Tại sao nhà sản xuất chip của Mỹ được chú ý trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Mới đây một nhà sản xuất Trung Quốc đã bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại của nhà sản xuất Mỹ. Trong khi chính 2 công ty này cũng từng kiện nhau tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Trong tuần trước, chính phủ Tổng thống Trump đã đưa ra cáo buộc công ty Fujian Jinhua có hành vi gián điệp thương mại. Cụ thểm theo bộ tư pháp Mỹ, công ty này đã cùng với một công ty Đài Loan và 3 cá nhân Đài Loan khác đã ăn cắp bí mật thương mại của Micron.

Micron là một nhà sản xuất chip nhớ tại Idaho, Mỹ còn Fujian Jinhua lại là công ty có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Các cáo buộc này đã khiến cho Trung Quốc có thể phải chịu thêm khó khăn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo ông Mehdi Hosseini nhà phân tích về thị trường bán dẫn: “Cáo buộc này đi kèm với lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho Fujian Jinhua sẽ giúp cho Micron có được lợi thế khi so với các công ty Trung Quốc, và ngành công nghiệp chip nhớ của nước này chắc chắn sẽ chịu thiệt hại”.

Hiện nay cáo buộc vẫn đang được tòa án Mỹ thụ lý. Tuy nhiên Micron vẫn phải lo những vụ kiện khác. Tại Trung Quốc, công ty này đang bị Jinhua và UMC kiện từ tháng 1. Tới tháng 7 Micron đã bị cấm bán 26 sản phẩm tại nước này bao gồm chip nhớ, thẻ nhớ, ổ cứng.

Micron cho biết trước khi có cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc đánh cắp bị mật thương mại, họ chỉ nắm được có lệnh cấm xuất khẩu của Tổng thống sang Trung Quốc. Tuy nhiên đại diện công ty này cũng cho biết: “Chúng tôi luôn hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động thương mại quốc tế và cả sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đánh giá cao quyết định của Bộ tư pháp khi truy tố bên trộm cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi”.

Fujian Jinhua thì phản đối cáo buộc này và cho biết cáo buộc đã vi phạm pháp luật và có thể phản hồi mọi yêu cầu đối chất.

Theo CNN Business, cáo buộc ăn cắp công nghệ của Micron chính là một công cụ trong cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và Trung Quốc.

Tại cuộc đàm phán tại Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho biết họ sẵn sàng gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp được tổ chức tại Argentina.

Bloomberg từng dẫn lại một nguồn tin cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu soạn thảo một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước sự kiện trên.

Nhà nghiên cứu thị trường Michael Every của ngân hàng đầu tư Rabobank cho rằng quyết định này của Tổng thống Mỹ có thể sẽ là cách để thúc đẩy thị trường vào tuần này. Đây cũng là tuần diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngoài ra nếu Mỹ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc, Mỹ sẽ có vị trí tốt hơn nếu có thỏa thuận thương mại được chuẩn bị.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Fujian Jinhua vận hành nhờ vào phần mềm và công nghệ từ các công ty Mỹ.

Nếu so sánh với lệnh trừng phạt vào ZTE, hành động của chính phủ Mỹ với Fujian Jinhua có thể không phải là hình phạt một lần với phạm vi cụ thể mà sẽ là một phần của một chính sách lớn hơn nhiều.

Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết công ty Trung Quốc này có thể đe dọa chuỗi cung ứng trong quân sự.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/tai-sao-nha-san-xuat-chip-cua-my-duoc-chu-y-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-3478359.html