Tại sao Nhật Bản cấm axit benzoic trong tương ớt, Việt Nam vẫn dùng?

Việt Nam cho phép dùng axit benzoic trong tương ớt còn Nhật Bản lại cấm. Phải chăng tương ớt Việt Nam không an toàn bằng Nhật?

Lô tương ớt Chinsu vừa bị chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản, thu hồi do chứa axit benzoic. Trong khi đó, chất này được Ủy ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc tế - gọi tắt là Ủy ban Codex - công nhận là phụ gia thực phẩm. Việt Nam và Nhật Bản là 2 trong số 186 quốc gia tham gia Ủy ban Codex.

Về vấn đề này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam cho phép dùng axit benzoic trong tương ớt còn Nhật Bản lại cấm. Phải chăng tương ớt Việt Nam không an toàn bằng Nhật Bản? Tiêu chuẩn quốc tế không phải điều luật, chỉ tham chiếu

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, hiện nay, Ủy ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc tế là cơ quan xây dựng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, do 2 cơ quan của Liên Hợp Quốc là FAO và WHO cùng quản lý. Codex có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn hướng dẫn và những văn bản liên quan thực phẩm, trong đó có quy định chung về các chất phụ gia thực phẩm.

Mục đích của các tiêu chuẩn này là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo hành vi trung thực trong mua bán thực phẩm và thúc đẩy sự hợp tác trong việc xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm, do các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở cấp quốc tế thực hiện.

Các tiêu chuẩn do Codex xây dựng chỉ mang tính chất tham khảo, như một hướng dẫn để các quốc gia ban hành quy định và tiêu chuẩn riêng cho nước mình. Hiện, 186 nước như Mỹ, Australia, Canada… dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex.

“Quy định của Codex không phải là điều luật, không bắt buộc các quốc gia phải tuân theo và cũng không quy định về cơ chế xử phạt nếu các quốc gia không tuân theo”, TS Trương Hồng Sơn cho hay.

 Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi vì chứa chất cấm. Ảnh: OsakaCity.

Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi vì chứa chất cấm. Ảnh: OsakaCity.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thống nhất lấy tiêu chuẩn Codex để tham chiếu khi có tranh chấp về thương mại đối với thực phẩm. Mỗi chất được Codex quyết định đưa vào sử dụng và chấp nhận sử dụng trong chế biến thực phẩm hay không đều căn cứ trên nghiên cứu chặt chẽ. Các nước thành viên Codex sẽ tham chiếu những tiêu chuẩn để đưa ra quy định phù hợp cho quốc gia mình.

Điển hình là Việt Nam dựa vào quy định của Codex để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia (tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN) riêng, quy định về chất lượng nhiều loại lương thực, thực phẩm.

Về axit benzoic, TS Trương Hồng Sơn cho biết theo chuẩn của Codex, cũng như TCVN 7397:2014, đây là chất phụ gia thực phẩm có thể được cho vào các loại nước sốt và sản phẩm tương tự nước sốt (sauces and like products) với hàm lượng tối đa không quá 1.000 mg/kg.

“Theo các thông tin được cung cấp, hàm lượng axit benzoic trong hơn 18.000 chai tương ớt bị thu hồi tại Nhật nằm ở ngưỡng 0,41-0,45g/kg, tức là nằm trong ngưỡng cho phép của Codex và TCVN”, TS Sơn nói. Mỗi nước có thể quy định khác nhau

Lý giải việc Nhật Bản lại có quy định khác với Ủy ban Codex, trong đó có Việt Nam về axit benzoic dùng trong tương ớt, TS Sơn giải thích quy định của Codex chỉ như một hướng dẫn tham khảo. Tùy thuộc mỗi quốc gia, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen dùng sản phẩm, công nghệ sản xuất.

“Không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không chấp nhận ở nước khác. Ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, mỗi nước có thể quy định khác nhau về hàm lượng hoặc đối tượng sử dụng. Khi cơ quan quản lý thực phẩm Nhật Bản quyết định thu hồi thì có thể do việc sử dụng chất đó không phù hợp tại Nhật Bản hoặc vi phạm quy định tại đất nước này. Một số quốc gia cũng có các quy định riêng như vậy về phụ gia thực phẩm”, TS Sơn cho hay.

Liên quan vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cũng cho biết với những chất phụ gia có trong danh mục của Ủy ban Codex được sử dụng với hàm lượng đúng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe.

"Nguyên tắc là phải dùng đúng hàm lượng, đúng đối tượng, tương ứng mỗi nhóm có những hàm lượng khác nhau. Nếu không đúng sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe", bà Nga cho hay.

Theo bà Nga, theo danh mục phụ gia do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ban hành, có hiệu lực thực hiện từ 30/12/2018, nước này cũng cho phép sử dụng axit benzoic để bảo quản bơ thực vật, trứng cá các loại, siro, tương cà chua và đồ uống không cồn, hàm lượng cho phép là 0,6-2,5 gr/kg tùy loại sản phẩm.

Ngày 2/4, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản, thông báo về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ Thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu vừa bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg. Đây là chất cấm sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.

Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc. Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

Theo ZIng.vn

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/tai-sao-nhat-ban-cam-axit-benzoic-trong-tuong-ot-viet-nam-van-dung-20190410150959322.htm