Tại sao nhiều quốc gia vẫn thi trắc nghiệm trên giấy?

Trong khi Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng hình thức thi THPT Quốc gia trên máy tính, tại nhiều quốc gia giáo dục phát triển vẫn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức nhiều lần trong năm, nhưng chủ yếu là thi trên giấy, dưới hình thức trắc nghiệm, hoặc áp dụng cả hai hình thức trên giấy và trên máy tính.

Thi THPT Quốc gia trên máy tính, giải pháp tốt song cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai chính thức. Ảnh: V.N.U

Thi THPT Quốc gia trên máy tính, giải pháp tốt song cần nghiên cứu kỹ trước khi triển khai chính thức. Ảnh: V.N.U

Ở Mỹ vẫn thi trắc nghiệm trên giấy

Theo Bộ GD&ĐT, đề xuất tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức thi trên máy tính dựa trên nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khảo thí độc lập trên thế giới như: SAT, ACT... cũng như từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính trong những năm 2014, 2015, 2016 ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trên thực tế, các kỳ thi mà Bộ GD&ĐT nêu ví dụ, hiện nay vẫn đang áp dụng hình thức phổ biến là trắc nghiệm và bài viết. Cụ thể, tại Mỹ, kỳ thi American College Testing (ACT) được biết đến là bài thi xét tuyển đầu vào Đại học hàng đầu tại Mỹ, với hơn 2 triệu học sinh dự thi hàng năm. Kết quả thi được các trường đại học ở Mỹ công nhận. Kỳ thi ACT có áp dụng hình thức trên máy tính, với 4 phần thi Trắc nghiệm bắt buộc: Tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu, Khoa học và 1 phần thi Viết tự chọn.

Tuy nhiên, hiện nay kỳ thi ACT vẫn sử dụng cả phương án thi trên giấy. Từng dự kỳ thi này, Huy Dương, du học sinh tại Chicago (Mỹ) cho biết: "Cấu trúc bài thi ACT có 4 phần trắc nghệm và phần viết. Bài thi ACT bao gồm 215 câu hỏi trắc nghiệm, có nghỉ giải lao giữa giờ thi. Dù kỳ thi được nhiều người biết đến, song đối với học sinh trung học, vẫn chủ yếu là thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy là chính, mỗi thí sinh một bàn. Tổng bài thi là 36 điểm, nhưng rất khó để đạt điểm cao, thông thường chỉ cần đạt 22/36 điểm được coi là thông minh và đỗ vào nhiều trường đại học".

Tương tự, kỳ thi SAT của Mỹ cũng là một trong những kỳ thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển vào các trường Đai học. SAT được quản lý bởi tổ chức phi lợi nhuận College Board của Hoa Kỳ và được phát triển bởi tổ chức ETS - Educational Testing Service (Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ). Kỳ thi này chia thành 2 loại, đó là SAT I, và SAT II. Hình thức thi của kỳ thi này tất cả đều trắc nghiệm (trên giấy) ngoại trừ một số môn đặc biệt có những cách thi riêng như: Sinh học hoặc các môn ngoại ngữ (phần thi nghe), Toán.

Tại một số quốc gia khác như: Anh, Úc… tốt nghiệp bậc trung học (tương đương THPT của Việt Nam) là khá dễ dàng để vào trường cao đẳng, đại học, không qua nhiều khâu thi cử mà căn cứ vào điểm khi tốt nghiệp THPT. Ví dụ như tại Anh, ngay từ trung học, học sinh đã được định hướng nghề, sau lựa chọn của mình đăng ký sẽ được học các môn tương ứng và khi học xong trung học sẽ vào cao đẳng hay đại học theo sở thích, hoặc điểm đạt được.

Nên áp dụng song song?

Tại Việt Nam, thi trên máy tính (kỳ thi đánh giá năng lực) của Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức duy trì trong 3 năm 2014 - 2016 và tạm dừng ở năm 2017. Còn tại kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM lại tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên giấy, nhưng vẫn thu hút đông đảo thí sinh tham dự trong năm 2019. Như vậy, sau 3 năm thực hiện kỳ thi trên máy tính, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tạm dừng kỳ thi này, trong khi đó ĐH Quốc gia TP.HCM lại khá thành công trong kỳ thi đánh giá năng lực thông qua hình thức thi trắc nghiệm trên giấy.

Như vậy, có thể thấy rằng trong khi các quốc gia giáo dục phát triển vẫn duy trì hình thức thi vào đại học theo phương thức trắc nghiệm và thi viết, hoặc thi trên máy tính (không phổ biến dành cho bậc trung học). Tại Việt Nam, lại đang xây dựng phương thức thi trực tuyến này và coi đây là "cứu cánh" nhằm giảm gian lận thi cử. Thi trên máy tính tại kỳ thi THPT Quốc gia, phương thức này dù được đồng tình, nhưng vẫn còn băn khoăn bởi tổ chức thi tốn kém (gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị…) nhưng vẫn có thể bị con người tác động. Một số chuyên gia giáo dục nhận định, dù có ưu việt hơn với thi trên giấy, nhưng không có giải pháp nào là tuyệt đối. Thực tế, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, gian lận trong chấm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cho thấy, cán bộ tham gia công tác chấm thi đã can thiệp vào bài thi, sửa điểm thi trên máy tính.

Trước đề xuất của Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến đồng tình với phương án đưa công nghệ vào kỳ thi nhưng phải có lộ trình và có tính toán tới điều kiện của các vùng miền khác nhau và có thể áp dụng cả hai phương thức thi trên giấy và thi trên máy. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng: "Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng cần tính toán đến vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính, phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy".

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tai-sao-nhieu-quoc-gia-van-thi-trac-nghiem-tren-giay-20191002182521421.htm