Tại sao nhiều nghệ sĩ rất cần huy chương?

Nghệ sĩ là nghề rất cần danh, hay nói cách khác, danh xưng vô cùng quan trọng với nghệ sĩ. Chẳng có nghệ sĩ nào muốn cả đời chỉ đóng vai phụ, chạy qua sân khấu, hay tên tuổi làng nhàng, xuất hiện vài ba phút trên phim truyền hình.

Chắc nghệ sĩ nào cũng muốn mỗi lần mình xuất hiện là mọi người phải trầm trồ, thán phục, ngưỡng mộ, chụp ảnh, xin chữ kí. Nhưng chữ danh kia cũng có ba bảy. Từ khi có danh xưng NSND, NSƯT cũng như là thước đo cho sự cống hiến của người nghệ sĩ. Nhưng tấm vé để vào cánh cổng NSND, NSƯT là phải đủ số huy chương mà người nghệ sỹ ấy đoạt được, từ đấy mở ra nhiều điều…

Trích vở “Thị Nở - Chí Phèo” trên sân khấu kịch

Trích vở “Thị Nở - Chí Phèo” trên sân khấu kịch

Từ chục năm trước, một lần vào buổi chiều tôi nhận được cuộc điện thoại của danh hài Xuân Hinh, lúc này anh đang là diễn viên chèo của Nhà hát Chèo Hà Nội, tên tuổi đã nổi như cồn từ nhiều năm trước đó. Giọng anh vừa buồn, vừa bực, vừa cáu vì đợt đó anh bị trượt phong danh hiệu NSND. Xuân Hinh là diễn viên thiên về vai hề chèo, có lẽ diễn hề chèo ở Việt Nam hiện nay khó ai có thể vượt được anh. Trong những năm trước đó, anh cũng là người tiên phong, đau đáu với loại hình nghệ thuật hát văn, đã tự nghiên cứu, hát và đưa hát văn, diễn xướng vào những giá hầu đồng góp phần sau này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Anh bảo, trong hội đồng cho giải thưởng đi lên từ cấp cơ sở, rồi cấp thành phố, cấp Trung ương, có 1, 2 người không thích anh, họ gạt tên anh ra. Mà anh biết người đó là ai. Họ lấy lí do thiếu một cái huy chương, anh từng này tuổi rồi chẳng nhẽ lại tranh nhau vài huy chương với bọn trẻ trong nhà hát. Sau đợt đó, tôi thấy anh trùng xuống ít nói hẳn đi, anh bảo nói nhiều người ta lại ghét cho nên anh cũng không có ý kiến gì nữa. Nhưng rồi mấy năm sau lại một đợt xét duyệt nữa, anh lại trượt danh hiệu NSND thêm lần nữa. Vài ba lần như vậy, anh nản hẳn, không còn gửi bằng khen, giấy khen, huy chương lên hội đồng xét duyệt nữa. Anh bảo tôi: “Từ giờ em viết về anh, không cần danh hiệu gì nữa, em cứ viết danh hài Xuân Hinh. Đất nước mình không thiếu gì NSND, NSƯT, nhưng danh hài, thì đếm không quá một bàn tay…”. Tôi biết, anh nói với tôi nhưng cũng là đang an ủi chính mình.

Cảnh trong Vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát kịch Việt Nam

Lần khác tôi qua chơi với NSƯT Minh Vượng, khi nói về danh hiệu, chị bảo: “Chị chẳng quan tâm đến bản thân chị đâu, nhưng chị cứ nghĩ đến bác Trần Hạnh là chị lại xót lắm. Bác Trần Hạnh và chị cùng làm việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội cho đến khi về hưu. Ngoài cả đời gắn bó với sân khấu, bác còn năng nổ trong lĩnh vực phim truyền hình. Bác Trần Hạnh đến hơn 70 tuổi vẫn đạp xe đi đóng phim những ngày mùa đông mưa bão. Vào thời của chị và bác có mấy khi sân khấu tổ chức hội thi liên hoan để mà có giải huy chương vàng, bạc gì đâu. Nên nếu lấy tiêu chí huy chương thì quá thiệt thòi cho những người nghệ sĩ chân chính như bác Trần Hạnh…”.

Từ hôm ở nhà NSƯT Minh Vượng nghe câu chuyện chị cảm thán về bác Trần Hạnh thì đến chục năm sau, năm 2020, nghệ sĩ Trần Hạnh được nhận danh hiệu cao quý NSND ở tuổi 90. Ông là người cao tuổi nhất nhận danh hiệu NSND đợt đấy. Ngay sau khi nhận bằng ghi nhận, cánh phóng viên đứng xung quanh ông và hỏi ông đủ thứ ở tiền sảnh của Nhà hát Lớn. Người nghệ sĩ già ôm lấy tấm bằng khen trước ngực, khuôn mặt vẫn khắc khổ, nhân từ, hòa ái. Chỉ một năm sau ngày đón nhận danh hiệu, ông từ giã cõi đời để về miền xa thẳm.

