Tại sao nhiều người hâm mộ không ưa Hoffenheim-Dietmar Hopp?

Các cổ động viên không công nhận Hopp là người mang đến những thành công thể thao. Một phần lý do là vì Hopp đã xin được quyền miễn trừ khỏi quy tắc 50+1 của bóng đá Đức.

Cổ động viên không ưa gì Dietmar Hopp.

Cổ động viên không ưa gì Dietmar Hopp.

Chủ tịch câu lạc bộ Hoffenheim, Dietmar Hopp, đang là mục tiêu của sự giận dữ từ người hâm mộ. Tại sao ông ta lại trở thành một hình mẫu đáng ghét như vậy?

Dietmar Hopp là ai?

Dietmar Hopp là một doanh nhân người Đức cực kỳ thành đạt. Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư, Hopp làm việc cho IBM trong vài năm với tư cách một nhà phát triển phần mềm và tư vấn hệ thống.

Năm 1972, ông và bốn người cộng sự tách ra hoạt động độc lập, và thành lập công ty phần mềm SAP, ở đó ông giữ chức chủ tịch từ năm 1988 đến năm 1998. SAP về sau trở thành tập đoàn công nghệ thông tin lớn thứ ba thế giới, sau Microsoft và Oracle.

Hopp đã rút khỏi công ty vào năm 2003, nhưng vẫn nắm giữ 5,52% cổ phần tại SAP, công ty có giá trị thị trường lớn nhất tại Đức. Người đàn ông 79 tuổi này là một tỷ phú và là một trong những người giàu nhất nước Đức.

Năm 1995, ông thành lập Quỹ Dietmar Hopp. Quỹ này đã vận động được khoảng 600 triệu euro (664 triệu USD) tiền quyên góp từ thiện, chủ yếu cho các lĩnh vực thể thao, y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội.

Các hoạt động của Quỹ tập trung tại vùng Kraichgau ở miền tây nam nước Đức, nơi Hopp sinh ra và đang cư trú.

Mối liên hệ giữa Hopp và giải bóng đá Đức

Hopp được biết đến nhiều nhất nhờ mối liên hệ với TSG 1899 Hoffenheim, câu lạc bộ mà ông từng phục vụ thời trẻ. Khi đó, Hoffeinheim vẫn còn là một câu lạc bộ nghiệp dư và không được ai biết đến, trừ người dân tại Kraichgau.

Chủ tịch Hoffenheim Dietmar Hopp. (Nguồn: Getty Images)

Nhờ sự đầu tư mạnh tay của Hopp, trong giai đoạn 1990-2001, từ chỗ là một câu lạc bộ cấp làng, Hoffenheim đã được thăng từ giải hạng tám lên giải hạng ba trong hệ thống các giải bóng đá tại Đức.

Năm 2005, Hopp bắt đầu bơm thật nhiều tiền cho đội bóng, một phần trong kế hoạch đưa câu lạc bộ đến với Bundesliga. Một nước đi quan trọng trong kế hoạch này là việc thuê Ralf Rangnick - người hiện đang là giám đốc thể thao của câu lạc bộ RB Leipzig - làm huấn luyện viên trưởng.

Với sự hỗ trợ tài chính của Hopp, Rangnick có thể tiếp cận với những cầu thủ mà không đội bóng nào trong giải có thể chi trả để chiêu mộ, và dưới sự dẫn dắt của ông, Hoffenheim đã được thăng lên giải hạng nhì vào năm 2007 và gia nhập Bundesliga vào năm 2008.

Ngoài việc chi tiền mạnh tay, Hopp còn xây dựng hai sân vận động và một trung tâm đào tạo hiện đại. Tổng cộng, số tiền mà Hopp đã đầu tư cho câu lạc bộ có thể lên đến hơn 350 triệu euro.

Tuy nhiên, một phần nhờ thu nhập từ việc bán cầu thủ, Hoffenheim đã không còn phụ thuộc vào nguồn tiền của Hopp trong vài năm qua.

Điều gì khiến các cổ động viên đối lập tức giận?

Các cổ động viên quá khích và người hâm mộ các câu lạc bộ khác không công nhận Hopp là người mang đến những thành công thể thao. Một phần lý do là vì Hopp đã xin được quyền miễn trừ khỏi quy tắc 50+1 của bóng đá Đức. Quy tắc này được thiết kế để ngăn việc một nhà đầu tư duy nhất nắm giữ đa số cổ phần của bất kỳ câu lạc bộ nào.

Cổ động viên Dortmund phản đối Hopp.

Những người chỉ trích Hopp cho rằng ông là hiện thân của việc thương mại hóa bóng đá. Họ coi Hoffenheim như kẻ đã cướp một vị trí tại Bundesliga khỏi tay những câu lạc bộ khác có lịch sử chuyên nghiệp hơn.

Cổ động viên của Borussia Dortmund công khai chỉ trích Hopp. Từ năm 2008, họ bắt đầu mang đến sân vận động những biểu ngữ có hình một người khá giống Hopp ở vị trí hồng tâm trong ống ngắm của xạ thủ.

