Tại sao những mảng màu giúp tác giả thành họa sĩ xuất chúng?

Với cách phủ kín tấm vải nền rộng bằng những lớp màn màu sắc, Rothko được giới phê bình tán dương rằng ông là họa sĩ duy cảm và sành sỏi về màu sắc.

Vô đề là tác phẩm sơn dầu trên vải, kích thước 206,7x168,6 cm, hiện thuộc Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC, Mỹ.

Được liệt vào trường phái New York, một nhóm các họa sĩ hoạt động mạnh mẽ trong suốt thập niên 1940, Mark Rothko (1903-1970) được xem là họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng, mặc dù ông phản bác lại điều này cũng như các danh xưng khác.

Với cách phủ kín tấm vải nền rộng bằng những lớp màn màu sắc, Rothko còn được gọi là một họa sĩ tranh Mảng màu, nhưng ông cũng đã từ chối tên gọi này, và nói rằng màu sắc đối với ông “chỉ là một công cụ đơn thuần”.

 Tranh Vô đề của Mark Rothko. Ảnh từ sách Câu chuyện nghệ thuật.

Tranh Vô đề của Mark Rothko. Ảnh từ sách Câu chuyện nghệ thuật.

Ngay sau Thế chiến II, ông bắt đầu khám phá khả năng biểu đạt tiềm năng của các mảng giống như hình chữ nhật đậm màu, trông chúng có vẻ như đang trôi và chảy dạt qua những tấm toan của ông.

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác của phái New York, Rothko sử dụng những hình ảnh mang tính trừu tượng để diễn đạt những cảm xúc của ông về thân phận con người và chính sự mãnh liệt về cảm xúc này đã khiến cho các tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng, đồng thời nâng cao vị thế của hội họa trừu tượng.

Với những lớp màn màu sắc được kết hợp một cách khác thường, giới phê bình dành cho ông những lời tán dương rằng ông là một họa sĩ duy cảm và sành sỏi về màu sắc, nhưng ông không ưa những lời ca tụng này bởi ông cho rằng chúng làm mất đi tầm quan trọng trong tác phẩm của mình.

Ông cũng rất ghét mọi so sánh giữa các tác phẩm của ông với tranh phong cảnh, bởi ông đã phát biểu rằng những bức tranh của ông nhằm mục đích “diễn tả những cảm xúc cơ bản của con người - sự bi thương, mê đắm, bất hạnh và vân vân”.

Sự tương phản giữa sáng và tối, màu nóng và màu lạnh là những nỗ lực không hề giấu giếm của ông nhằm thể hiện quan điểm của mình về những xung đột và khó khăn của đời sống hiện đại.

Để tạo nên sự đa dạng tinh tế của màu sắc, sắc độ và kết cấu bề mặt, Rothko đã sử dụng nhiều lớp màu, thay đổi bút pháp để tạo nên sự chuyển độ nhẹ nhàng hoặc mãnh liệt.

Họa sĩ Mark Rothko. Ảnh: Oggito.

Mark Rothko là một trong những họa sĩ xuất chúng so với các nhân vật cùng thời, Rothko đã trải qua nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau cho đến khi ông phát triển phương pháp sử dụng các mảng màu hình chữ nhật mềm mại.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết học của Friedrich Nietzsche (1844-1900) và di sản văn hóa Do Thái - Nga của chính mình, những tác phẩm trừu tượng của Rothko chú trọng vào màu sắc, sự cân bằng, chiều sâu và tỷ lệ, nhưng chúng cũng thấm đượm những cảm xúc bên trong mà ông mong muốn người xem cảm nhận được một cách vô thức.

Các tác phẩm khác của Rothko: Vô đề (Tím, Đen, Da cam, Vàng trên nền Trắng và Đỏ) 1949, Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York, Mỹ; Số 10 1950, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, New York, Mỹ; Màu Đen trên nền Nâu sẫm 1959, Tate Modern, London, Anh.

Hiền Đỗ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-nhung-mang-mau-giup-tac-gia-thanh-hoa-si-xuat-chung-post1100986.html