Tại sao Nga lại phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới?

Trong cuộc họp nội các chính phủ ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Nga đã phát triển thành công mẫu vaccine ngừa dịch bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nó đã được đăng ký bản quyền với tên gọi Sputnik V, tên giống với vệ tinh nhân tạo đầu tiên đưa lên quỹ đạo của Liên Xô vào năm 1957.

Dược tính của dòng vaccine mới đã được cơ quan chức năng Nga phê duyệt để sử dụng trên người và quá trình sản xuất nó sẽ sớm được tiến hành.

Vaccine ngừa Covid-19 mới đã được thử nghiệm trên người

Tổng thống V. Putin cho biết, con gái của ông cũng tham gia vào quá trình thử nghiệm vaccine mới. “Con gái của tôi có tham gia vào quá trình thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 mới. Con tôi đã được tiêm một liều vaccine và có phản ứng sốt nhẹ 38 độ C. Tuy nhiên, thể trạng của nó đã trở về bình thường sau đó một ngày với nhiệt độ cơ thể ổn định 37 độ C”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.

 Nguyên mẫu vaccine ngừa Covid-19 - Sputnik V.

Nguyên mẫu vaccine ngừa Covid-19 - Sputnik V.

Liên quan tới dòng vaccine ngừa Covid-19 mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga, Mikhail Murashko cho biết, vaccine Sputnik V sẽ do Viện nghiên cứu Vi sinh và Dịch tễ quốc gia mang tên Gamaleya và công ty Binofarm sản xuất hàng loạt từ tháng 9 tới với sự hỗ trợ của chính phủ. Khoảng 4 tỷ rúp, tương đương 54,2 triệu USD sẽ được trích từ Quỹ đầu tư trực tiếp quốc gia Nga (RDIF) sẽ được dành cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Trong thời gian tới, vaccine Sputnik V sẽ tiếp tục tham gia các thử nghiệm quốc tế tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia và một số quốc gia tại khác tại châu Á và Mỹ La tinh. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, sẽ có khoảng 20 quốc gia đặt mua vaccine ngừa Covid-19 của Nga với tổng cộng khoảng hơn 1 tỷ liều.

“Cùng với 5 đối tác quốc tế, chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp khoảng 500 triệu liều vaccine mỗi năm. Năng lực sản xuất có thể mở rộng tùy thuộc vào nhu cầu”, ông Mikhail Murashko nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Trung tâm ngăn ngừa Covid-19 khu vực Thủ đô Moscow, vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu được cung cấp từ ngày 1-1-2021. Cán bộ công tác trong ngành y tế và giáo dục sẽ là đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine mới. Người dân Nga được quyền lựa chọn có sử dụng vaccine mới hay không?

Kế thừa truyền thống ngăn ngừa dịch bệnh từ thời Liên bang Xô Viết

Trong Chiến tranh Lạnh, cùng với Mỹ, Liên Xô từng là một siêu cường trong lĩnh vực y-sinh học, đặc biệt là các nghiên cứu về các chủng virus gây bệnh trên người. Sự xuất hiện của các chủng virus gây bệnh mới luôn được thu thập và nghiên cứu để sử dụng với mục đích khác nhau. Truyền thống thu thập và nguyên cứu này tiếp tục được Nga duy trì tới ngày nay.

Nga đạt được bước tiến trong phát triển vaccine ngừa Covid-19 là nhờ kế thừa nhiều kinh nghiệm và thực nghiệm từ thời Liên Xô.

Chính nhờ quá trình nghiên cứu và tích lũy kéo dài nhiều thập kỷ, Liên Xô trước đây và Nga sau này sở hữu một ngân hàng virus và các thực nghiệm liên quan rất đồ sộ. Chúng giúp rút ngắn đáng kể quá trình nghiên cứu phương pháp và phác đồ điều trị các loại virus có họ gần nhau. Điều này giúp giải thích tại sao Nga có bước tiến nhanh chóng trong quá trình phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Cùng với đó, các trung tâm nghiên cứu tại Nga có truyền thống phối hợp với nhau để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị mới.

“Liên Xô có rất nhiều trung tâm và viện nghiên cứu phát triển vaccine rất mạnh. Truyền thống hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu này giúp Liên Xô trước đây và Nga hiện nay có thể phát triển nhanh chóng các loại vaccine ngăn ngừa bệnh tật. Nền tảng khoa học của Liên Xô và sự kế thừa và phát triển ở nước Nga hiện nay cho phép chúng tôi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19. Chúng tôi hy vọng vaccine sẽ giúp cứu nhiều mạng sống và đánh bại chủng virus nguy hiểm này”, chuyên gia Vadim Tarasov, Giám đốc Viện Y học dự phòng và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Y khoa quốc gia Moscow cho biết.

Theo lời ông Vadim Tarasov, vaccine ngừa Covid-19 mới được phát triển trên nền tảng thực nghiệm vaccine ngừa dịch Ebola. Tuy nhiên, cách tiếp cận tạo kháng thể trên người chống lại virus gây bệnh Covid-19 là khác nhau.

Quá trình phát triển vaccine mới chỉ mất… 14 ngày

Viện nghiên cứu Vi sinh và Dịch tế quốc gia mang tên Gamaleya bắt đầu phát triển vaccine Sputnik V từ đầu tháng 2-2020. Trong quá trình phát triển vaccine, nhóm nghiên cứu đặc biệt do Phó giám đốc Viện Gamaleya, Denis Logunov đứng đầu đã phát hiện ra sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nhưng đã nhanh chóng tìm ra các phát triển vaccine nhờ kho dữ liệu về chủng virus Corona này.

Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Meduza, ông Denis Logunov cho biết, quá trình phát triển vaccine ngừa Covid-19 mới chỉ mất có 14 ngày. Đây là thời gian rất ngắn so với quá trình phát triển vaccine ngăn ngừa bệnh cúm MERS do một chủng virus Corona khác gây ra kéo dài tới 3 năm. Tuy nhiên, những nghiên cứu về virus Corona khi phát triển vaccine ngừa bệnh cúm MERS đã giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển vaccine Sputnik V.

Các nghiên cứu về chủng virus Corona như bệnh cúm MERS giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine ngừa Covid-19.

“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện hai chủng virus có nhiều tương đồng giúp thời gian và tiến độ phát triển vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh một cách đáng kinh ngạc”, ông Denis Logunov nói.

Theo lời ông Denis Logunov, virus mang DNA của Covid-19 làm yếu được đưa vào cơ thể sống giúp nảy sinh phản ứng tạo ra miễn dịch. Các thử nghiệm đã rất thành công.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Sputnik, RBTH, RIAN…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tai-sao-nga-lai-phat-trien-thanh-cong-vaccine-ngua-covid-19-dau-tien-tren-the-gioi-631405