Giám đốc điều hành của BVB, Hans-Joachim Watzke đã lên tiếng cảnh báo trước những gì mà ông gọi là "các câu lạc bộ trong ống nghiệm" và kêu gọi Hiệp hội bóng đá Đức (DFL), đơn vị điều hành giải Bundesliga, điều tra Hoffenheim.

Xung đột được đẩy lên một nấc mới vào năm 2011, khi phát hiện vụ việc các cổ động viên của Dortmund phải chịu đựng tiếng ồn nhân tạo được truyền vào sân thông qua hệ thống âm thanh công cộng, trong một trận đấu tại Hoffenheim. Ý tưởng này được áp dụng để át đi bất kỳ tiếng la ó nào phản đối Hopp.

Theo các nguồn tin, chỉ có duy nhất một nhân viên của câu lạc bộ là chủ mưu, nhưng những người chỉ trích Hopp cáo buộc ông đã bí mật ủng hộ ý tưởng này.

Kể từ đó, các biểu ngữ chống Hopp được giương cao, và những tiếng la ó phản đối vang lên ở hầu hết mọi trận đấu giữa hai câu lạc bộ.

Vì sao lại có nhiều cuộc biểu tình như vậy hồi cuối tuần qua?

Một lượng lớn biểu ngữ chống Hopp lại được giương lên, và người hâm mộ thực sự chỉ trích cái mà họ cho là một sự vi phạm lời hứa của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) sau khi áp đặt lệnh cấm không cho cổ động viên của Dortmund đến dự các trận đấu ở Hoffenheim trong hai năm sau khi chứng kiến sự xuất hiện liên tục của các biểu ngữ chống Hopp.

Năm 2017, Reinhard Grindel, chủ tịch DFB lúc đó đã cam kết chấm dứt các hình phạt tập thể dành cho người hâm mộ vì những lý do như bắn pháo sáng trái phép trong sân vận động, mặc dù điều này chưa bao giờ được Liên đoàn Bóng đá Đức áp dụng như một chính sách chính thức.

Tại một trong những cuộc "biểu tình" diễn ra cách đây gần 3 tuần, những cổ động viên quá khích của Bayern trưng ra những biểu ngữ tại Hoffenheim, một trong số đó có ghi dòng chữ "tên khốn." Hành động này diễn ra vào gần cuối trận đấu, khi tỷ số là 6-0 nghiêng về Bayern.

Các cầu thủ và lãnh đạo của Bayern đã tiến đến góc khán đài nơi các biểu ngữ được giương lên và tìm cách thuyết phục các cổ động viên hạ chúng xuống.

Cầu thủ Bayern và Hoffenheim ban chuyền qua lại sau khi cổ động viên phản đối Hopp.

Trọng tài buộc phải tạm dừng trận đấu để đối phó với bạo lực bên trong sân vận động. Khi trận đấu được tiếp tục, cầu thủ của cả hai đội đã tập trung ở vòng giữa sân ban chuyền và nói chuyện với nhau cho hết giờ.

Giải pháp đã có trong tầm ngắm?

Câu trả lời là chưa. Nếu có, thì chỉ có các quan điểm đang được củng cố. Lo sợ sẽ bị xem như "những chú hổ giấy," DFB và DFL đang dần dần xử lý nghiêm bất kỳ hành vi sai trái nào trong sân vận động.

Trong trận đấu hôm Chủ Nhật giữa Union Berlin và Wolfsburg, bước đầu tiên trong kế hoạch ba bước đã được thực hiện, khi người hâm mộ của Union giương lên một biểu ngữ tương đối vô hại và không xúc phạm Hopp một cách cá nhân.

Trận đấu đã bị tạm dừng và một thông báo đã được đưa ra trên hệ thống âm thanh công cộng. Ngay trước giờ nghỉ giải lao, các cổ động viên quá khích đã giương ra một biểu ngữ khác - lần này có hình Hopp ở hồng tâm với những từ ngữ xúc phạm cá nhân chủ tịch Hoffenheim. Trọng tài đã áp dụng bước thứ hai bằng cách dẫn cả hai đội rời sân.

Mọi chuyện chỉ kết thúc sau khi một lời kêu gọi được đưa ra thông qua hệ thống âm thanh cùng một cảnh báo rằng bất kỳ sự cố nào khác cũng sẽ dẫn tới việc hủy bỏ trận đấu.

Cả hai bên đều ngày càng tập trung cố thủ: trong khi người hâm mộ cảm thấy họ đang bị coi như những kẻ phạm tội và thậm chí còn bị xét ngang với những kẻ khủng bố, DFB và DFL không còn sẵn sàng chịu đựng những biểu ngữ xúc phạm và bày tỏ quan điểm chỉ trích nữa.

Các cuộc thảo luận về việc giải quyết xung đột giữa DFL, DFB và cổ động viên đã bị phá vỡ vào hồi cuối mùa hè năm 2018.

Trong khi DFB và DFL muốn Bundesliga diễn ra suôn sẻ, người hâm mộ - đặc biệt là những người tự coi mình là người bảo vệ cho văn hóa bóng đá chân chính - muốn những quan ngại của mình được lắng nghe và được chấp nhận như những đối tác ngang hàng thay vì chỉ là những người trả tiền để xem bóng đá./.

Kim Anh (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tai-sao-nhieu-nguoi-ham-mo-khong-ua-dietmar-hopp/629058.vnp