Có rất nhiều nghệ sĩ tài danh khác của nền sân khấu và điện ảnh nước nhà chưa được phong NSND nhưng tên tuổi của họ đã ở trong lòng của nhiều thế hệ khán giả. NSƯT Thanh Tú thời trẻ công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội cho tới lúc về hưu. Bà đã diễn hàng trăm vai, hàng ngàn đêm diễn để phục vụ khán giả. Bà được khán giả cả nước biết đến qua vai cô Nhu trong bộ phim kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam “Sao Tháng Tám” và nhiều bộ phim kinh điển khác của thời phim còn hai màu đen - trắng. Nhưng đến nay gần bước vào tuổi 80, qua nhiều lần xét duyệt vẫn chỉ vì thiếu huy chương mà bà vẫn chỉ là NSƯT.

Đồng cảm với những trường hợp như của NSƯT Thanh Tú, ông Vi Kiến Thành bày tỏ: “Giới nghệ sĩ diễn viên rất nhiều anh em khi mang xin NSƯT cũng dốc hết số huy chương của mình vào đấy để xét duyệt rồi, sau đấy đến khi có danh hiệu NSƯT rồi thì tuổi tác đã cao, các cơ hội để tham gia các kỳ cuộc hội diễn liên hoan không còn nhiều nữa”.

NSƯT Thanh Quý - khuôn mặt vàng của làng điện ảnh nước nhà từ thập niên 80, 90 và ngay tại thời điểm này chị vẫn gom góp và cống hiện cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy những vai diễn có chiều sâu của số phận. Ở bất kể vai diễn nào chị cũng tìm tòi, khám phá để tạo nên một nhân vật đậm chất riêng của một nghệ sĩ tài năng. Tuy chị cũng có Huy chương vàng cho những kỳ liên hoan điện ảnh nhưng vẫn thiếu để xét duyệt lên danh hiệu NSND. Âu cũng là một thiệt thòi rất lớn cho nữ diễn viên tài năng vì chị không phải là một diễn viên thuộc lĩnh vực sân khấu mà chỉ chuyên tâm theo điện ảnh, truyền hình.

Nói về vấn đề xét duyệt giải thưởng, danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ; đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang (Hội đồng xét giải thưởng danh hiệu Nhà nước) cho biết: “Hai bộ môn nghệ thuật giữa sân khấu và điện ảnh, diễn viên sân khấu được huy chương vàng là rất nhiều, trong khi đó điện ảnh lại rất hiếm. Liên hoan phim Việt Nam chỉ diễn ra 2 năm 1 lần, gần 20 phim đi thi thì chỉ có duy nhất 1 huy chương vàng cho diễn viên nữ chính và 1 huy chương vàng cho nam chính xuất sắc. Trong đó sân khấu năm nào cũng có vài cuộc thi. Mà mỗi vở lại có 1 huy chương vàng, thậm chí là 2 huy chương vàng, vài ba huy chương bạc. Quy đổi tính hai huy chương bạc bằng một huy chương vàng. Sân khấu 20 vở đi thi thì sẽ có 20 huy chương vàng, và vô khối huy chương bạc, còn ở điện ảnh 20 phim thì chỉ có 1 - 2 người được huy chương vàng, vài ba người được huy chương bạc”.

Cảnh trong vở kịch “Ngược gió” của sân khấu Thế giới trẻ

Vì điều kiện điện ảnh quá khắt khe, và chọn lọc như thế nên diễn viên trẻ cương quyết bám trụ nhà hát. Bám trụ nhà hát là con đường tiến đến danh hiệu NSƯT, NSND nhanh nhất.

Đồng cảm với phân bố huy chương vàng, huy chương bạc ở những bộ môn nghệ thuật không đồng đều, ông Vi Kiến Thành cảm thán: “Hiện nay phải có huy chương thì nghệ sĩ diễn viên mới được xét danh hiệu, cho nên có một số lĩnh vực mà cụ thể ở đây, chẳng có ngành nghệ thuật nào trong các ngành nghệ thuật ở Việt Nam mà trao nhiều huy chương như ngành sân khấu. Cứ nhìn một kì liên hoan sân khấu chèo, một kì liên hoan sân khấu cải lương, một kì liên hoan kịch thể nghiệm, liên hoan sân khấu nhỏ, liên hoan sân khấu hài… Trời ơi, trong giới văn nghệ... tôi nói ra thì người ta lại thù, nhưng thực ra hàng rổ huy chương vàng.

