Tại sao người Việt dễ xôn xao 'cá thần', 'rắn thần'?

Khi thấy những sự việc kỳ lạ người dân Việt Nam thường nghĩ ngay đến chuyện thần thánh mà không tìm hiểu, xuy xét kỹ vấn đề.

Những ngày gần đây câu chuyện xuất hiện một cặp rắn thường nằm trên một ngôi mộ vô danh ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang khiến dân mạng xôn xao.

Người dân địa phương cho hay, hai con rắn này xuất hiện trên ngôi mộ đắp bằng đá, thân rắn bằng ba ngón tay, dài gần một mét; một con to và một con nhỏ hơn. Dù đông người nhưng "rắn thần" vẫn nằm đấy, quanh quẩn ở mộ chứ không đi đâu.

Từ đó, xuất hiện thông tin "Bà ăn mày" hiển linh "rắn thần" thế là mọi người kéo đến xem, cúng bái, cầu xin.

Người dân quẹt tiền vào người rắn để lấy "hên".

Một số người dân đã dựng rạp trên ngôi mộ, thắp hương cho cặp rắn. Phía trên ngôi mộ đặt nhiều hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng. Nhiều người thoa vào đầu, lưng rắn, quẹt tiền lên rắn để cầu xin may mắn. Tính đến thời điểm cuối ngày 28/2, người đến cầu khấn, cúng bái đã "dâng" lên cặp "rắn thần" khoảng... 200 triệu đồng.

Tuy nhiên trước những đồn đoán về cặp "rắn thần" này, ông Trần Văn Hạnh (53 tuổi, ở huyện Quảng Trạch) một người am hiểu về loài rắn khẳng định, 2 con "rắn thần" mà người dân đang tôn thờ thực chất chỉ là một cặp rắn nước, một cá thể đực và một cá thể cái.

"Đây có thể là 2 mẹ con rắn nước. Con đực hiện đã chết còn con cái đang mang thai hiện cũng đang rất yếu. Người dân không nên mê tín về đây cúng bái tránh bị kẻ xấu nhân danh thánh thần lừa đảo" – ông Hạnh nói.

Câu chuyện cặp "rắn thần" này cũng khiến người ta liên tưởng đến con "cá chép thần" ở Nghệ An khi người dân ở Đô Lương, Nghệ An xôn xao về con cá bơi dưới kênh nước ở cầu Lim.

Thấy con cá lạ chỉ bơi loanh quanh một chỗ rồi trồi lên ngụp xuống, nhiều người đã mang kích điện cùng các dụng cụ khác để đánh bắt nhưng không được.

Nhiều người dân hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng 'cá thần'.

Mấy ngày sau đó, con cá vẫn chỉ bơi loanh quanh ở khu vực này. Câu chuyện về 'con cá thần' vang xa, hàng trăm người dân đã tụ tập về đây để chứng kiến tận mắt, gây nên cảnh tượng huyên náo.

Để chấm dứt những tin đồn vô căn cứ, đến trưa 21/2, ông Nguyễn Bá Dược (50 tuổi, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã xin phép chính quyền xã và tự tay bắt được con cá nặng 3,2 kg này.

Theo kinh nghiệm nhiều năm, ông Dược xác định đuôi cá có dịch nhờn, khả năng do bị thương ở đuôi nên mất khả năng 'lái', chỉ có thể bơi vòng tròn và nổi lên để thở, chứ không có gì thần thánh như đồn thổi.

Hai sự việc trên cho thấy, sự mê tín, thần thánh hóa mọi sự việc có dấu hiệu khác lạ khi chưa suy xét kỹ thực hư đang tồn tại ở một bộ phận người Việt. Điều này phần nào được giải thích bởi nhận xét của nhà văn hóa Hữu Ngọc. Theo đó, người Việt dễ sùng bái, thần thánh hóa. Không những thế, người dân còn yếu về tư duy lôgic, óc phân tích thực nghiệm và luận lý, dễ cầu may.

Thiết nghĩ, tâm lý này cần phải được điều chỉnh, tránh xảy ra chuyện tụ tập, đồn đoán, cúng bái những hiện tượng hết sức bình thường như thời gian vừa qua.

Phương Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/du-lich/tai-sao-nguoi-viet-de-xon-xao-ca-than-ran-than-3353674/