Tại sao nhiều mẫu ô tô đồng loạt tăng giá trong tháng 5?

Dù vẫn chưa vào 'mùa tiêu thụ' nhưng mới đầu tháng 5, hàng loạt mẫu xe như: Honda CR-V, Mazda 2, GM, Nissan, Mitsubishi Outlander... đã có động thái bất ngờ tăng giá.

Sang tháng 5/2018, hàng chục mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia sẽ tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Thị trường ô tô Việt Nam được dự đoán sẽ rất sôi động, cạnh tranh quyết liệt vì thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khu vực giảm mạnh từ 30% xuống 0%.

Ngay sau khi những lô ô tô miễn thuế từ Thái Lan "đổ bộ" về Việt Nam đã khến nhều người tiêu dùng mong chờ giấc mơ ô tô giá rẻ sẽ trong tầm tay. Tuy nhiên, mới bước sang đầu tháng 5, hàng loạt mẫu xe trong nước bất ngờ tăng nhẹ khiến nhiều người bất ngờ.

Cụ thể, sang tháng 5, Nissan Việt Nam công bố giá bán lẻ mới cho mẫu sedan hạng B Nissan Sunny. Trong đó, Sunny bản XL có giá 438 triệu (đã bao gồm VAT), tăng 10 triệu đồng so với tháng 4, bản XV có giá bán lẻ đề xuất là 479 triệu đồng, tăng 11 triệu đồng.

Một mẫu xe lắp ráp trong nước khác cũng vừa tăng giá bán là Mitsubishi Outlander. Theo đó, Outlander bản 2.0 CVT tăng 15 triệu đồng lên 823 triệu đồng. Giá bản 2.0 CVT Premium vẫn giữ nguyên 942 triệu đồng còn phiên bản 2.4 CVT Premium có giá 1,1 tỷ đồng.

Ô tô đồng loạt tăng giá trong tháng 5. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Bắt kịp với xu thế tăng giá, Honda CR-V cũng nhanh chóng được điều chỉnh "nhích" thêm 5 triệu đồng cho mỗi phiên bản. Như vậy, giá bán của Honda CR-V phiên bản 1.5E hiện tăng lên 963 triệu đồng; phiên bản CR-V 1.5G tăng từ 998 triệu đồng lên 1,003 tỷ đồng; còn phiên bản CR-V 1.5L tăng từ 1,068 tỷ đồng lên 1,073 tỷ đồng.

Mẫu xe Mazda 2 trong tháng 5 này được tăng giá bán lên tới 30 triệu đồng đối với cả 2 phiên bản sedan và hatchback. Cụ thể, phiên bản Mazda 2 sedan tăng giá từ 499 triệu đồng lên 529 triệu đồng, còn phiên bản Mazda 2 hatchback cũng tăng từ 539 triệu đồng lên 569 triệu đồng.

GM Việt Nam thì đưa về mẫu SUV 7 chỗ Trailblazer. Hiện một số đại lý đã nhận đặt cọc mẫu xe này với mức giá dưới 1 tỷ đồng. Chevrolet Trailblazer được khách hàng Việt Nam rất quan tâm, sẽ là đối thủ cạnh tranh với Fortuner của Toyota. Cùng với đó là mẫu Colorado thuộc phân khúc bán tải.

Trên thực tế, giá bán xe trong nước, kể cả xe nhập khẩu, không hẳn bị tác động bởi thuế. Những động thái tăng, giảm giá bán xe hiện nay chủ yếu do thị trường điều tiết, phụ thuộc vào yếu tố cung cầu, cũng như tính toán của doanh nghiệp.

Đồng thời, những mẫu xe tăng giá trong thời điểm này thường là sản phẩm lắp ráp trong khi các chương trình ưu đãi chủ yếu đến từ xe nhập khẩu. Trong những tháng gần đây, lượng xe lắp ráp liên tục áp đảo thị trường do ôtô nhập khẩu khan hàng vì vướng phải một số rào cản từ Nghị định 116. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 3 đạt 21.127 xe, trong đó xe lắp ráp chiếm ưu thế với 18.777 xe.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm, có khoảng 6.717 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về nước với giá trị 198 triệu USD. Nếu so sánh với cùng kỳ 2017, kim ngạch nhập khẩu ôtô 4 tháng đầu năm giảm đến 79,8% về lượng và 69,8% về giá trị.

Việc nhiều hãng ô tô đồng loạt tăng giá bán xe ngay từ đầu tháng báo hiệu một cuộc chiến quyết liệt về giá ô tô trên thị trường ô tô Việt. Và giấc mơ ô tô giá rẻ với người Việt Nam cũng còn khá xa vời.

Kiều Trang (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tai-sao-nhieu-mau-o-to-dong-loat-tang-gia-trong-thang-5-a228904.html