Bên điện ảnh, một kì liên hoan phim chỉ có một bông sen vàng, hai bông sen bạc cho phim truyện, cho phim tài liệu cũng chỉ thế thôi. Mỗi thể loại chỉ có một bạc. Còn bên Mỹ thuật 5 năm toàn quốc chỉ có 1 giải vàng, còn có năm Mỹ thuật khắt khe đến độ thấy không xứng đáng thì không cho giải vàng nào cả. Bên ngành Mỹ thuật không có giải vàng nào là chuyện bình thường.. Nếu mà làm thì phải làm từ gốc của các hội đồng các kì cuộc liên hoan, các hội diễn phải làm rất chặt sẽ phản ánh đúng giá trị của tấm huy chương và khi đúng từ cấp đó mà lên cấp xét giải sẽ đảm bảo sự chính xác”.

Một nhà hát thường có từ 2 đến 4 đoàn nghệ thuật với hơn 100 nhân khẩu. Một vở diễn thường chỉ một vài ba nhân vật chính, dăm bảy nhân vật phụ. Nên diễn viên để có được vai chính, vai thứ chính là cả một cuộc đua vai, xin vai, thậm chí cầu cạnh vai. Sự cạnh tranh ngay tại nhà hát để có vai đã là rất lớn.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Ở những đơn vị nghệ thuật công lập, việc phải quyết tâm giành được giải cao ở ở các kì liên hoan hội diễn đặt lên hàng đầu. Vì rằng để ra được một vở diễn phải đầu tư rất tốn kém, thậm chí là tiền tỉ. Đây là nguồn kinh phí của Sở Văn hóa, của Tỉnh sở tại... nếu không giật được giải thì về rất mất mặt. Chính vì lẽ đó mà từ Trưởng đoàn, Giám đốc Nhà hát phải cố mời bằng được những gương mặt có tên tuổi “số má”, là những “ông lớn” trong ngành đạo diễn. Có những kì liên hoan sân khấu, tên của những “ông lớn” kia chiếm đến 1/3 vở diễn của toàn liên hoan, thậm chí là một nửa. Có kì liên hoan có nhà hát mang đi hai tiết mục, chẳng được giải thưởng nào, không khí bi thương bao trùm toàn nhà hát, trông họ như bầu trời sắp sửa sập, ai nấy rất rầu rĩ. Trưởng đoàn, phó đoàn, Giám đốc nhà hát, Phó giám đốc nhà hát, diễn viên… nhất là người đứng đầu, trông họ toát hết cả mồ hôi, vì khi về không biết ăn nói thế nào với lãnh đạo Sở, Tỉnh những nơi rót vốn đầu tư cho đi thi. Kể cũng lạ, đoàn nào cũng vậy, không có giải, họ rất đau khổ rồi trách người này, người kia. Vở được giải thì nghiễm nhiên là do công cả đoàn, còn vở không được giải tất cả là do lỗi của Ban giám khảo”.

Đồng cảm với nhận định của NSND Lê Tiến Thọ, ông Vi Kiến Thành cảm thán: “Hiện nay ở một số ngành đang tương đối dễ. Cũng có thực tế, bây giờ trong lúc khó khăn thế này, nhiều tỉnh người ta đầu tư cho một vở diễn liên hoan sân khấu của toàn quốc mà đoàn ấy không mang được huy chương nào về thì rất khó ăn nói với lãnh đạo. Muốn tiếp tục được sự quan tâm, tiếp tục được sự ủng hộ để còn kì cuộc sau họ lại có tác phẩm tốt đi dự thi cuộc này, cuộc khác. Anh nói thế mà năm nay anh chả mang được cái huy chương nào về coi như một sức ép cực lớn đè lên đoàn nghệ thuật đó, đè lên cả ban giám khảo, hội diễn đó. Có rất nhiều vấn đề tác động đến. Tại sao người ta lại trao nhiều huy chương thế, lí do vì sao mình cũng phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Với nghệ sĩ, sâu xa nhất là được xã hội, được nhân dân đón nhận, được công chúng đồng cảm, giới chuyên môn đánh giá tốt. Đấy là cái thực sự thực chất, chứ mình cũng không dám nói là giải này giải kia, huy chương này, huy chương kia”.

Không có huy chương thì không được xét danh hiệu, không được cấp kinh phí để cho những kỳ hội diễn sau, nhưng nếu cứ đánh đồng đã là huy chương là giá trị ngang nhau như điện ảnh, sân khấu… thì e rằng vẫn chưa hợp lý.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tai-sao-nhieu-nghe-si-rat-can-huy-chuong--i694770/