Tại sao nhiều dự án tiền ảo không ICO mà tặng miễn phí tiền mới cho người dùng?

Những đợt huy động vốn bằng tiền ảo trong năm 2017 được cảnh báo là trò lừa tiền của nhà đầu tư. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn tới niềm tin và cơ hội cho những nền tảng mới muốn tham gia thị trường blockchain.

Ảnh minh họa.

Khi một dự án blockchain mới ra đời, các dự án này thường huy động tiền từ cộng đồng qua các đợt huy động vốn bằng tiền ảo lần đầu (ICO). Hoạt động này yêu cầu người tham gia phải đổi từ tiền mặt sang một đồng tiền ảo nào đó, rồi dùng đồng tiền ảo này mua các token của dự án.

Tuy nhiên cũng còn 1 cách khác là các nhà phát triển đồng tiền ảo mới tặng không các token cho người dùng mà không đòi hỏi mua. Các hoạt động tặng token hoặc đồng tiền mới này được gọi là “Airdrop”.

Điều này được cho rằng bắt nguồn từ việc ICO bán token đã phát sinh quá nhiều vấn đề, gây giảm lòng tin của nhà đầu tư trong khi lại không có quy định nào ở các quốc gia để quản lý hoạt động này.

Nhưng nếu tặng token như vậy, mục tiêu tăng vốn của dự án ban đầu sẽ không thành công. Vậy các dự án làm điều đó để làm gì?

Theo Byteball, một dự án đã thay thế hoàn toàn hoạt động ICO bằng hoạt động tặng token.

Khi họ thực hiện tặng token miễn phí, họ đã yêu cầu mỗi người muốn nhận phải gửi địa chỉ ví điện tử của mình và cung cấp số lượng Bitcoin mà mình có để quyết định xem họ sẽ nhận được bao nhiêu token.

Qua đây, dự án này đã phát hành được một số lượng token khổng lồ tới đúng người quan tâm.

Jamie Burke, Giám đốc điều hành Outlier Ventures: “Mặc dù xu hướng tặng không token hay thậm chí là đồng tiền mới đang tăng nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy hoạt động này sẽ thay thế cho các đợt ICO. Nhưng đây sẽ phù hợp cho những dự án cần có người dùng ban đầu để thử sản phẩm và xác nhận tính hợp pháp của nó”.

Thực tế thì việc Airdrop này cũng tương tự việc cho người dùng sử dụng thử phần mềm miễn phí giai đoạn đầu phát hành thử nghiệm. Người dùng sẽ thử sản phẩm và quyền được sử dụng sẽ coi như thưởng cho việc thử của khách hàng.

Có những dự án lúc này đã thực hiện ICO thành công nhưng vẫn thực hiện thêm Airdrop như CoinFi và Sharpe Capital. Một lý do được giải thích đó là việc Airdrop tạo ra một cách tiếp cận người dùng mới, với nhiều thiện cảm hơn ICO.

Nếu so sánh ICO và Airdrop thì cả 2 hình thức này đều là kêu gọi người khác tham gia vào nền tảng của mình trong giai đoạn đầu một cách có chọn lọc. Nhưng ICO lại tạo ra hiệu quả tài chính ngay.

Một cách khác để thu hút người dùng tham gia hệ thống ngay giai đoạn đầu là bán token dưới dạng hợp đồng tương lai. Khi hợp đồng cung cấp token được hoàn thành, dự án có thêm thời gian để thử nghiệm sản phẩm qua những phản ứng của những người tham gia.

Quan điểm của Outlier cho rằng việc đưa một sản phẩm ra thị trường trước có thể giảm rủi ro vi phạm các quy định của pháp luật khi ICO.

Ngoài ra việc chọn lựa khách hàng nào mới nhận được đồng miễn phí sẽ giúp cho việc phát hành token hay tiền ảo trở nên chọn lọc hơn. Giá của các token này sẽ được kiểm soát vì đơn vị phát hành vẫn giữ một lượng lớn.

Những người được nhận cũng đã chứng minh được uy tín cá nhân trong cộng đồng sử dụng tiền ảo.

Thế nhưng việc cho đi hàng loạt token hay đồng tiền ảo có thể tạo ra cơ hội cho ai cũng có thể sở hữu tiền ảo và điều này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà phát hành.

Còn nếu việc phát tiền ảo được theo dõi chặt sẽ sinh ra sự không công bằng. Chỉ những ai có ảnh hưởng và uy tín trong cộng đồng mới có thể sở hữu những đồng tiền mới.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/tai-sao-nhieu-du-an-tien-ao-khong-ico-ma-tang-mien-phi-tien-moi-cho-nguoi-dung-3439070.html