tăng số lượng nạn nhân trong các vụ tấn công. (Nguồn: Getty)

Kẻ thủ ác lên kế hoạch kỹ lưỡng

Theo tạp chí Homicide Studies, hầu hết những kẻ thực hiện các vụ tấn công hàng loạt đều lên kế hoạch cẩn thận và chuẩn bị chu đáo để có thể giết được nhiều người hơn. Các cuộc tấn công thường diễn ra ở những nơi đông đúc, như tại rạp chiếu phim Batman ở Aurora, Colorado năm 2012 hay buổi hòa nhạc ở Las Vegas với sự tham dự của 22.000 người. Với đám đông như vậy, kẻ tấn công thậm chí không cần ngắm bắn mà chỉ cần chãi súng vào đám đông.

Truyền thông vô tình truyền cảm hứng cho kẻ tấn công

Thật vậy, thông tin về những vụ tấn công, bắn súng hàng loạt đã được phổ biến rộng rãi. Các trang mạng trực tuyến cung cấp thông tin 24h trong ngày về những cuộc tấn công. Kẻ thủ ác cũng đăng tin trên mạng xã hội trước hoặc sau khi thực hiện các vụ tấn công.

Tuy các tin tức không làm tăng số người chết trong các vụ tấn công, nhưng các nhà báo thường tập trung đăng tải chân dung kẻ giết người, cung cấp chi tiết về cuộc sống của chúng. Điều này đã vô tình tôn vinh những cá nhân này và hành động man rợ của chúng.

Những kẻ tấn công ganh đua với nhau

Dylan Klebold, một trong những kẻ tấn công trường Trung học Columbine ở Littleton, Colorado năm 1999, cho biết mục tiêu của y là “giết được nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Trở thành một kẻ tấn công hàng loạt nổi tiếng có thể là câu chuyện hoang đường, nhưng lại có sức thu hút nhất định đối với một số người. Nhiều kẻ thủ ác thực hiện những vụ tấn công hàng loạt chỉ để chứng tỏ bản thân mình “giỏi” hơn người đi trước.

Tất cả những kẻ tấn công đều muốn được mọi người biết đến sau khi chết. Điều này khiến chúng có một quyết tâm mạnh mẽ. Để đạt thứ hư danh này, chúng đã không ngại ngần gieo rắc cái chết cho bao người vô tội.

Phạm Triệu Lập

(theo BBC)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tai-sao-nhung-vu-xa-sung-o-my-ngay-cang-tro-nen-nguy-hiem-61824.html