Tại sao Nga 'đánh bại' Covid-19' để tổ chức thành công lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng?

Ngày 24-6 vừa qua, Nga đã tổ chức trọng thể và thành công lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng tại nhiều thành phố trên khắp lãnh thổ liên bang. Lễ duyệt binh được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Tuy nhiên, Moscow đã có nhiều bước chuẩn bị chu đáo để lễ duyệt binh vừa diễn ra hùng tráng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn bộ những người tham gia.

Các biện pháp mạnh mẽ và chu đáo để ngăn chặn Covid-19

Theo Điện Kremlin các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện tốt các phương án an toàn dịch tễ, tránh khả năng lây lan của dịch bệnh khi tổ chức lễ duyệt binh. Một trong những quyết định quan trọng là lễ duyệt binh năm 2020 diễn ra không có khán giả để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Điện Kremlin đã cố gắng lựa chọn phương án tối ưu nhất có thể.

 Chính nhờ các biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng đã diễn ra thành công và an toàn.

Chính nhờ các biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng đã diễn ra thành công và an toàn.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đã thực hiện tốt không chỉ công tác huấn luyện, chuẩn bị cho lễ duyệt binh. Các khối đội hình quân nhân, sĩ quan, phương tiện chiến đấu trên bộ, trên không đã có mặt tại ngoại vi Thủ đô Moscow tham gia luyện tập theo kế hoạch. Để đảm bảo an toàn dịch tễ, toàn bộ binh sĩ, sĩ quan tham gia lễ duyệt binh đều được kiểm tra y tế chuyên sâu. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, các đơn vị quân đội đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, ngừa lây nhiễm Covid-19 khi tham gia sự kiện kỷ niệm quan trọng này.

Cụ thể, toàn bộ các vị trí đóng quân và luyện tập chuẩn bị cho lễ duyệt binh đều đã được khử trùng và binh sĩ được yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Mỗi cán bộ, sĩ quan, binh sĩ được đo thân nhiệt 3 lần/ngày. Ngoài ra, họ phải vượt qua nhiều vòng xét nghiệm y tế nữa trước cho tới thời điểm được tham gia lễ duyệt binh vào ngày 24-6 vừa qua.

Cùng với đó, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc cao tuổi, họ được nghỉ dưỡng tập trung ở ngoài vi Thủ đô Moscow trong vòng 2 tuần. Các biện pháp này được cho là để đảm bảo an toàn cho quan khách nước ngoài, cũng như giới chức liên bang tham dự buổi duyệt binh. Chính nhờ những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh khắt khe, các quan khách và khối quân sự tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ không cần các biện pháp bảo vệ ngăn ngừa dịch bệnh.

Miêu tả lại cuộc duyệt binh lịch sử năm 1945

Trước khi ngày 9-5 hằng năm được coi là Ngày Chiến thắng phát xít và có các cuộc duyệt binh kỷ niệm, thì vào năm 1945, lễ duyệt binh lịch sử này lại diễn ra vào ngày 24-6. Sau sự đầu hàng của phát xít Đức, Bộ chỉ huy tối cao Liên Xô đã yêu cầu tuyển chọn và tập trung các đơn vị ưu tú trong chiến tranh để tham gia duyệt binh. Công tác diễn tập và chuẩn bị diễn ra rất gấp gáp, khi việc cơ động hành quân người và phương tiện chiến đấu từ khắp các mặt trận; chuẩn bị cơ sở, vật chất và luyện tập cho lễ duyệt binh chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 tháng.

Các khối đội hình miêu tả lại lễ duyệt binh lịch sử năm 1945.

Trong khi đó, lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng được tiến hành trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất tại Nga. Điều này khiến công tác chuẩn bị cho lễ duyệt binh trở nên phức tạp gấp nhiều lần. Cũng vì Covid-19, trong ngày 9-5 vừa qua, phần lớn các hoạt động kỷ niệm đều diễn ra “gián tiếp” với hoạt động duyệt binh trên không của Không quân Nga và lễ diễu hành “Trung đoàn bất tử” được tiến hành trực tuyến. Hoạt động duyệt binh trọng thể chỉ được khởi động sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong đầu tháng 6-2020, khi dịch bệnh đã có dấu hiệu được kiểm soát.

Chính vì thế, không khó hiểu khi dẫn đầu đoàn duyệt binh chính là các khối đội hình miêu tả lại đoàn quân chiến thắng của Hồng quân trên Quảng trường Đỏ năm 1945. Cùng với đó, đây là lần đầu tiên lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng được tiến hành đúng vào ngày 24-6 và là một trong những cuộc duyệt binh kỷ niệm có quy mô lớn trong lịch sử tổ chức hoạt động này.

Có một điều khá thú vị về hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng dưới thời Liên Xô là các lễ duyệt binh quy mô chỉ được tổ chức 4 lần vào các năm 1945, 1965, 1985 và 1990. Thậm chí, Ngày Chiến thắng còn được chuyển từ ngày 9-5 sang ngày 1-1 hằng năm. Trong giai đoạn 1947-1965, công dân Liên Xô vẫn đi làm bình thường vào ngày 9-5 hằng năm. Lý do cho việc này là để tiết kiệm nguồn lực xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tới tận năm 1995, sau lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm, Nga đã quyết định chọn ngày 9-5 trở thành ngày duyệt binh kỷ niệm thường niên cho tới ngày nay.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, TASS, Lenta…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-nga-danh-bai-covid-19-de-to-chuc-thanh-cong-le-duyet-binh-ngay-chien-thang-624511